Nền tảng bán vé trực tuyến SubHub đang phải đối mặt với vụ kiện từ Tòa án Nhân dân Washington D.C. (Hoa Kỳ), với cáo buộc tham gia vào “một loạt các hành vi lừa đảo, thao túng và không công bằng”
SubHub – một trong những nền tảng bán vé trực tuyến lớn thế giới – vừa bị kiện vì hành vi định giá lừa đảo bằng phí ẩn. Loại phí này bị nền tảng bán vé che giấu đến khách hàng cho đến tận cuối quá trình mua vé.
Cụ thể, vụ kiện được đệ trình đơn khiếu nại vào ngày 30/7 bởi ông Brian L. Schwalb, Viện trưởng Viện Kiểm sát Washington D.C. (hay còn được gọi là Quận Columbia). Ông Schwalb cáo buộc SubHub sử dụng hệ thống “giá nhỏ giọt” với kỹ thuật “mồi nhử và chuyển đổi” để lừa dối khách hàng mua vé nhằm thu về lợi nhuận.
Theo đó, SubHub quảng cáo mức giá thấp giả tạo để thu hút người mua vé, sau đó nhắc họ thực hiện một loạt các bước không cần thiết trong khi đồng hồ đếm ngược 10 phút tạo ra cảm giác cấp bách giả tạo. Đồng thời, bộ đếm này còn hiển thị cảnh báo người dùng sẽ mất giao dịch nếu thực hiện quá thời gian cho phép.
Khi khách hàng đã đi qua nhiều trang và câu hỏi của StubHub để kết thúc quá trình đặt vé phức tạp, các khoản phí phụ khi ấy mới được thêm vào, đồng nghĩa mức giá cuối cùng bị tính cao hơn đáng kể so với giá đã quảng cáo ban đầu.
Hình thức “giá nhỏ giọt” khiến người mua vé gần như không thể so sánh giá vé giữa StubHub và các nền tảng khác, vì họ không biết mức phí phụ thu sẽ là bao nhiêu cho đến khi họ gần kết thúc quá trình thanh toán.
Để kiểm chứng rõ ràng về mô hình bán vé “phí ẩn” của SubHub, trang tin 7News đã truy cập trang web StubHub để mua vé tham dự concert của Childish Gambino diễn ra vào tháng 8/2024 tại Capital One Arena, Washington D.C., Hoa Kỳ.
Mô tả lại quá trình đặt vé, trang tin này cho biết, sau khi nhấp vào hạng vé giá 189 đô la, trang web bắt đầu hiển thị bộ đếm thời gian 10 phút. Tiếp theo đó là một loạt các hộp thả xuống với một vài câu hỏi về chương trình và phương thức thanh toán. Khi đến bước thực hiện thanh toán, giá vé cuối cùng đột nhiên tăng lên 264 đô la.
Theo trang web của StubHub, khoản phí bổ sung 74 đô la ở trên là “Phí hoàn tất và dịch vụ”. Tuy nhiên, khoản phí này đã bị cáo buộc trình bày sai lệch khi được thanh toán. Viện trưởng Viện Kiểm sát Washington D.C. khẳng định trong vụ kiện rằng, các khoản phí này “thay đổi rất nhiều” và không liên quan đến việc hoàn tất hoặc dịch vụ. Ngoài ra, ông cũng tố cáo StubHub không tiết lộ cách tính các khoản phí này hoặc đưa ra mục đích thực sự của chúng.
“Trong nhiều năm qua, StubHub đã lừa dối người tiêu dùng Washington D.C. một cách bất hợp pháp thông qua chương trình bán vé & thu “phí rác” phức tạp của mình”, ông Schwalb tuyên bố trong vụ kiện.
Vụ kiện cũng khẳng định tổng mức phí “ẩn” do StubHub áp dụng có mức cao hơn lên tới hơn 40% giá vé được quảng cáo. Kể từ khi áp dụng mô hình định giá nhỏ giọt vào năm 2015, StubHub đã bán được gần 5 triệu vé cho người tiêu dùng tại Quận, thu về khoảng 118 triệu đô la tiền phí ẩn.
Viện trưởng Viện Kiểm sát Brian L. Schwalb tuyên bố, các hoạt động của StubHub vi phạm Luật bảo vệ người tiêu dùng của Quận Columbia (CPPA). Ông yêu cầu tòa án ra lệnh cho StubHub phải trả tiền phạt dân sự, đồng thời đưa ra lệnh cấm các hoạt động lừa đảo bị cáo buộc của StubHub.
Đáng nói, StubHub không phải là đơn vị bán lại vé duy nhất tính thêm phí vào cuối quá trình mua. Hiện nay, giá cả không minh bạch đang tràn lan trong ngành bán vé sự kiện trực tiếp, đến mức nền tảng StubHub đã lập luận rằng người tiêu dùng nhìn chung đều hiểu rằng phí sẽ được cộng vào cuối giao dịch vì tất cả các nhà cung cấp và đại lý bán vé trực tuyến lớn đều làm như vậy. Ticketmaster cũng từng bị cáo buộc về hành vi bán vé áp dụng “phí ẩn” tưowng tự StubHub vào năm 2023.
Sau vụ kiện Ticketmaster, vào tháng 7/2023, Thượng viện Hoa Kỳ đã ra một dự luật mới có tên “Đạo luật Minh bạch về phí cho các sự kiện”, buộc các đại lý, nền tảng bán vé phải loại bỏ phụ phí vé sự kiện, phí ẩn, đảm bảo minh bạch cho ngành bán vé sự kiện.
Backstage News