Lạm phát, thời tiết xấu đã khiến nhiều lễ hội âm nhạc trên khắp thế giới gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn còn nhiều điểm sáng.
Với một năm kinh tế khó khăn, nhiều lễ hội đã phải hoãn, hủy nhưng bên cạnh đó vẫn rất nhiều chương trình đã báo cáo rằng doanh thu đã có sự tiến triển so với năm 2023.
Những khó khăn
Thị trường tổ chức sự kiện, lễ hội tại nước Anh đang có phần khá ảm đạm. Theo Hiệp hội các lễ hội độc lập (AIF), 56 lễ hội âm nhạc đã bị hủy, hoãn hoặc đóng cửa vĩnh viễn tại Vương quốc Anh, tăng so với con số 36 lễ hội vào năm 2023.
Giám đốc điều hành AIF John Rostron cho biết: “Kinh tế của việc tổ chức một lễ hội đã trở nên rất khó khăn vì chi phí chuỗi cung ứng đã tăng vọt. Tất cả các thành viên của chúng tôi đều cảm thấy khó khăn”. Các lễ hội ở Anh đang phải đối mặt với tác động liên tục của lạm phát cao khiến giá vé cũng tăng, khán giả vì thế cũng cảm thấy chùn chân hơn.
Rostron cảnh báo rằng nếu không có sự can thiệp của chính phủ, số lượng lễ hội bị hủy ở Anh có thể tăng lên 100 vào cuối mùa hè.
Không chỉ khó khăn kinh tế mà nhiều yếu tố khác doanh số bán vé thấp, thiếu nguồn lực và thời tiết không ủng hộ khiến cho các sự kiện lớn trên thế giới phải hoãn, tiêu biểu nhất là Lollapalooza Paris 2024.
Do sự bố trí nguồn lực không hợp lý đã ảnh hưởng rất nhiều đến các sự kiện ở Pháp. Hầu như tất cả các nhân viên an ninh, công ty sản xuất đều phục vụ cho Thế vận hội Olympic Paris. Do đó, một số lễ hội âm nhạc của Pháp đã buộc phải thu hẹp quy mô, hoãn lại đến năm sau hoặc tăng giá vé để có cơ hội hòa vốn.
Marie Sabot, giám đốc lễ hội We Love Green diễn ra tại Paris cho biết anh đã phải tăng giá vé lên 15% so với năm 2023, thêm vào đó thời tiết xấu tại Châu Âu vào đầu mùa hè luôn thường rất xấu nên sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công sự kiện.
Nhìn chung, lạm phát, thời tiết xấu là những nguyên nhân chính khiến các lễ hội trở nên “khó sống” hơn.
Vẫn còn những điểm sáng
Bất chấp những thách thức kinh tế mà ngành này phải đối mặt, nhu cầu về nhạc sống vẫn cao trên khắp thế giới. Những sự kiện lớn như Glastonbury, Creamfields hay Tomorrowland vẫn ghi nhận lượng vé bán ra rất cao.
John Reid, chủ tịch của Live Nation Europe miêu tả tại thị trường Châu Âu là cạnh tranh khốc liệt và luôn phát triển. Ông cho biết mặc dù luôn có những thách thức cần vượt qua, công ty vẫn chứng kiến doanh số bán hàng mạnh mẽ và tăng trưởng chung liên tục trên khắp Châu Âu vào năm 2024.
Tại Vương Quốc Anh và Ireland, Live Nation sẽ đón tiếp gần năm triệu người tại các lễ hội vào mùa hè này, chủ tịch của công ty tại Vương Quốc Anh và Ireland Denis Desmond nhận xét rằng các lễ hội vẫn đóng vai trò quan trọng đối với đời sống văn hóa của chúng ta”.
Tuy nhiên, vấn đề về thuế vẫn là thứ khiến các nhà tổ chức sự kiện tại khắp các đất nước cảm thấy đau đầu. Tại Hà Lan, nhiều chương trình có thể sớm bị ảnh hưởng bởi việc tăng thuế đối với doanh số bán vé cho các sự kiện âm nhạc, thể thao và văn hóa với mức thuế VAT sẽ tăng từ 9% lên 21% vào tháng 1 năm 2026.
Nhưng nhìn chung, nhu cầu tham gia lễ hội của khán giả vẫn cao kèm theo đó, khán giả hiện đã cởi mở hơn trong việc thử những brand mới nên các sự kiện sẽ dễ dàng hơn trong việc kêu gọi và thu hút thêm nhiều nhà tài trợ.
Backstage News