Hình ảnh sân khấu hoành tráng của concert Blackpink tại sân vận động Mỹ Đình to lớn ngang ngửa tour diễn của những nghệ sĩ quốc tế khác.
Theo ghi nhận, sân khấu của buổi hòa nhạc thuộc công nghệ cơ khí, cụ thể là thủy lực ứng dụng trong xây dựng và lắp đặt sân khấu. Đây là loại hình công nghệ và kỹ thuật xây dựng được “bê” nguyên từ nước ngoài tới lắp đặt tại Việt Nam.
Đứng sau việc cung cấp công nghệ và lắp đặt là công ty Hydro Ground Support Systems Pty Ltd (HGSS) là một Công ty Tư nhân Úc, có quy mô mở rộng sang Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và gần đây nhất là tại New Zealand.
HGSS đã chứng minh công nghệ độc quyền và năng lực bao trùm ngành sản xuất sân khấu sự kiện khi đã hợp tác với nhiều nghệ sĩ lớn bao gồm Elton John, Madonna, AC / DC, Rolling Stones, Pink, Ed Sheeran, BTS,…
Nội dung
Công nghệ cơ khí sân khấu thủy lực là gì?
Ứng dụng thủy lực trong lắp đặt sân khấu là những kỹ thuật tương đối phức tạp và dần trở nên phổ biến từ năm 2015 trở lại đây.
Thủy lực dựa vào dầu hoặc nước để truyền áp suất được đặt tại điểm này sang điểm khác. Nhiên liệu có thể sử dụng cho thủy lực rất đa dạng, từ dầu khoáng đến ethylene glycol (một dạng dung môi), chất lỏng tổng hợp cho đến nước. Hệ thống thủy lực nói chung bao gồm các bể chứa. và thường hoạt động từ 1.000 – 5.000 psi (áp lực/áp suất). Các hệ thống chuyên dụng có thể hoạt động ở 10.000 psi hoặc hơn.
Thủy lực được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp yêu cầu thêm lực và sức mạnh, bao gồm ô tô, thiết bị hạng nặng, hàng hải, hàng không vũ trụ, khai thác mỏ và công nghiệp. Thủy lực có thể được tìm thấy trong máy xúc và máy ép công nghiệp, trong hệ thống điều chỉnh cánh và hệ thống điều khiển/lái trên máy bay, cũng như một phần của hệ thống cung cấp năng lượng chuyển động trong các động cơ chuyển hướng và tiếp đất.
Tuy nhiên, do phụ thuộc vào dầu hoặc các chất lỏng khác, cần lưu ý máy thủy lực không thể được sử dụng cho các ứng dụng liên quan tới thực phẩm, dược phẩm hoặc khoa học sinh học do khả năng bị nhiễm bẩn từ môi trường chất lỏng của máy móc.
Lắp đặt sân khấu bằng hệ thống thủy lực
Khác với khung (dàn) và khối truss nhôm thường thấy, chân sân khấu sử dụng công nghệ thủy lực là các kết cấu khớp nối riêng biệt (4 mặt khung khớp nối phẳng có các chốt ở các đầu) và được lắp ghép bổ sung cho nhau thành một khung (dàn) hoàn chỉnh.
Số lượng chân của một sân khấu theo tiêu chuẩn HGSS:
- Hệ thống tiêu chuẩn (4 chân) Có sẵn các khoảng sân khấu mở rộng 20m, 25m và 30m, chiều cao trần (mái che sân khấu) lên đến 21m (chiều cao khuyến cáo để đạt mức độ an toàn tối đa). Bên cạnh đó, hệ thống bao gồm các khung ngang và cần trục có kết cấu chắc chắn, chịu tải trọng lớn.
- Hệ thống (6 chân): Sân khấu này được thiết kế để chịu được tốc độ gió lên tới 154km/h, có sức chứa hơn 80 tấn đặt trên mái.
- Hệ thống (8 chân): Hệ thống có sức chứa lên tới hơn 100 tấn lên mái che.
Ngoài ra, hệ thống sân khấu thủy lực còn có thể tùy chỉnh tăng thêm nhiều chân, tương ứng với yêu cầu và nhu cầu chịu lực cũng như sức chứa các thiết bị biểu diễn sân khấu (âm thanh, ánh sáng, loa, đèn, màn led,…).
Bên cạnh đó, có thể thấy, giai đoạn setup từ lúc bắt đầu cho tới hoàn thiện ở một sân khấu truyền thống hiện tại sẽ là dựng chân – bắt khung ngang để treo thiết bị, lắp đặt hệ thống pa lăng kéo (và lợp mái nếu có) – cuối cùng là sử dụng hệ thống pa lăng để cùng lúc nâng toàn bộ hệ thống thiết bị và mái lên và cố định vị trí.
Sang tới sân khấu thủy lực thì ngược lại, đội ngũ sản xuất thường sẽ hoàn thiện toàn bộ phần khung sân khấu trước (bao gồm cả lợp mái), sau đó sử dụng hệ thống pa lăng, tời điện, ròng rọc để thực hiện phương pháp rigging bố trí các thiết bị theo yêu cầu. Hoặc, đội ngũ có thể làm song song việc lắp chân sân khấu và lợp/nâng mái trong cùng một lúc cực kì nhanh chóng.
Về chi tiết, chân thủy lực được bố trí vào đều tất các chân, ví dụ: 4 chân sân khấu thì sẽ có 4 chân thủy lực nằm trong lõi, 8 chân sân khấu thì sẽ có 8 chân thủy lực nằm trong lõi,…
Sau khi được bố trí hoàn tất, mỗi khi lắp ghép hoàn thiện một “tầng” gồm 4 kết cấu khớp nối cho cả 4 chân (trong trường hợp hệ thống có 4 chân sân khấu), mỗi khi muốn nâng cao thêm 1 tầng, các nhà sản xuất sẽ điều động nhân lực khởi động hệ thống thủy lực, nâng toàn bộ cả sân khấu (bao gồm cả 4 chân và các khung dàn) và một đội khác nhanh chóng thực hiện ghép kết cấu để nâng thêm tầng cho các chân hiện có.
Ưu và nhược điểm của thủy lực cho sân khấu
Thủy lực nhờ phụ thuộc vào chất lỏng không nén được có khả năng hoạt động cho ra áp suất lớn, mạnh và chính xác. Nếu so sánh với hệ thống pa lăng, và tời điện sử dụng trong công nghệ thường thấy ở các sân khấu hiện tại, sân khấu thủy lực có thể cung cấp năng lượng nhiều hơn gấp 10 lần năng lượng được tạo ra bởi động cơ điện, có nghĩa là nó hiệu quả hơn trong việc nâng và làm di chuyển các vật nặng. Nhờ hoạt động dựa vào chất lỏng nên chúng cũng có khả năng tự bôi trơn.
Ngoài ra, chi phí vận hành hệ thống thủy lực thấp, tiêu tốn ít nhân công. Tuy nhiên, chi phí ban đầu để có được một hệ thống sân khấu sử dụng công nghệ thủy lực lại rất tốn kém.
Nhờ sức mạnh của hệ thống thủy lực, đặc biệt trong việc xây dựng các kết cấu sân khấu khổng lồ, bên cạnh đó là hàng trăm tấn thiết bị hỗ trợ (âm thanh, ánh sáng) nên các bộ phận thủy lực cần phải rất mạnh.
Điều kiện trên có thể dẫn đến chi phí tăng dành cho bộ phận thủy lực chất lượng, số lượng thiết bị quản lý chất lỏng cũng tăng theo, chính vì các bể chứa chất lỏng tăng nên cũng tiêu tốn nhiều không gian để phân bổ và sắp đặt hơn.
Ngoài ra, công nghệ thủy lực cũng có tính nhạy cảm với lửa, vì chúng thường liên quan đến chất lỏng dễ cháy, mặc dù một số hệ thống chạy trên chất lỏng chịu lửa ở nhiệt độ cao.
Backstage News
Nguồn tổng hợp