Ngoài chương trình biểu diễn nghệ thuật thực cảnh "Ký ức Hội An", khán giả và du khách tới đây vào cuối tháng 8 năm nay có thể đến thưởng thức một chương trình nghệ thuật múa đặc sắc khác là Vở diễn múa đương đại "Rơm".
Ngày 22, 23, 24 và 25/8/2024, Thành phố Hội An phối hợp cùng Arabesque Vietnam cho ra mắt công chúng một chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc mang tên “Rơm”. Vở múa đương đại cùng chất liệu rơm được thực hiện ngay tại chính cánh đồng lúa chín, tôn vinh vẻ đẹp bình dị hiền hòa của làng quê Hội An vào mùa gặt hái.
Rơm không chỉ là một buổi diễn múa
Thông qua âm nhạc dân gian kết hợp cùng nghệ thuật múa đương đại, “Rơm” sẽ được thực hiện vào thời điểm hoàng hôn trên cánh đồng trái tim lúa Hội An (khối Trường Lệ, phường Cẩm Châu, thành phố Hội An). Chương trình nghệ thuật đặc sắc này được dàn dựng bởi Đạo diễn – Giám đốc nghệ thuật Nguyễn Tấn Lộc và Giám đốc âm nhạc Đức Trí.
“Chúng tôi sẽ biểu diễn vở múa nghệ thuật Rơm ngay trên cánh đồng lúa chín bát ngát của Hội An, dưới sắc vàng ấm áp của hoàng hôn và giai điệu sâu lắng của âm nhạc dân gian đương đại…”, đạo diễn – giám đốc nghệ thuật Nguyễn Tấn Lộc mô tả.
Với “Rơm”, đạo diễn Tấn Lộc muốn mang đến cho khán giả một góc nhìn khác và trải nghiệm mới về ụ rơm quen thuộc. Đến với vở diễn đặc sắc này, người xem sẽ được thưởng thức câu chuyện về tình cảm bình dị và chân chất của gia đình nông dân Việt Nam qua ngôn ngữ ambiance dance – một hình thức biểu diễn kết hợp ngôn ngữ múa với không gian ngoài trời, âm thanh, bối cảnh… rất phổ biến trên thế giới, đặc biệt ở các thành phố văn hóa và du lịch.
Theo như miêu tả của đại diện thành phố Hội An, ụ rơm mộc mạc quen thuộc chính là một “chứng nhân” quan trọng của người dân nơi đây: kể từ ngày ông bà còn trẻ, quen nhau, cưới nhau rồi sinh con, đến khi những đứa trẻ chào đời và trải qua thời thơ ấu chơi đùa, tinh nghịch dưới những ụ rơm…
Giữa nhịp điệu đều đặn của việc trồng trọt và thu hoạch, “Rơm” sẽ giản dị hiện lên như một biểu tượng của sự kiên cường, sáng tạo và bền vững của làng quê Hội An.
Đạo diễn Tấn Lộc khẳng định: “Rơm không chỉ là một buổi diễn múa, đó là dịp tôn vinh sự khéo léo và tinh thần bền bỉ của người dân Việt. Khi buổi diễn diễn ra vào khoảnh khắc dịu dàng của hoàng hôn, giữa miền rơm rạ và hương lúa chín, giữa bao la cánh đồng, khán giả sẽ cảm nhận được điều gì đã định hình nên nền văn hóa đặc biệt này.”
Cái cực khi đưa Rơm ra đồng lúa chín
Trước đó nhiều năm, đạo diễn Tấn Lộc đã ước mơ mang sân khấu múa ra đồng, nhưng lại gặp phải nhiều yếu tố khách quan và khó kiểm soát: giấy phép, bối cảnh, thời tiết, thời điểm mùa vụ, âm thanh ánh sáng, sự ủng hộ của địa phương và khán giả…
Đến năm 2024, khi nhận được sự hỗ trợ từ UBND TP. Hội An, Tấn Lộc và đơn vị Arabesque mới thực sự hiện thực hóa được ước mơ này. Tuy nhiên, việc mang được một sân khấu múa Rơm ra giữa đồng vào đúng mùa gặt là cả một thách thức lớn đối với đạo diễn và đội ngũ thực hiện.
Theo tìm hiểu của PV Tuổi Trẻ, suốt một tháng trước ngày ra mắt vở diễn, cả ekip của “Rơm” phải tất bật ngày đêm. Cái “khổ” nhất khi các nghệ sĩ biểu diễn múa với Rơm là ngứa và nóng.
Nhưng dưới yêu cầu cao của Tấn Lộc cùng tình yêu múa, họ tự thúc đẩy bản thân nỗ lực đến 200%. Vì sân khấu ngoài trời không có nhiều hiệu ứng hỗ trợ, nghệ sĩ không dốc hết thực lực, không đủ năng lượng và đam mê sẽ khó chinh phục được khán giả. Đến khi tất cả đều cháy hết mình, sức cộng hưởng tại hiện trường sẽ mang đến những cảm xúc thăng hoa khó quên cho cả khán giả lẫn người biểu diễn.
PV Tuổi Trẻ tiết lộ, các cộng sự “than thở” lần nào làm với đạo diễn Tấn Lộc cũng cực quá cực, nhưng diễn xong là “tha thứ hết” vì tất cả đều xứng đáng.
Về phần âm nhạc, nhạc sĩ Đức Trí cho rằng trình diễn nhạc live ngoài trời cho vở diễn “Rơm” không khó vì những nhạc cụ như sáo trúc, trống… vốn được sinh ra từ những nơi dân dã như thế và rất hợp để quay về. Âm lượng đàn tranh, đàn kìm có thể hơi nhỏ nhưng đã có micro hỗ trợ.
Nhạc sĩ Đức Trí cũng bày tỏ: “Lần hợp tác này không phải để chứng tỏ chúng tôi làm được gì, mà để các bạn trẻ thấy được sức sáng tạo và lao động là không giới hạn về độ tuổi hay độ nổi tiếng. Ai cũng có thể làm được.
Ngay cả người lâu năm trong nghề như chúng tôi vẫn có đủ lửa, vẫn có những tác phẩm mang tính nghệ thuật bên cạnh công việc kiếm tiền hằng ngày. Chúng tôi mong đó là cảm hứng để các bạn trẻ tin vào những gì mình đang theo đuổi. Điều đó mới thực sự quan trọng và ý nghĩa.”
Backstage News