Cần có chiến lược tạo hướng đi riêng để sân khấu gắn với di tích lịch sử tại TP Hồ Chí Minh sớm đi vào hoạt động.
Thông qua các sáng tác về đề tài sân khấu gắn với các địa danh lịch sử, ngoài những giá trị giáo dục nhận thức về lòng tự hào dân tộc, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho khán giả, các tác phẩm sân khấu còn tích cực góp phần giới thiệu, quảng bá những nét bản sắc văn hóa độc đáo chỉ có riêng tại TP Hồ Chí Minh.
Chỉ khi kết hợp trực tiếp và trực quan giữa sân khấu với những yếu tố có giá trị lâu dài về tin thần, lịch sử, những địa danh, di tích, di sản này mới có thể tăng thêm sức hấp dẫn cho mình. Đó cũng là cơ hội tốt để đẩy mạnh tuyên truyền, sáng tạo những sản phẩm mới, giới thiệu tới công chúng và du khách; đồng thời, quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ văn hóa, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Học hỏi từ sân khấu thủ đô
Tại thủ đô Hà Nội đang rộ lên xu hướng biểu diễn mới, đó là gắn sân khấu với địa danh lịch sử thu hút đông đảo khán giả, du khách và được giới chuyên môn đánh giá cao.
Trong chuyến đi giao lưu văn hóa giữa 3 thành phố: Huế, Hà Nội và TP HCM, ông Nguyễn Trường Lưu – Chủ tịch Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật TP HCM – nhận xét chương trình nghệ thuật “Đêm thiêng liêng” tại khu di tích nhà tù Hỏa Lò đã đưa khán giả và du khách đến với những trải nghiệm, cảm nhận phong cách diễn xuất của nghệ sĩ ở góc độ gần với lịch sử. Ông và các văn nghệ sĩ TP HCM đã xem và đúc kết chính sự chuyển đổi này đáng được sân khấu TP HCM học hỏi, tham khảo để đưa sàn diễn gắn với địa danh lịch sử.
“Tôi tin khán giả sẽ hưởng ứng và TP HCM nên tham khảo, tìm cách đưa kịch đến diễn tại các địa danh văn hóa, lịch sử. Câu chuyện kịch phải thật xúc động, gắn với địa danh và sinh động về hình thức biểu diễn. TP HCM hiện có 12 đơn vị nghệ thuật xã hội hóa, hàng trăm diễn viên tài năng, có thể đưa mô hình này đi vào đời sống, gắn với văn hóa du lịch” – ông Nguyễn Trường Lưu bày tỏ.
Hiện Hà Nội có 6 điểm diễn: Văn Miếu, Hoàng thành Thăng Long, nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Văn học Việt Nam, đền Ngọc Sơn, Bảo tàng Phụ nữ. Mỗi địa danh có một nhóm diễn viên sân khấu gắn với ê-kíp thực hiện, lên ý tưởng cho từng chương trình. Cụ thể, điểm diễn tại khu di tích nhà tù Hỏa Lò có 3 chương trình: “Sáng ngời tinh thần Việt”, “Sống như những đóa hoa”, “Lửa thanh xuân”. Mỗi câu chuyện khái quát được nghĩa khí cao ngút của những người cách mạng từng bị giam cầm, tra tấn tại nhà tù Hỏa Lò. Với hành trình 120 phút, người xem sẽ được tham quan, xem các hoạt cảnh tái hiện, nhập vai vào tù chính trị để có được sự trải nghiệm, đánh thức những cảm xúc chân thực nhất về sự ngột ngạt, u tối trong các phòng giam.
Gắn sân khấu với khu di tích
Theo đề xuất của các nhà chuyên môn, các di tích lịch sử tại TP HCM có thể gắn với diễn kịch là Hội trường Thống Nhất, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, khu di tích lịch sử Đền Tưởng niệm Bến Dược – Củ Chi, Bến Nhà Rồng, nhà tù Chí Hòa, chùa Phụng Sơn, khu di tích Ngã ba Giồng…
NSƯT Ca Lê Hồng cho rằng việc đưa sân khấu theo xu hướng gắn với di tích lịch sử rất cần văn nghệ sĩ TP HCM đặt bản thân mình trong tâm thế khát khao sáng tạo, góp phần làm nên những tác phẩm, những hình tượng nghệ thuật trong sáng tác, dàn dựng và biểu diễn tại các di tích.
Các nhà chuyên môn kỳ vọng sân khấu TP HCM sẽ có hướng đi mới từ việc tổ chức, dàn dựng, biểu diễn sân khấu gắn với đề tài lịch sử phát triển phù hợp với giai đoạn hiện nay, đồng thời sân khấu TP HCM cũng sẽ không ngừng khai thác mảng đề tài lịch sử hướng về cội nguồn để xứng với vùng đất được xem là trung tâm văn hóa lớn của cả nước.
Để có được những tác phẩm hay gắn với di tích lịch sử trong thời gian tới, giới chuyên môn đề xuất Hội Sân khấu TP HCM và Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật TP HCM tổ chức các đợt sáng tác về đề tài sân khấu gắn với di tích lịch sử, trong đó mời mở rộng thành phần tác giả tham gia; cung cấp tài liệu, tư liệu, kiến thức cho các tác giả sáng tác về đề tài sân khấu gắn với lịch sử tại TP HCM; hằng năm dành nguồn kinh phí nhất định cho các hoạt động sáng tác sân khấu gắn với di tích lịch sử…
NSND Trịnh Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, cho biết: “Chương trình đã giúp người trẻ hiểu được những mất mát, hy sinh anh dũng của ông cha để có cuộc sống hòa bình hôm nay. Từ đó phải biết trân trọng quá khứ, tiếp bước công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp. Tôi nghĩ từ cách làm của Hà Nội, tại TP HCM, các sân khấu kịch cũng có thể gắn kết với những địa danh lịch sử để đưa xu hướng này vào khai thác”.
Việc các lãnh đạo cùng đội ngũ vận hành, quản lý nhiều di tích đã và đang tích cực khai thác nguồn tài nguyên di sản phong phú, đặc sắc; nghiên cứu, sáng tạo những sản phẩm mới mẻ, hấp dẫn sẽ từng bước góp phần tăng hiệu quả giáo dục di sản, tôn vinh, quảng bá điểm đến văn hóa của nhiều thành phố, cuối cùng là tạo ra doanh thu giúp duy trì và tiếp tục cải tiến thêm cho các di tích.
Theo Báo Người Lao Động