Tình hình phức tạp của dịch covid-19 đã khiến cho các nhà tổ chức sự kiện đặc biệt quan tâm đến hình thức livestream trực tuyến. Hãy cùng tìm hiểu những cách livestream sự kiện phổ biến đang được dân event sử dụng trên toàn thế giới.
Livestream (phát video trực tuyến) bắt nguồn từ thuật ngữ gốc là Live streaming (truyền phát trực tiếp). Hình thức này giúp truyền tải nội dung trực tiếp tới khán giả thông qua một thiết bị truyền thông xác định. Người dùng chỉ cần sử dụng các thiết bị có kết nối với internet như điện thoại, máy tính… để xem video trực tiếp trên website hay các ứng dụng di động..
Hiện nay, có 2 nền tảng livestream trực tuyến phổ biến, tương ứng với 2 cách để livestream sự kiện, bao gồm: Livestream qua mạng xã hội (MXH) và livestream trên ứng dụng di động. Hãy cùng Backstage tìm hiểu cách thực hiện và ưu nhược điểm của từng loại hình nhé.
Nội dung
1. Livestream qua mạng xã hội
Đây là cách livestream phổ biến nhất và hoàn toàn miễn phí, tiêu biểu như: Facebook, Youtube, Instagram… Những trang mạng xã hội này luôn là lựa chọn hàng đầu cho người sử dụng, từ những người bình thường, không có chuyên môn cho đến những nhà tổ chức sự kiện giàu kinh nghiệm.
Livestream trực tuyến trên mạng xã hội có rất nhiều ưu điểm để được sử dụng rộng rãi, cụ thể:
Khả năng tiếp cận cao
Tính đến nay có đến hơn 2,5 tỷ người dùng mạng xã hội Facebook hàng tháng. Trong khi đó, số lượng người sử dụng Twitter là hơn 330 triệu người và Youtube hiện đang sở hữu hơn 2 tỷ tài khoản (theo oberlo.com). Nền tảng MXH thường hoạt động với thuật toán đặc biệt: rất nhiều người sẽ gặp những nội dung tương tự nhau hoặc họ sẽ có xu hướng tương tác với những thông tin mà người bạn trên MXH của họ đã like, chia sẻ, cho dù họ chưa từng theo dõi chúng trước đó. Do vậy, các nhà tổ chức sẽ tận dụng thuật toán này để tiếp cận khán giả tiềm năng. Một điểm cộng khác của MXH chính là tính năng thông báo cho người dùng khi có sự kiện trực tiếp trên kênh mà họ theo dõi.
Nền tảng thân thiện với người dùng
Chỉ cần nhấn vào nút livestream trên thiết bị điện tử thông minh có kết nối với internet, người dùng đã có thể dễ dàng truyền tải nội dung trực tiếp một cách nhanh chóng. Hơn nữa, Instagram còn có tính năng livestream trực tuyến theo nhóm, tức là các tài khoản cá nhân có thể “live chung” với nút “request” (yêu cầu) trên giao diện live của mình. Nhờ đó, khán giả có thể xem trực tiếp đồng thời các tài khoản cá nhân khác nhau.
Sự kiện Lễ hội âm nhạc trực tuyến Isol-Aid (Úc)
Ví dụ như sự kiện Lễ hội âm nhạc trực tuyến Isol-Aid (Úc) vừa qua được tổ chức trong 2 ngày 28, 29/03 với các màn trình diễn trực tiếp kéo dài hơn 20 phút thông qua tài khoản instagram cá nhân của các nghệ sĩ.
Lưu trữ nội dung thuận tiện
Sau khi livestream trên MXH, người dùng có thể lưu lại ngay trên trang cá nhân/page của mình và những người đã bỏ lỡ buổi phát sóng trực tiếp sẽ dễ dàng xem lại chúng. Instagram thường chỉ cho phép lưu trữ nội dung trong thời 1 ngày nhưng Facebook, Youtube thì thời gian lưu trữ dài hơn và tuỳ vào sự lựa chọn của người sử dụng.
Phù hợp với nhiều thể loại nội dung trực tuyến
Nếu bạn muốn phát sóng trực tiếp nội nội dung với thời lượng ngắn theo phong cách thoải mái, tự nhiên thì có thể sử dụng Facebook hay Instagram bởi chúng vừa thuận tiện, vừa đa dạng các hiệu ứng (filter) có tính tương tác cao. Hay, với những buổi livestream trực tuyến trong thời lượng dài, thiên về chuyên môn và cần chất lượng hình ảnh, âm thanh sống động, rõ nét thì Youtube là một lựa chọn phù hợp.
Lễ ra mắt trực tuyến giới thiệu sản phẩm mới như Oppo X2
2. Livestream qua ứng dụng di động
Các app (ứng dụng di động) có hỗ trợ livestream ra đời trước tính năng livestream trên MXH,đòi hỏi nhiều thao tác phức tạp hơn để thực hiện, cũng như không tiếp cận người dùng nhanh chóng được như MXH, nhưng đồng thời nó có những tính năng cá nhân hóa và bảo mật thông tin tốt hơn hẳn. Người dùng sẽ phải tải app về thiết bị điện tử và tạo tài khoản cho riêng mình để có quyền phát sóng/theo dõi video trực tiếp. Các app cũng đảm bảo những yêu cầu cao về kỹ thuật và chất lượng video khi phát sóng như: đường truyền, hệ thống xử lý âm thanh, hình ảnh…
Tính chuyên nghiệp và bảo mật cao
App được thiết kế dành riêng cho các tổ chức, doanh nghiệp nhằm phục vụ các sự kiện doanh nghiệp đặc thù và cần tính bảo mật thông tin cao. Với các hội nghị, hội thảo, các doanh nghiệp, tập đoàn thường lựa chọn InterCall, 6Connex… để phát sóng trực tiếp nội dung tới toàn thể nhân viên cũng như các khán giả.
Tính cá nhân hoá
Ngày nay, các doanh nghiệp, tổ chức thường có xu hướng cá nhân hoá thương hiệu của mình thay vì sử dụng các mạng xã hội hay ứng dụng có sẵn. Các công ty lớn cũng đã tự thiết kế app cho riêng mình với nhiều tính năng truyền thông tích hợp, trong đó có tính năng livestream. Thông qua app doanh nghiệp, các công ty không chỉ kinh doanh, chăm sóc khách hàng mà còn có thể tổ chức sự kiện và phát sóng trực tiếp để quảng bá tới công chúng. Khán giả không chỉ tham gia sự kiện livestream mà còn tìm hiểu về thương hiệu hay tương tác trực tiếp với các sản phẩm ngay trên app.
Gần đây nhất, Lazada đã phát sóng trực tuyến sự kiện: Đêm nhạc hội Super Live mừng sinh nhật lần thứ 8 thông qua app Lazada. Sự kiện âm nhạc có sự tham gia của nhiều khách mời là những nghệ sỹ nổi tiếng tại Việt Nam. Sự kiện đã thu hút được gần 110,000 khán giả tham gia trực tuyến và mua sắm trực tiếp trên trang thương mại liên tử này.
Được bảo trợ bởi các công ty truyền thông uy tín
Một vài ứng dụng tiêu biểu như: Twitch, iHeartRadio… là nền tảng livestream hàng đầu dành cho các sự kiện giải trí.
Twitch là công ty truyền thông con của tập đoàn Amazon cung cấp ứng dụng phát sóng trực tiếp cùng tên, chuyên livestream các sự kiện như giải đấu esports, chương trình nghệ thuật, cuộc thi nấu ăn, biểu diễn âm nhạc, chơi game…
Vào ngày 28/3, hãng thu âm STMPD RCRDS của DJ Martin Garrix đã tổ chức Virtual Festival kéo dài 24 tiếng thông qua Twitch và YouTube cùng với các màn trình trình diễn đặc biệt ngay tại studio hay thậm chí là tại nhà của các nghệ sĩ trực thuộc công ty.
Ngoài ra, iHeartRadio là ứng dụng kết hợp nghe nhạc và radio trực tuyến miễn phí của một tập đoàn truyền thông đại chúng của Mỹ iHeartMedia – hiện đang sở hữu và vận hành hơn 858 trạm phát sóng radio trực tuyến, phục vụ hơn 150 thị trường trên toàn nước Mỹ. Ứng dụng iHeartRadio hiện đang sở hữu hơn 100 triệu tài khoản cùng hơn 1000 chương trình âm nhạc được phát sóng trực tiếp trên toàn cầu. iHeartRadio tập trung hướng đến đối tượng khán giả nghe nhạc tại nhà do đó nó là một lựa chọn hoàn hảo cho các chương trình trực tiếp mùa dịch.
Ngày 29/3 vừa qua, Fox và iHeartMedia đã cùng kết hợp với nhau để tổ chức concert Fox Presents The iHeart Living Room nhằm truyền đi thông điệp chia sẻ nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Elton John là “chủ xị” của chương trình cùng với dàn khách mời đình đám: Billie Eilish, Alicia Keys, Mariah Carey, Backstreet Boys… Đặc biệt, các nghệ sĩ sẽ trình diễn ngay tại nhà với thiết bị âm thanh của họ và chương trình sẽ được phát sóng cùng lúc trên tất cả các trạm iHeartMedia và app ứng dụng iHeartRadio.
Tạm kết:
Trong thời đại công nghệ số, có hai hình thức livestream trực tuyến chính là: Dùng MXH và dùng app livestream trong đó có ứng dụng do doanh nghiệp tự thiết kế. Đây được coi là giải pháp tối ưu cho các nhà tổ chức sự kiện để đáp ứng với các tác động của hoàn cảnh cũng như khiến cho thị trường event thêm năng động và không ngừng đổi mới.
Linh Do tổng hợp
Xem thêm