Trưa 7-7, hệ thống bán vé đêm nhạc Born Pink của BlackPink chính thức mở cửa cho đêm nhạc 29-7. Giới trẻ đã đổ xô ra tiệm net để săn vé và rao bán trên các nhóm ngay sau khi mua được vé.
Với hội những người hay đi xem show, các buổi trình diễn của thần tượng thì “camp” vé không còn là chuyện xa lạ. Nói một cách ngắn gọn, đây là hoạt động đặt vé hộ cho người khác để lấy tiền công. Tại đây người nhận camp vé sẽ trực trang bán vé và mua hộ người có nhu cầu rồi nhận một khoản phí tính như tiền công.
Concert của BLACKPINK chính là một ví dụ điển hình. Ngay sau khi có thông báo chính thức “những cô gái hồng đen” sẽ về Việt Nam, nhiều người cũng nhanh chóng cung cấp dịch vụ “camp” vé. Tuy nhiên câu chuyện không chỉ dừng lại ở đó…
Nội dung
Tiền công lên đến cả triệu/vé, xây dựng team để hoạt động
Với 4 năm kinh nghiệm “camp” vé nên N.Q (TP.HCM) cùng với nhóm bạn cũng không bỏ lỡ vé BLACKPINK đợt này. Với mỗi vé, nhóm của anh chàng sẽ nhận 50% tiền cọc (cũng chính là tiền vé) và 50% tiền công. Sau khi săn được vé thành công, khách mới thanh toán số tiền còn lại.
“Tiền công săn vé ở bên mình dao động từ 200 nghìn – 1 triệu đồng, thay đổi theo giá vé từ hạng bình thường đến VIP. Nhưng đây không phải là con số áp dụng chung mà mỗi bên nhận ‘camp’ vé sẽ lấy tiền công khác nhau, có nhiều bên còn lấy cao hơn nữa” – N.Q cho biết.
Khi săn vé, nhóm của N.Q thường xí chỗ ở quán net để có mạng khoẻ (tức là tốc độ internet nhanh hơn). Vì một khi vé được phát hành, ai có tốc độ internet nhanh hơn sẽ chiếm ưu thế trong việc truy cập vào trang chủ bán vé.
“Nếu khung giờ bán vé từ 12h thì bọn mình sẽ canh trước tầm 15 phút để kịp sau đó ai nhanh tay thì được. Nhiều bên quảng cáo rằng họ có tool để ‘camp’ nên tỷ lệ tỷ lệ có vé cao nhưng thực sự thì không phải, quan trọng là hoạt động theo team và thao tác nhanh. Hơn nữa bọn mình ‘camp’ nhiều thành quen, có chút kinh nghiệm thao tác và biết canh khung giờ nữa.
Ngoài ra một số bạn may mắn thì lấy được trúng vé do web nhả ra. Những vé này là do có người book rồi nhưng để quá thời thanh toán nên bị nhả nhưng số lượng này cũng rất ít” – N.Q kể rõ hơn về quy trình săn vé.
Với trường hợp không săn được vé, mỗi bên sẽ có thỏa thuận riêng với khách hàng về chuyện hoàn tiền. Có nhóm lấy tiền công – hoàn tiền cọc và có nhóm sẽ giữ % nào đó ở tiền công để bù vào thời gian và công sức đã bỏ ra.
Cạnh tranh khốc liệt
Thực tế, “camp” vé không chỉ có ở Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới đều có hình thức này. G.Q (tên đã được viết tắt) – một người chuyên “camp”, mua đi bán lại vé concert ở Trung Quốc tâm sự với tờ The Paper về công việc này sau khi “giải nghệ”.
G.Q vốn thích Châu Kiệt Luân nên để thuận lợi cho việc “đu” idol, anh chàng bắt đầu “camp” vé hộ và kinh doanh doanh vé từ khi còn học đại học. Sau khi tốt nghiệp vào năm 2018, anh chàng lấy đây làm công việc chính.
G.Q có một nhóm chuyên “camp” vé cùng mình. Những người này cũng là fan của sao nào đó nên có nhiều kinh nghiệm săn vé. Mỗi khi có sự kiện, họ sẽ “camp” vé rồi bán lại cho G.Q theo giá thị trường. Anh chàng lại đem bán cho người khác với giá cao hơn. Ngoài ra G.Q còn tranh thủ mối quan hệ với BTC của một số concert để có thêm nguồn vé. Ở thời điểm trước dịch bệnh, có tháng G.Q có thể kiếm được khoảng 50.000 nhân dân tệ (hơn 163 triệu đồng) từ công việc này.
Tuy nhiên sau 3 năm lăn lộn với công việc này, G.Q đã quyết định “rửa tay gác kiếm”. “Thành thật mà nói, công việc này không có yêu cầu gì cả, bất cứ ai cũng có thể làm được nên khả năng bị thay thế rất cao, cạnh tranh khốc liệt. Ngoài ra thu nhập bấp bênh, tuỳ thuộc vào tần suất tổ chức show của các bên nên có thể mất việc bất cứ lúc nào. Đây là những điều không ổn định mà mọi người phải chấp nhận nên tôi bắt đầu tìm kiếm công việc khác” – G.Q tâm sự.
Nhưng mọi chuyện không hề dễ dàng. G.Q nhờ một người bạn giới thiệu công việc mới và khi người này hỏi về CV thì G.Q mới nhận ra mình không có gì để viết trong hồ sơ của mình. “Sau 3 năm ra trường, kinh nghiệm việc làm của tôi chỉ là một tờ giấy trắng” – anh chàng kể lại.
Hiện tại G.Q đã tìm được một công việc tay chân, dù vất vả và thu nhập không cao nhưng anh chàng cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều.
Dễ bị kẻ gian lợi dụng để lừa đảo
Tuy nhiên “camp” vé cũng là hoạt động mà nhiều kẻ gian lợi dụng để lừa đảo. Trong những chia sẻ của mình, cả N.Q và G.Q đều cảnh báo về chuyện này.
N.Q cho biết: “Đợt này là sự kiện lớn nên lừa đảo rất nhiều, nổi lên như nấm nên để an toàn và giữ uy tín, nhóm mình chỉ nhận ‘camp’ số lượng rất ít. Khách hàng chủ yếu là người quen hoặc ở gần.
“Hiện tại có nhiều bên chỉnh ảnh, làm giả vé rồi thông báo là có vé số lượng lớn. Nhiều người chưa có kinh nghiệm, nhẹ dạ cả tin và chi rất nhiều tiền để nhận lại vé giả. Thực sự concert quy mô thế này thì không ai có thể có vé trước và chỉ đúng ngày mới có giá vé cụ thể và mở bán” – anh chàng mô tả thêm về tình hình lừa đảo.
Với G.Q, anh chàng tiết lộ từng chứng kiến nhiều đồng nghiệp cũ của mình nhận cọc bừa bãi, bán vé giá cao rồi trả lại vé giả hoặc vé không đúng ý khách hàng. Bản thân G.Q vì muốn giữ uy tín trong nghề nên không làm việc này.
Trong các hội nhóm đu idol, nhiều người cũng lên tiếng cảnh báo tình hình lừa đảo khi thuê người mua vé hộ. Theo đó, để thu hút “con mồi” những đối tượng lừa đảo thường đăng bài “camp” vé không cọc, không công nhưng đến khi thỏa thuận giao dịch lại bắt khách hàng chuyển khoản tiền vé trước. Và ngay sau khi nhận được tiền, những người này liền chặn luôn khách hàng.
Ngoài ra, vé QR cũng có thể làm giả nên một số đối tượng nhận “camp” nhưng không gửi cho khách vé thật, ẵm luôn cả tiền công lẫn tiền vé. Hoặc phổ biến hơn là dùng 1 vé bán cho nhiều người, ai check-in đầu tiên thì được vào còn những người sau thì ngậm ngùi ra về vì không thể check-in.
Lưu ý để tránh bị lừa khi thuê người “camp” vé
Với hình thức “săn” vé hộ, tỉ lệ bị lừa đảo và mức độ thiệt hại khi bị lừa đảo sẽ thấp hơn là mua vé nhượng lại ở chợ đen. Tuy nhiên, nhiều người cũng cảnh báo việc thuê người đặt vé hộ có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ “tiền mất tật mang”. Trong quá khứ, đã có trường hợp người thuê “camp” vé bị lừa chuyển tiền nhưng lại không nhận được mã QR của vé hoặc bị gửi mã QR không có hiệu lực.
Hiện tại, khi vào trang chủ mua vé concert của BLACKPINK, các hạng vé của ngày biểu diễn đầu tiên (29/9) đã hoàn toàn bán hết, người mua sẽ cần kiểm tra kỹ càng và tự biết bảo vệ bản thân, tránh những tình huống lừa đảo không đáng có.
Ngoài ra, đơn vị tổ chức khẳng định mọi bài đăng trên mạng xã hội với nội dung cọc vé, bán vé, like share bài viết để được tặng vé miễn phí đều là lừa đảo. Đồng thời, ban tổ chức nhấn mạnh hoàn toàn không có tình trạng BTC tuồn vé để ôm vé công ty hay ôm vé gói.
Chính vì vậy, người hâm mộ tại sự kiện BLACKPINK sắp tới cũng như nhiều sự kiện trong tương lai cần luôn bình tĩnh, sáng suốt, chung tay xây dựng văn hóa mua vé đẹp nói riêng và văn hóa đi sự kiện nói chung, bài trừ mọi hoạt động với mục đích xấu, lừa đảo, trục lợi.
Backstage News
Nguồn: Phụ nữ số – Báo Phụ Nữ Thủ Đô