Đại học Tổng hợp đã trở thành điểm đến "hot" trong Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 bởi vẻ đẹp kiến trúc độc đáo kết hợp trình chiếu ánh sáng và công nghệ 3D mapping.
Lần đầu mở cửa đón khách tham quan, Đại học Tổng hợp đã thu hút rất nhiều khách đến tham quan.
Tại Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, không gian sảnh chính và vòm trần của tòa nhà sẽ trở nên sống động qua triển lãm nghệ thuật tương tác “Cảm thức Đông Dương” với 22 tác phẩm sắp đặt ánh sáng và nghệ thuật. Điểm nhấn của triển lãm là sự kết hợp giữa điêu khắc, hình ảnh và âm thanh, để tôn vinh di sản kiến trúc, nghệ thuật của thời kỳ Đông Dương.
Các tác phẩm chân dung họa sĩ Victor Tardieu – Hiệu trưởng đầu tiên sáng lập trường Mỹ thuật Đông Dương và họa sĩ Tô Ngọc Vân – Hiệu trưởng người Việt đầu tiên của Trường do điêu khắc gia Trần Quốc Thịnh thực hiện, được đặt trong sảnh chính.
Du khách sẽ đi cầu thang nhỏ để lên tầng 5 của tòa nhà, nơi có thể ngắm mái vòm của sảnh chính. Tại đây có các tác phẩm trang trí gồm đèn chùm của kiến trúc sư Lê Phước Anh; tác phẩm sắp đặt bia tiến sĩ trên chất liệu mika dẫn sáng, khắc chìm, lấy cảm hứng bức đồ án thiết kế trang trí tòa nhà Đại học Đông Dương của Kiến trúc sư Ernest Hebrard.
Dù qua gần 100 năm, trên vòm trần tòa nhà vẫn còn hình ảnh hai con chim phượng hoàng, biểu tượng uy quyền trong văn hóa Á Đông. Tại đây, họa sĩ Phạm Trung Hưng vẽ lại hai con chim phượng hoàng đã bong, mờ theo thời gian bằng công nghệ trình chiếu 3D mapping.
Trong hội trường Ngụy Như Kon Tum bên trái sảnh chính là tác phẩm sắp đặt, hòa nhạc video Đại tượng 2 – Sơn Hà Diễn Nghĩa của các nghệ sĩ thị giác. Cũng trong phòng này có tác phẩm sắp đặt bức tranh sơn dầu Thăng Đường Nhập Thất, được dựng từ ảnh đen trắng gốc xử lý qua công nghệ số, kết hợp video nghệ thuật và hình ảnh động.
Dọc theo các tầng là các tác phẩm điêu khắc, đất nung, đặc biệt là sắp đặt sách nghiên cứu hồi cố về họa tiết mỹ thuật Đông Dương, các tác phẩm nhiếp ảnh về kiến trúc Đông Dương.
Bên ngoài tòa nhà là tác phẩm Letters – Sciences – Arts (Văn chương – Khoa học – Nghệ thuật), lấy cảm hứng từ triết lý và định hướng đào tạo đa ngành, liên ngành của Đại học Đông Dương xưa. Nhiều vị trí trong khuôn viên, hành lang, sảnh tòa nhà, là những mô hình điêu khắc inox gương họa sĩ Victor Tardieu và Kiến trúc sư Ernest Hebrard.
Tổ hợp triển lãm nghệ thuật tương tác “Cảm thức Đông Dương” tại tòa nhà Đại học Tổng hợp, số 19 Lê Thánh Tông, diễn ra từ ngày 9 đến 17/11. Do diện tích nhỏ, hẹp, Ban tổ chức chia thành những đoàn nhỏ, khoảng 20 người vào trải nghiệm/lượt.
Backstage News