Xu hướng làm việc tại nhà mùa dịch đã tạo đà tăng trưởng thần tốc cho Zoom. Tuy nhiên gần đây nhiều tên tuổi như Google, SpaceX, lực lượng quốc phòng Úc và cả thượng viện Mỹ đã nói không với ứng dụng hội nghị này sau khi hàng loạt lỗ hổng bảo mật bị phanh phui.
Theo Apptopia, trong tháng 3 đã có 200 triệu người dùng ứng dụng hội nghị zoom, tăng gấp 20 lần so với con số kỷ lục 10 triệu ghi nhận vào cuối năm 2019. Nhu cầu người dùng tăng đột biến đã giúp Zoom tỏa sáng trên thị trường chứng khoán khi giá cổ phiếu tăng gấp đôi trong giai đoạn tháng 2 và tháng 3.2020.
Trong khi zoom đang phải chật vật củng cố hệ thống trước việc lượng người dùng tăng đột biến thì hàng loạt trở ngại mới xuất hiện, nghiêm trọng nhất là tình trạng các phòng họp ảo trên Zoom liên tục bị quấy phá bởi tin tặc và những kẻ ưa chơi khăm. Vấn đề trở nên nghiêm trọng tới mức FBI phải đưa ra hướng dẫn phòng tránh các đợt tấn công trực tuyến.
Zoom cũng gây chấn động khi xuất hiện trong các bài báo tiết lộ ứng dụng này đang gửi thông tin sang cho Facebook, chia sẻ dữ liệu LinkedIn của người dùng dù họ sử dụng biệt danh trong Zoom, thậm chí gửi các khóa mã hóa giúp truy cập vào các cuộc trò chuyện sang Trung Quốc.
Đầu tháng 4 vừa qua, các trường học tại New York đã cấm sử dụng Zoom cho việc dạy học từ xa. Gã khổng lồ công nghệ Google cũng ra chỉ thị cho các nhân viên không dùng ứng dụng hội nghị trực tuyến này trên laptop dùng cho công việc. Danh sách những nơi từ chối dùng Zoom cũng có cả SpaceX – doanh nghiệp sản xuất tên lửa của tỉ phú Elon Musk, lực lượng quốc phòng Úc và chính phủ Đài Loan.
Trong một phỏng vấn độc quyền vớiForbes, Yuan – CEO của Zoom thừa nhận những vấn đề đều do bản thân tạo ra: “Chúng tôi đã phạm lỗi, nhưng với ý định tốt,” ông nói và bày tỏ hy vọng Zoom sẽ sớm phục hồi. “Nếu có lựa chọn, tôi sẽ quay trở về mô hình B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp). Giờ đây cuộc chơi đã hoàn toàn thay đổi.”
Lựa chọn Zoom có lúc này là dốc lực giải quyết hàng loạt vấn đề kể trên. Ngày 1.4, Yuan và Zoom đăng tải một bài xin lỗi trên blog của công ty, cho biết mình đã ngừng phát triển các tính năng họp mới để các kỹ sư tập trung vào giải quyết các vấn đề an ninh bảo mật trong ba tháng tới.
“Tôi cam kết sẽ thành thật và không giấu giếm với các bạn,” Yuan viết. Tuy vậy động thái này không thể trấn an các nhà đầu tư khi họ tiếp tục bán tháo, đẩy giá cổ phiếu Zoom xuống 20% chỉ trong ba ngày.
Zoom vừa thêm một lựa chọn “Bảo mật”, giúp người tạo phòng họp trực tuyến khóa phòng hoặc loại bỏ những tài khoản đang phá rối. Tính năng này cũng hạn chế người dùng chia sẻ màn hình và đổi tên hiển thị trong phòng họp. Ngoài ra Zoom đã mặc định thêm tính năng “Phòng chờ”, như vậy người dùng chỉ có thể tham gia vào phòng họp khi được chính chủ phòng đích thân cho phép, từ đó hạn chế các tài khoản phá hoại bất chợt nhảy vào cuộc trò chuyện nhóm.
Trong động thái mới nhất vào ngày 8.4, Zoom đã thuê cựu giám đốc an ninh của Facebook Alex Stamos về làm cố vấn bảo mật cho công ty, đồng thời tăng mức thưởng cho những phản hồi chỉ ra lỗi. Eric Yuan cho biết nếu không thể biến Zoom thành “nền tảng an toàn nhất thế giới” trong vài năm tới, công ty sẽ mở mã nguồn của Zoom để những người khác có thể thử sức.
Liệu Zoom còn cơ hội chiếm lại niềm tin khách hàng, hay đây sẽ là dịp những đối thủ như Microsoft với ứng dụng Teams hay Google với Google Meet tiến lên và dìm cái tên vừa nổi vào quên lãng? Thời gian sẽ sớm đưa ra câu trả lời.
Nguồn: Forbesvietnam
Xem thêm:
- 2 cách livestream sự kiện tốt nhất trong mùa dịch Covid
- Xu hướng làm Event mùa dịch Covid-19: Livestream trực tuyến
- Sự kiện trực tuyến: Xu hướng sự kiện trong mùa dịch