Những năm gần đây, Thái Lan đã vươn mình mạnh mẽ để trở thành điểm đến hàng đầu của các lễ hội EDM đình đám.
Không chỉ sở hữu vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng hiện đại và sự cởi mở văn hóa, quốc gia này còn hưởng lợi từ các chính sách chiến lược của chính phủ nhằm biến các festival âm nhạc trở thành một phần không thể thiếu trong việc thúc đẩy thúc đẩy du lịch và kinh tế của “xứ sở Chùa Vàng”.
Thái Lan sắp trở thành “thủ phủ EDM” tại châu Á?
Thái Lan đang chứng minh vị thế là một trung tâm lễ hội âm nhạc hàng đầu khi liên tục mang đến các sự kiện đình đám quốc tế. Sau thành công vang dội của EDC Thailand 2025, lễ hội này đã được xác nhận sẽ tiếp tục trở lại vào năm 2026, khẳng định sức hút của quốc gia này trong mắt các nhà tổ chức và khán giả toàn cầu.
Không chỉ dừng lại ở EDC, lịch trình sự kiện âm nhạc năm 2025 tại Thái Lan còn khiến người hâm mộ phấn khích với hàng loạt cái tên nổi bật như: Siam Songkram, S2O Songkran, Unseen Festival, Waterzonic, 808 Festival, Neon Countdown…

Sự xuất hiện của các lễ hội EDM quy mô lớn đã biến Thái Lan thành điểm đến lý tưởng cho hàng triệu khán giả quốc tế. Du khách không chỉ đến để tham dự lễ hội mà còn kết hợp khám phá các địa danh nổi tiếng của Thái Lan như Bangkok, Pattaya hay Phuket. Điều này sẽ giúp kích cầu du lịch để từ đó mang lại nguồn thu đáng kể từ các khoản chi tiêu cho vé tham dự, lưu trú, ăn uống và mua sắm.
Ngoài ngành du lịch, các lễ hội EDM còn tạo nên tác động lan tỏa mạnh mẽ đến nền kinh tế địa phương. Hệ sinh thái sự kiện từ nhà tổ chức, đội ngũ kỹ thuật, cho đến các doanh nghiệp cung cấp thiết bị âm thanh ánh sáng đều hưởng lợi trực tiếp. Bên cạnh đó, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ vận tải và nhiều doanh nghiệp địa phương khác cũng ghi nhận doanh thu tăng trưởng vượt bậc trong thời gian diễn ra các lễ hội. Những sự kiện này còn tạo ra hàng ngàn việc làm, từ nhân viên phục vụ, đội ngũ an ninh đến các vị trí hậu cần, mang lại cơ hội lớn cho người dân địa phương.

Bên cạnh giá trị kinh tế, các lễ hội âm nhạc còn đóng góp không nhỏ vào việc nâng tầm hình ảnh của Thái Lan trên trường quốc tế. Việc tổ chức các sự kiện đẳng cấp như Tomorrowland (dự kiến diễn ra vào năm 2026) hay EDC giúp Thái Lan khẳng định vị thế là một trung tâm âm nhạc và văn hóa của khu vực. Không chỉ đơn thuần là các bữa tiệc âm nhạc, các lễ hội còn kết hợp các yếu tố nghệ thuật, văn hóa địa phương và phong cách sống bền vững, mang đến trải nghiệm khác biệt và độc đáo cho người tham dự. Qua đó, Thái Lan vừa góp phần thu hút khách du lịch và còn định hình hình ảnh một đất nước năng động, cởi mở và sáng tạo.
“Công thức” thu hút các sự kiện EDM của Thái Lan là gì?
Việc hỗ trợ chính thức cho các lễ hội âm nhạc đã được Thái Lan công khai như một phần trong chiến lược đưa đất nước trở thành trung tâm du lịch toàn cầu. Đáng chú ý, sáng kiến “IGNITE THAILAND” công bố vào năm 2024 đã xác định các sự kiện quốc tế là một thành tố cốt lõi.
Định vị Thái Lan như một “trung tâm sự kiện đẳng cấp thế giới” chính là chiến lược thứ năm trong năm chiến lược trọng tâm của sáng kiến này nhằm củng cố vị thế đất nước như một trung tâm du lịch – lĩnh vực đứng đầu trong tám trung tâm phát triển mà IGNITE THAILAND hướng tới. Trong đó, Summer Sonic Bangkok 2024 được nhắc đến bên cạnh những sự kiện tầm cỡ khác như MotoGP và Giải Vô địch Bóng chuyền Thế giới. Chính phủ Thái Lan xem lễ hội âm nhạc là một trong 11 yếu tố “soft power” quan trọng mà họ đang tập trung phát triển.
Riêng trong năm 2024, chính phủ đã góp phần thu hút 23 sự kiện đẳng cấp quốc tế, phối hợp cùng các địa điểm và đơn vị tổ chức trong nước để bảo đảm những sự kiện này diễn ra suôn sẻ, đồng thời quảng bá chúng đến khán giả trong nước và quốc tế.
Các biện pháp hỗ trợ chính thức bao gồm ưu đãi thuế dành cho việc tổ chức sự kiện, cũng như các chính sách khuyến khích khác. Đồng thời, các rào cản pháp lý và hạn chế cũng sẽ được dỡ bỏ hoặc nới lỏng, giúp các đơn vị tổ chức hiện thực hóa ý tưởng của mình một cách dễ dàng hơn. Sự hỗ trợ này còn mở rộng đến cấp thị thực nhóm cho đội ngũ nhân sự và thủ tục nhập cảnh nhanh cho những người tham gia vào các sự kiện lớn.

Không dừng lại ở đó, chính phủ Thái Lan đã có những cuộc thảo luận với các đơn vị tổ chức hàng đầu như TERO Entertainment, Warner Music Group và Sony Music Group nhằm tìm ra giải pháp tối ưu để phát triển các lễ hội âm nhạc tại quốc gia này. Những cuộc trao đổi không chỉ tập trung vào nhu cầu của các nhà tổ chức để triển khai sự kiện, mà còn hướng đến việc nâng cao trải nghiệm của khán giả tham gia lễ hội.
Cục Hội nghị và Triển lãm Thái Lan (TCEB), cơ quan trung ương hỗ trợ tổ chức sự kiện, đã hợp tác với nhiều đối tác để thiết lập một “hệ sinh thái sáng tạo” làm nền tảng cho các lễ hội âm nhạc. Mục tiêu này đang được thực hiện thông qua ba chiến lược:
- Đấu thầu quyền đăng cai các sự kiện lớn tại Thái Lan.
- Xây dựng hệ thống hỗ trợ cho ngành sự kiện, bao gồm các nền tảng kinh doanh cần thiết.
- Thành lập “Festival Academy”, nơi các nhà tổ chức có thể kết nối và trao đổi chuyên môn.
Sự kết hợp giữa chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ, sự tham gia của khu vực tư nhân, vị trí địa lý thuận lợi, môi trường thân thiện và hệ thống hạ tầng hiện đại đã giúp Thái Lan trở thành điểm đến hàng đầu cho các lễ hội EDM.
Backstage News