Sự kiện trực tuyến đang trở thành xu hướng trong thời điểm dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Vậy sự kiện trực tuyến là gì? Và sự kiện trực tuyến trên thế giới và Việt Nam đang diễn ra như thế nào?
Với sự bùng phát chưa có dấu hiệu giảm sút của dịch Covid-19 trên toàn thế giới, các ngành công nghiệp giải trí lớn cũng đều phải huỷ bỏ và thậm chí sụt giảm doanh thu. Tuy nhiên, chính diễn biến phức tạp này cũng chính là đòn bẩy tạo nên một thị trị trường tổ chức sự kiện thêm sôi động và sáng tạo hơn.
Xu hướng sự kiện toàn cầu chuyển dịch như thế nào trong mùa dịch bệnh?
Trong bối cảnh phát triển thông tin như hiện nay, mặc dù livestream trực tuyến không phải là xu hướng mới nhưng đối với ngành tổ chức sự kiện cần sự hưởng ứng đông đảo từ khán giả, thì đây là một lựa chọn phù hợp nhất trong mùa dịch. Nhờ đó, các sự kiện được diễn ra và người xem được tham gia sự kiện thông qua nền tảng kỹ thuật số.
Những bộ phim đứng đầu phòng vé như: The Invisible Man; Onward hay Bloodshot cũng dự kiến sẽ sớm được phát sóng trên các nền tảng trực tuyến độc quyền của các hãng phim. Thậm chí, bộ phim Trolls World Tour của Universal sắp ra mắt vào ngày 10/4 tới đây cũng sẽ được phát hành song song trên 2 phương thức: chiếu rạp và trực tuyến.
Các đại hội âm nhạc vốn thu hút hàng triệu người trên thế giới tham dự tiêu biểu như Ultra Music Festival, thay vì tổ chức ngoài trời lễ hội đã được stream trên kênh UMF Radio của SiriusXM từ 05:00 PM (ET) (từ 20/03 đến 23/03/2020) trên kênh số 52, đương nhiên vẫn có sự góp mặt của dàn nghệ sỹ đình đám như: Major Lazer, Afrojack, Martin Garrix…
Hay khi tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thúc đẩy chuỗi dự án #TogetherAtHome, các ca sỹ nổi tiếng trên thế giới như: Chris Martin (Coldplay), John Legend, Lauv, the Queens… cũng đã cùng nhau hưởng ứng bằng việc tổ chức các concert trực tuyến để quảng bá những bài hát mới cũng như giao lưu với người hâm mộ ngay tại nhà.
Xu hướng sự kiện trực tuyến tại Việt Nam
Tại Việt Nam, theo lệnh ban hành mới nhất của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ít nhất trong 2 tuần tới tạm dừng tất cả các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người, do đó, ngành sự kiện Việt Nam nói riêng cũng đang gặp không ít khó khăn. Để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh Covid-19, nhiều sự kiện ngoài trời hay sự kiện đông người bị huỷ bỏ, điển hình như lễ trao giải Làn Sóng Xanh và lễ trao Giải thưởng âm nhạc Cống hiến 2020 cũng không được thực hiện và ban tổ chức sẽ gửi cúp lưu niệm cho nghệ sĩ qua đường bưu điện.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn thấy được những điểm sáng mới trong ngành sự kiện Việt Nam khi xu hướng sự kiện trực tuyến đang ngày một nở rộ. Tối ngày 26/3 vừa qua, Lazada – một trong những sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam cũng đã tổ chức Đêm nhạc hội Super Live mừng sinh nhật lần thứ 8, phát sóng trực tuyến trên hai nền tảng mạng xã hội Facebook và app ứng dụng của Lazada. Sự kiện này có thông điệp: quẩy sinh nhật Lazada tại nhà, chẳng cần đi đâu xa.
Đêm hội cũng được trau chuốt từ các yếu tố âm thanh, ánh sáng, các màn trình diễn của các nghệ sĩ. Đồng thời, Lazada liên tục tung các voucher mua sắm giá trị trong quá trình diễn ra nhạc hội, nhờ đó thu hút gần 110,000 khán giả tham gia trực tuyến và trải nghiệm mua sắm trực tiếp trên trang thương mại liên tử này.
Ngoài ra, với chỉ đạo của Chính phủ về việc tạm ngưng các sự kiện tập trung đông người, Lazada cũng đã sử dụng các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho toàn bộ ekip và các nghệ sĩ tham dự như: đeo khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt, sử dụng buồng khử khuẩn toàn thân, nước rửa tay… Nhờ đó, sự kiện được diễn ra thuận lợi và truyền tải tốt thông điệp mua sắm an toàn của mình.
Lazada cũng đã chủ động cập nhật xu hướng sự kiện mới và biết cách thu hút công chúng tham gia sự kiện trực tuyến thông qua màn hình điện tử bằng cách mời những nghệ sĩ tên tuổi nhất hiện nay như: Đông Nhi, Binz, Hoàng Thuỳ Linh, Vũ Cát Tường, Erik, Phương Ly, Amee, Chillies, UNI5, Nghệ sĩ hài Huỳnh Lập, Chị Ca-Nô và sự dẫn dắt sự kiện đặc biệt của MC Trấn Thành.
Tuy nhiên, việc tổ chức sự kiện trực tuyến cũng không tránh khỏi những sự cố kỹ thuật như lỗi đường truyền tín hiệu làm ảnh hưởng đến hiệu ứng âm thanh hay màn hình bị giật lag khi xem livestream… Điều này cũng đặt ra các vấn đề cho các nhà tổ chức sự kiện theo dạng trực tuyến. Trước hết, ngân sách đầu tư cho các kỹ thuật, công nghệ quay chụp, livestream cần phải cao hơn để mang lại trải nghiệm nghe nhìn tốt nhất cho người xem. Bù lại, chúng ta có thể cắt bớt được một khoản chi phí khác như: bán vé, quản lý khán giả, địa điểm… So với sự kiện truyền thống, việc tổ chức trực tuyến cũng sẽ có những hạn chế trong việc mang đến trải nghiệm của khán giả. Do đó, ekip sản xuất cũng cần biết cách làm mới kịch bản, tìm cách để thúc đẩy sự tương tác với khán giả online và thu hút sự tập trung của họ.
Tạm kết, dù là ngành sự kiện truyền thống hay sự kiện trực tuyến thì những sự cố bởi kỹ thuật, hay các tác động bởi yếu tố bên ngoài luôn là điều thường thấy ở trong lĩnh vực này. Tuy vậy, kỹ năng quản lý rủi ro trong Event chính là yếu tố quan trọng để các xu hướng sự kiện luôn chuyển dịch và không ngừng đổi mới, sáng tạo nhằm thích nghi với mọi diễn biến thời cuộc. Tổ chức sự kiện trên nền tảng trực tuyến cũng đang ngày càng chứng minh được tiềm năng của mình, vượt ra ngoài khuôn khổ của mô hình truyền thống để hứa hẹn trở thành xu hướng lâu dài trong nền công nghiệp giải trí.
Nguồn tham khảo: vtv.vn
Xem thêm