Tiềm năng thị trường thể thao điện tử khu vực rất lớn, được thúc đẩy bởi lực lượng dân số trẻ và giới điệu mộ am hiểu công nghệ. Yếu tố quan trọng phải kể tới mức độ phổ biến ngày càng rộng rãi của một số nền tảng phát trực tuyến (streaming) như YouTube.
Với giá trị thị trường dự kiến đạt 5,1 tỷ USD vào năm 2028, thể thao điện tử (eSports) hiện là lĩnh vực thu hút hàng triệu người chơi và người xem trên toàn thế giới, trở thành nhân tố tiềm năng cho ngành tổ chức sự kiện. Trong đó, khu vực ASEAN sở hữu khoảng 310 triệu người chơi, chính thức trở thành thị trường game phát triển nhanh nhất trên toàn cầu, theo Tech Collective đưa tin.
Bên cạnh đó, những tiến bộ công nghệ cũng thúc đẩy đáng kể sự phát triển ngành eSports và nâng cao trải nghiệm của cả người chơi lẫn khán giả. Công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) hiện đang là xu hướng dẫn đầu, cung cấp không gian chơi game sống động. Các công nghệ này cho phép người chơi trải nghiệm trong môi trường mô phỏng hoàn chỉnh, mang lại cảm giác hiện diện và tương tác cao hơn.
Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của thị trường thể thao điện tử – eSports như trên, các công ty công nghệ tại Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung đã nhanh chóng triển khai nhiều dự án về eSports, vừa khai thác thị trường tiềm năng kinh tế, vừa mở cửa đưa eSports vươn rộng thế giới.
Điển hình như với Liên Minh Huyền Thoại eSports, hai đơn vị là VNGGames và Riot Games vừa chính thức ký kết hợp tác hướng đến triển khai các giải đấu eSports quy mô toàn châu Á – Thái Bình Dương trong kế hoạch cho năm 2025. Cái bắt tay này được cho là sẽ mở ra hướng phát triển tốt hơn cho người chơi, đồng thời góp phần phát triển bộ môn thể thao điện tử khi chúng được chính thức ghi danh vào các mùa giải thể thao lớn trong nước và quốc tế.
Nhiều sự kiện lớn như “The International” được tổ chức tại Singapore và “Free Fire World Series” càng làm nổi bật ngành công nghiệp game sôi động của khu vực. Đặc biệt, bộ môn thi đấu eSport tại Đại hội Thể thao Châu Á 2023 diễn ra tại Hàng Châu (Trung Quốc) luôn trong tình trạng cháy vé, phản ánh bối cảnh thị trường bùng nổ.
Không chỉ trong khu vực, các sự kiện, giải đấu thể thao điện tử cũng ngày càng phổ biến và thu hút sự quan tâm của thanh thiếu niên toàn cầu. Năm 2023, Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19 (ASIAD 19) đưa thể thao điện tử trở thành môn thi đấu chính thức và không tính huy chương.
Cuối tháng 7 vừa qua, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) vừa chính thức xác nhận việc thành lập Thế vận hội Thể thao điện tử (Olympic Esports Games) và kỳ Thế vận hội đầu tiên sẽ được tổ chức vào năm 2025 tại Saudi Arabia. Chủ tịch IOC Thomas Bach khẳng định sự kiện này mở ra kỷ nguyên mới đối với IOC và tổ chức này đang theo kịp tốc độ của cuộc cách mạng kỹ thuật số.
Tại Việt Nam, mới đây FPT Telecom và Tập đoàn giải trí Gaming and Media (GAM Entertainment) cũng vừa hoàn tất việc hợp tác để triển khai hệ sinh thái thể thao điện tử toàn diện từ các giải đấu lớn, cuộc thi eSports, sự kiện game,… Ngoài ra, hai đơn vị cũng bắt tay đưa eSports vào nhiều lĩnh vực như giáo dục, viễn thông, nội dung số, nhằm chuyên nghiệp hóa lĩnh vực cũng như đẩy mạnh khai thác thị trường tiềm năng này.
Chia sẻ với PV VnExpress, Chủ tịch FPT Telecom cho biết: “Chỉ đến khi thực sự tham dự các giải thi đấu eSports, tôi mới thấy nó hấp dẫn không thua kém bất cứ môn thể thao nào, thậm chí còn sôi động hơn bởi xung quanh đều là các bạn trẻ”.
Những năm qua, thị trường game thể thao điện tử Việt Nam cũng chứng kiến sự nâng cấp và bùng nổ không nhỏ. Chẳng hạn, sự kiện Vietnam GameVerse 2024 thu hút 40.000 lượt khách tham dự, tăng gấp đôi so với năm 2023. Hay sự ra đời của Liên minh game, Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA) cũng là minh chứng cho điều này. Theo báo cáo của Statista năm 2023, Việt Nam có hơn 600 người chơi chuyên nghiệp, đứng thứ 11 thế giới. Những con số này càng tiếp tục cho thấy tiềm năng phát triển lớn của ngành thể thao điện tử và các giải đấu eSports của Việt Nam trong tương lai.
Backstage News