Tháng 6 đánh dấu sự trở lại sôi nổi của nghệ thuật, những người yêu cái đẹp có dịp thưởng thức những tuyệt tác của danh họa Gustav Klimt và Egon Schiele, nhìn lại quá khứ xưa qua lăng kính nhiếp ảnh gia Võ An Khánh và nghệ sĩ Võ Trân Châu, hoặc ngồi nhà hòa mình vào liên hoan phim tầm vóc thế giới.
Nội dung
1. Thưởng thức các tuyệt tác của Gustav Klimt và Egon Schiele ngay tại Việt Nam
Triển lãm Hình ảnh & Khoảng cách trình chiếu 16 sáng tác đỉnh cao của hai danh họa người Áo, bao gồm những bức nổi tiếng nhất như Nụ hôn, Chân dung Adele Bloch Bauer I, Sự sống và cái chết, Cây đời… của Klimt; các bức Tự họa đầu nghiêng, Mẹ và con II, Bốn cây, Đức Hồng y và nữ tu sỹ… của Schiele. Đây là lần đầu tiên công chúng Việt Nam có cơ hội thưởng lãm các kiệt tác của hai danh họa nổi tiếng thế giới dưới dạng phiên bản số.
Gustav Klimt và Egon Schiele sống tại Vienna vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Ở nơi được coi là một trong những cái nôi sản sinh ra kỷ nguyên của chủ nghĩa hiện đại, cả hai đã bứt phá khỏi khuôn khổ của nghệ thuật hàn lâm, kinh viện để kiến tạo nên những hình thức biểu hiện mới mẻ và độc đáo.
Các tác phẩm được lựa chọn để giới thiệu trong triển lãm đều ra đời trong những năm đầu thế kỷ 20 – giai đoạn đặc biệt đã chứng kiến những thay đổi căn bản không chỉ trong lịch sử nghệ thuật mà của cả thế giới, với Thế chiến thứ nhất và đại dịch cúm Tây Ban Nha ước tính cướp đi sinh mạng của hơn 50 triệu người toàn cầu.
Triển lãm diễn ra từ 9h30 – 22h00 ngày 31.5 đến ngày 31.7 tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA), Hà Nội.
2. Nhìn lại chiến tranh qua ống kính lạ thường của nhiếp ảnh gia Võ An Khánh
Võ An Khánh gây dấu ấn bằng những tấm hình có phần siêu trần, quỷ dị của thời kỳ chiến tranh Việt Nam: Ảnh của ông mở ra đời sống khẩn trương và bình phàm của lực lượng kháng chiến miền Nam, với những đội quân y, đoàn văn nghệ, những công nhân xưởng in cùng nhau đồng hành, sinh tồn và nương trú trong rừng đước.
Võ An Khánh sinh năm 1936 tại làng Ninh Quới, Bạc Liêu. Trong những năm 1960 và đầu những năm 1970, ông đồng hành cùng đơn vị du kích, ghi lại nhiều hình ảnh chiến tuyến của lực lượng kháng chiến chống Mỹ ở Cà Mau. Giữa năm 1962 và 1975, ông đã tổ chức một triển lãm ảnh trong điều kiện đặc biệt khó khăn của rừng ngập mặn. Hai bức ảnh nổi tiếng của ông, Trạm quân y dã chiến và Lớp học tập chánh trị nghiệp vụ, cũng có mặt trong triển lãm và được rửa tại chỗ bằng ánh sáng tự nhiên.
Khác với loạt ảnh báo chí thường sưu tầm những diễn cảnh khổ đau khiếp hãi, những bức ảnh của trong triển lãm “Tác lực ngầm” của Võ An Khánh chớp lấy những cuộc gặp ngắn ngủi, không chỉ đơn thuần lưu chép thông tin đời sống kháng chiến mà còn “thở”, mang sức nặng hơn cả lời nói, ý thức hệ và những giáo lý thông thường.
Triển lãm mở từ 2.6 đến 8.8 tại Sàn Art (TP.HCM).
3. Về miền ký ức với tour nghệ thuật Nhặt lá rừng xưa
Nhặt lá rừng xưa dùng ngôn ngữ mềm mại của vải vóc để diễn tả những câu chuyện tản mác của lịch sử Việt Nam hiện đại: Nghệ sĩ Võ Trân Châu phủ kín không gian triển lãm bằng các bức tranh ghép bằng vải, in trên đó là những công trình kiến trúc và biểu tượng văn hoá đã bị phá huỷ như Thương xá Tax hay Ụ tàu Ba Son.
Trong một góc thân mật hơn của triển lãm, nghệ sĩ cũng trưng bày các tác phẩm nhỏ thể hiện đời sống của những người đã cư trú tại những căn nhà làm nên cá tính cho một thành phố cũng như những cộng đồng trong đó.
Đâu là những dòng suy nghĩ khác mà nghệ sĩ đã khéo léo đan cài? Tại sao Võ Trân Châu lại chọn làm việc với vải vóc, đặc biệt là với quần áo cũ thu lượm được? Các giám tuyển Lê Thuận Uyên và Vân Đỗ sẽ cùng khách tham quan trả lời các câu hỏi trên, đồng thời lần lại những câu chuyện hậu trường và khám phá những cách khác nhau mà xã hội đương đại Việt Nam đã và đang ghi nhớ, hoặc gạt bỏ một phần di sản lịch sử và kí ức.
Tour nghệ thuật diễn ra trong khung giờ 16:00 – 18:00 ngày 6.6 tại The Factory Contemporary Arts Center (TP.HCM).
4. Thưởng thức tuần lễ liên hoan phim quốc tế trực tuyến đầu tiên trong lịch sử
Liên hoan phim We Are One: A Global Film Festival quy tụ 20 liên hoan phim quốc tế lớn nhỏ trên thế giới cùng tham gia, trong đó có Cannes, Venice, Berlin, Toronto, Tribeca, Tokyo, Sudance, Lorcano, New York, San Sebastian, Sarajevo, Sydney, Macao, Jerusalem, Mumbai… Liên hoan phim trực tuyến này sẽ trình chiếu các phim điện ảnh, phim ngắn, phim tài liệu, âm nhạc, hài kịch và các cuộc hội thảo, với các phim mới ra mắt hoặc đã phát hành trước đó.
Sự kiện cũng khuyến khích người xem quyên góp cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các tổ chức cứu trợ địa phương trong công cuộc phòng chống dịch Covid-19.
“Chúng ta thường nói về vai trò đặc biệt của các bộ phim trong việc truyền cảm hứng và đoàn kết mọi người bất chấp biên giới và sự khác biệt để chữa lành thế giới. Toàn thế giới rất cần được chữa lành ngay bây giờ,” đồng sáng lập Tribeca Enterprises và giám đốc điều hành của Liên hoan phim Tribeca Jane Rosenthal chia sẻ.
Danh sách và lịch trình cụ thể của các bộ phim được trình chiếu được cập nhật liên tục tại đây.
Khán giả có thể vào theo dõi các bộ phim ngay kênh YouTube này