Hiện nay tình trạng scam vé concert đang diễn ra rất nhiều và khán giả cần phải rất đề phòng để tránh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Trên thế giới hiện nay, các concert của Taylor Swift, Ed Sheeran hay Coldplay luôn được coi là “mỏ vàng” của những đối tượng lừa đảo. Lợi dụng tâm lý háo hức, muốn sở hữu vé nhanh chóng, các đối tượng sẽ đưa ra rất nhiều chiêu trò như: đại hại giá, đặt chỗ mua vé…để dẫn khán giả vào “bẫy”.
Một số cách khác mà kẻ lừa đảo nhắm vào nạn nhân là thông qua các trang web giả mạo, bài đăng trên mạng xã hội hoặc email cung cấp vé với giá ưu đãi hoặc quyền truy cập với giá tăng cao vào các sự kiện đã bán hết vé. Ngay cả khi bài đăng có vẻ hiển thị vé thật, nó vẫn có thể đã được Photoshop. Nạn nhân được yêu cầu trả tiền trước cho vé, nhưng sau khi thanh toán xong, kẻ lừa đảo sẽ biến mất. Điều này khiến người mua không có vé và mất tiền.
Ép mua là cách mà các scammer hay sử dụng để đẩy thêm tâm lý sợ vụt mất cơ hội sở hữu vé với giá rẻ của khách hàng, cứ như vậy khách hàng sẽ mau chóng chuyển tiền mà không có bất kỳ cơ hội gì để kiểm tra xem vé đó có phải là thật không.
Tại Việt Nam vừa đã xảy ra một vụ khiến nhiều người phải sốc. Cụ thể, đối tượng Trần Khánh Vi có hành vi chiếm đoạt hơn 700 triệu đồng thông qua việc nhận tiền mua vé chương trình ca nhạc (concert) ca sỹ Taylor Swift của 48 người sinh sống trên địa bàn TP. Hà Nội. Các bị hại đã gửi đơn trình báo đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hoàn Kiếm. Điều này cho thấy thị trường bán vé luôn tiềm ẩn rất nhiều sự nguy hiểm nên khán giả cần lưu ý những điều sau để tránh bị lừa đảo:
Nội dung
1. Thận trọng với các “ưu đãi” trên mạng xã hội
Hãy cẩn thận với mức giá thấp hấp dẫn cho vé sự kiện được quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội. Mặc dù ưu đãi có vẻ như là một món hời, nhưng những kẻ lừa đảo thường sử dụng mức giá thấp này để dụ những người mua đang không có sự cảnh giác vào bẫy của chúng.
Còn nhớ tại concert BLACKPINK tại Hà Nội vào tháng 7 năm ngoái, trong đợt mở bán vé online, lượng người truy cập vào website của TicketBox để xếp hàng mua vé buổi biểu diễn (show diễn) BlackPink đã lên tới gần 300.000 người. Nhiều người đã phải xếp hàng rất lâu nhưng cũng vẫn không thể mua được vé thành công.
Với sức chứa 40.000 chỗ của sân vận động Mỹ Đình, nếu tính cả lượng người đứng trên mặt sân, không khó hiểu khi số lượng vé bán ra sẽ khó đáp ứng đủ nhu cầu của người hâm mộ. Đây cũng là lý do tình trạng lừa đảo bán vé show diễn BLACKPINK ngày một nóng trong thời gian đó.
Trên các mạng xã hội, thay vì bán với giá đắt “cắt cổ”, nhiều cá nhân đã rao bán lại vé xem show diễn BLACKPINK với mức giá rẻ hơn từ 800.000 – 1.000.000 đồng so với giá bán của đơn vị tổ chức.
Lý do được nhiều người bán đưa ra bởi họ mua vé qua nhiều kênh khác nhau để chắc chắn có chỗ dẫn tới việc thừa vé, hoặc do đã mua vé nhưng không sắp xếp được lịch. Bên cạnh những trường hợp rao bán thật, có không ít vụ việc mà nạn nhân phải ăn quả đắng do mua trúng vé giả của những kẻ lừa đảo.
2. Luôn mua vé ở kênh bán vé chính thức của sự kiện
Để an toàn hãy mua vé ở các kênh bán vé chính thức của sự kiện nhưng cần phải kiểm tra kỹ liệu trang website đấy có phải thật hay không. Tại concert Westlife – The Wild Dreams Tour, một trang web giả mạo đã được tạo nên để scam vé. Cụ thể, mặc dù vé trước đó đã được thông báo bán hết nhưng một bộ phận người dùng tìm đến các nguồn bán vé không chính thống với nhiều khả năng dễ rơi vào bẫy của những đối tượng lừa đảo. Các website giả sẽ gần giống với tên các website thật nhưng có thêm hoặc thiếu một số ký tự. Tên miền giả thường sử dụng những đuôi lạ như .cc, .xyz, .tk, .tv… Vì vậy phải luôn bình tĩnh, sáng suốt, chờ những thông tin chính thức từ ban tổ chức thay vì sốt sắng dẫn đến “tiền mất tật mang”.
3. Mua vé từ các nhà cung cấp đáng tin cậy
Khi các kênh chính thức đã bán hết vé, hãy lựa chọn các nhà môi giới vé trực tuyến hoặc đại lý được ủy quyền có uy tín. Mặc dù những vé này có thể có giá cao hơn, nhưng bạn có thể tin tưởng rằng giao dịch mua của mình là hợp pháp và bạn sẽ nhận được vé hợp lệ cho sự kiện. Hãy cảnh giác với những kẻ lừa đảo đột nhập vào tài khoản và đóng giả làm người quen để bán vé. Trước khi gửi bất kỳ khoản tiền nào, hãy tự mình xác minh danh tính của người bán. Liên hệ trực tiếp với bạn bè của bạn thông qua các phương tiện đáng tin cậy để xác nhận rằng vé là chính hãng. Và để “chắc chân” hơn thì phải luôn giao dịch trực tiếp, tránh giao dịch online.
4. Tránh quyết định vội vàng
Những kẻ lừa đảo thường sử dụng chiến thuật gây áp lực để thúc đẩy người mua đưa ra quyết định nhanh chóng. Nếu bạn cảm thấy bị thúc ép hoặc bị ép phải mua vé ngay lập tức, hãy lùi lại một bước. Quyết định đưa ra trong tình trạng bị ép buộc có nhiều khả năng dẫn đến nạn nhân của một vụ lừa đảo. Luôn phải giữ sự cẩn trọng khi mua vé chợ đen, tránh bị mua vé giá cao hoặc bị lừa mua vé giả mạo.
Backstage News