Olympic là sự kiện thể thao có quy mô tầm cỡ thế giới, tập hợp hàng ngàn vận động viên đến từ 200 quốc gia và thu hút sự quan tâm chú ý của khán giả toàn cầu.
Thế vận hội Olympic (Olympic Games) là sự kiện thể thao quốc tế có quy mô lớn nhất, được tổ chức hai năm một lần. Sự kiện này tập hợp các vận động viên xuất sắc từ khắp nơi trên thế giới để cạnh tranh trong một loạt các môn thể thao khác nhau. Olympic không chỉ là một cuộc thi thể thao, mà còn mang trong mình tinh thần hòa bình, tôn vinh đa dạng văn hóa và thể hiện khả năng vượt qua bản thân.
Sự ra đời của Thế vận hội Olympic hiện đại được lấy cảm hứng từ Thế vận hội Olympic cổ đại, tổ chức từ năm 776 trước Công nguyên và kết thúc vào năm 393 sau Công nguyên. Lý do chính xác cho sự ra đời của Olympic vẫn chưa được xác định rõ ràng, vì lịch sử đã bị trộn lẫn với thần thoại. Một số giả thuyết về mục đích ban đầu của sự kiện này được cho là để tôn thờ các vị thần. Ở thời điểm đó, thế vận hội gọi là Olympiad và diễn ra 4 năm/lần. Các môn thi đấu tại Olympic cổ đại bao gồm: chạy, quyền anh, đấu vật, bắn cung, cưỡi ngựa và năm môn phối hợp (chạy, ném đĩa, ném lao, nhảy xa, đấu vật).
Năm 1894, nam tước người Pháp Pierre de Coubertin khởi động kế hoạch hồi sinh Thế vận hội Olympic, và năm 1896, Thế vận hội đầu tiên của kỷ nguyên hiện đại được tổ chức tại Athens. Từ đó, Thế vận hội Mùa hè cứ 4 năm diễn ra một lần trừ những năm có chiến tranh (thế chiến thứ 2). Năm 1924, Thế vận hội Mùa đông được ra đời nhằm tập trung vào các môn thể thao mùa đông. Ban đầu, sự kiện này được tổ chức cùng năm với Thế vận hội Mùa hè, tuy nhiên từ năm 1994, Thế vận hội Mùa đông và Thế vận hội Mùa hè diễn ra xen kẽ nhau 2 năm/một lần.
Và để tổ chức một sự kiện quy mô lớn như vậy, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã được thành lập và trở thành cơ quan chủ quản của Phong trào Olympic, với Hiến chương Olympic xác định cấu trúc và cơ quan có thẩm quyền của nó.
Theo đó, Thế vận hội được quản lý bởi Liên đoàn Thể thao quốc tế (IFS), Ủy ban Olympic Quốc gia (NOC) và các ủy ban tổ chức cho mỗi thế vận hội Olympic cụ thể. Là cơ quan ra quyết định, IOC chịu trách nhiệm về việc lựa chọn các thành phố chủ nhà cho mỗi Thế vận hội. Các thành phố chủ nhà chịu trách nhiệm về tổ chức, tài trợ và kỷ niệm thế vận hội sao cho phù hợp với Hiến chương Olympic.
Trong thời gian diễn ra thế vận hội, các nghi thức được tiến hành nhiều nghi lễ bao gồm lễ khai mạc và bế mạc. Trong mỗi buổi lễ đều sử dụng biểu tượng lá cờ và ngọn đuốc Olympic. Số lượng vận động viên tham gia và số lượng bộ môn thi đấu có thể thay đổi theo thời gian và tùy theo các quyết định tổ chức cụ thể của mỗi kỳ Thế vận hội. Tuy nhiên, thông thường, số lượng vận động viên tham gia Thế vận hội Mùa hè thường lớn hơn so với Thế vận hội Mùa đông do sự đa dạng và số lượng lớn các môn thể thao tại Thế vận hội Mùa hè.
Từ năm 2000 đến nay, số lượng vận động viên tham gia Thế vận hội mùa hè có thể khoảng từ 10.500 đến 11.300 vận động viên đến từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Còn đối với Thế vận hội mùa đông, số lượng vận động viên thường dao động từ 2.500 đến 3.000 vận động viên từ khoảng 90 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Backstage News
Nguồn: Olympics