Nhà hát Hòa Bình (Tp.HCM) và Rạp Công nhân - Nhà hát kịch Hà Nội là 2 nhà hát có hệ thống sân khấu quay hiện đại tại Việt Nam. Hãy cùng Backstage tìm hiểu về hệ thống sân khấu đặc biệt của 2 nhà hát này nhé!
1. Nhà hát Hòa Bình – Sân khấu quay đầu tiên tại Việt Nam
Mỗi khi theo dõi một sự kiện quốc tế, một lễ trao giải hay một đêm nhạc kỷ niệm mang đầy tính nghệ thuật nào đó tại TP. HCM ta luôn nhìn thấy cái tên quen thuộc xuất hiện nhỏ nhắn đầy “khiêm tốn” ở sau 2 chữ địa điểm. Không nơi nào khác, chính là nhà hát Hòa Bình – viên ngọc của làng nghệ thuật thành phố, nơi có sân khấu quay đầu tiên tại Việt Nam.
Nhà hát Hòa Bình được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 26/4/1985, nhân dịp kỷ niệm 10 năm giải phóng miền Nam, với mong muốn tạo dựng một nơi chuyên nghiệp phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần cho quần chúng nhân dân quân 10 nói riêng và cả nước nói chung. Đây là nhà hátlớn nhất Việt Nam được thiết kế và xây dựng bởi kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Nhà hát có sức chứa đến 2330 người, và hệ thống sân khấu quay độc đáo với đường kính lên tới 22m. Do đó mà nhà hát Hòa Bình luôn là lựa chọn tối ưu để tổ chức các chương trình nghệ thuật, sự kiện mang tầm vóc lớn cả trong lẫn ngoài nước.
Sân khấu quaytại nhà hát có 3 mặt khác nhau nhằm tạo ra cảm giác mới lạ cho khán giả sau mỗi lần xoay chuyển cũng như thuận tiện cho việc chuẩn bị, dàn dựng sẵn các bối cảnh khác nhau ngay từ ban đầu mà không cần phải kéo rèm che và chờ đợi MC “cứu cánh”. Sau này vào dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập, nhà hát Hòa Bình đã xây dựng sân khấu quay mới được đầu tư gần 5,6 tỷ đồng, thiết kế theo dạng trục tròn, phân làm 2 mâm. Hiểu một cách đơn giản thì khi ca sĩ đứng trên 1 mâm cố định (mâm nhỏ hơn nằm bên trong), xoay mặt về phía khán giả; mâm ngoài sẽ quay để chuyển cảnh; trong khi đó sân khấu cũ sử dụng bằng cáp một chiều, từ trục giữa có các vách tường ngăn làm 3 mặt tương ứng với 3 sân khấu, một khi sân khấu quay thì người đứng ở trung tâm sẽ chuyển động theo.
Với mục tiêu sẽ trở thành nơi tổ chức những sự kiện lớn nhất, ngay từ đầu nhà hát Hòa Bình đã mạnh dạn đầu tư để có được một hệ thống hiện đại, nổi bật là sân khấu quay độc nhất Việt Nam như đã nói trên và cũng là sân khấu đứng đầu Đông Nam Á (từ những ngày đầu thành lập nhà hát đã được nhiều đoàn nghệ thuật từ Malaysia, Singapo, Thái Lan,…ghé thăm và học hỏi) hay “hố nhạc” dành cho dàn giao hưởng biểu diễn phía dưới mà không che khuất tầm nhìn của khán giả, nhà hát còn là nơi dành cho biểu diễn live, opera và vì đã được trang bị lỗ thoát âm nên cho dù âm thanh có lớn đến đâu vẫn không thể truyền ra bên ngoài được. Không chỉ là địa điểm ưu tiên cho hoạt động giải trí mà còn rất nhiều hoạt động về chính trị xã hội như lễ trao giải, các sự kiện mang tính nghi thức. Cũng vì thế, nhà hát Hòa Bình có riêng một đội ngũ bảo dưỡng trực thuộc biên chế để luôn đảm bảo tiêu chuẩn thiết bị tốt nhất và chỉ có nhà hát Hòa Bình với quy mô và tần suất hoạt động như vậy mới đủ kinh phí đầu tư vào khâu này.
Clip chương trình bài ca không quên có sử dụng sân khấu quay
2. Sân khấu quay hiện đại tại Rạp Công Nhân Hà Nội
Ngày 11/11/2019, tại Rạp Công Nhân (42 Tràng Tiền), Nhà hát Kịch Hà Nội đã khai trương sân khấu quay hiện đại với vở diễn Hà thành chính khí. Với mong muốn tạo ra sự chuyển động tinh tế cho những bối cảnh được thay đổi liên tục, Nhà hát đã lựa chọn “Hà Thành chính khí” để mở màn sân khấu quay hiện đại bậc nhất hiện nay nhằm mang đến trải nghiệm cảm xúc mới mẻ, thu hút khán giả trẻ đến với những vở diễn lịch sử. Và đây cũng là công trình được xây dựng nhân dịp chào mừng 60 năm thành lập Nhà hát Kịch Hà Nội (1959-2019) và hướng tới kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội (1010-2020).
Sân khấu cũng được thiết kế theo dạng trục tròn 2 mâm. Mâm quay to có đường kính gần 6m, mâm quay nhỏ bên trong có đường kính dài khoảng 2m và có thể nâng lên hạ xuống dễ dàng. Thêm một lựa chọn cho các nhà tổ chức sự kiện khi muốn đem đến một sân khấu trong nhà đầy ấn tượng với khán giả Thủ đô.
Trailer vở kịch Hà thành chính của nhà hát kịch Hà Nội có sử dụng sân khấu quay
Hi vọng, trong tương lai gần, sẽ có thêm nhiều các nhà hát tại Việt Nam được đầu tư không chỉ hệ thống sân khấu quay này, mà còn nhiều thiết bị sân khấu hiện đại khác nhằm tạo điều kiện cho các đạo diễn có thể thỏa sức dàn dựng nên các bối cảnh độc đáo, hấp dẫn và chân thực hơn nữa.
Xem thêm: Sân khấu quay (Revolving stage) – bí thuật thay đổi bối cảnh nhanh chóng
Tài liệu do anh Đào Duy Thiện Bảo cung cấp
Cập nhật và biên tập bởi Backstage
Thiếu! Sài Gòn còn có sân khấu kịch nhà hát Thế Giới Trẻ (thuộc trường Đại học Sân khấu Điện ảnh – 125 Cống Quỳnh, Q. 1) cũng là sân khấu quay khá hiện đại với khán phòng đẹp, âm thanh, ánh sáng hiện đại.