Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 2068/QĐ-BVHTTDL ban hành “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống”.
Bộ tiêu chí về là cơ sở để ban tổ chức lễ hội áp dụng thống nhất các giải pháp nhằm xây dựng môi trường văn hóa lễ hội. Đây là định hướng để ban tổ chức chuẩn hóa các tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống, là thước đo để đánh giá năng lực quản lý cũng như tính hiệu quả của công tác tổ chức hoạt động lễ hội tại địa phương.
Thực tế, nhiều năm trở lại đây, các lễ hội truyền thống, đặc biệt là những lễ hội đầu năm đã trở thành cơ hội để ban tổ chức, chính quyền địa phương tận thu và thương mại hóa, người dân đi lễ hội cũng chỉ vung tiền cầu lợi. Chính vì vậy, nhiều lễ hội đang dần “mất điểm” trong mắt du khách.
“Buôn thần bán thánh nay cũng là một nghề. Họ cạnh tranh khốc liệt dưới vỏ tín ngưỡng. Điều này đang đẩy văn hóa và nhân cách người Việt xuống dốc” – nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ thẳng thắn chia sẻ với Tạp chí Mặt trận.
Việc cụ thể hóa các tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa tại di tích, lễ hội được coi là một giải pháp nhằm nâng cao tính hiệu quả trong việc tổ chức các hoạt động lễ hội theo hướng văn minh, lành mạnh, tiết kiệm; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; bài trừ các hủ tục, tập tục, tập quán lạc hậu, nghi lễ có tính bạo lực và các hành vi phản cảm, lệch chuẩn trong lễ hội.
Bộ tiêu chí còn đề cập đến hoạt động kinh doanh dịch vụ tại các lễ hội cần cam kết tuân thủ theo quy định pháp luật về kinh doanh dịch vụ công cộng; quy định của ban tổ chức lễ hội về thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa; quan hệ giao tiếp, ứng xử của các chủ thể quản lý và người tham gia trong hoạt động lễ hội bảo đảm văn minh, văn hóa. Đồng thời tăng cường, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về di tích, lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh; nội dung, hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú.
Cùng với đó là tiêu chí về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trên cơ sở bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; bài trừ hủ tục, tập tục, tập quán lạc hậu, nghi lễ có tính bạo lực, các hành vi phản cảm trái thuần phong, mỹ tục dân tộc trong hoạt động lễ hội.
Trước nhiều hình ảnh tiêu cực đã được ghi nhận trong nhiều lễ hội tại Việt Nam, việc xây dựng Bộ tiêu chí trên cho thấy những nỗ lực của Nhà nước và các cơ quan, đơn vị trong việc gìn giữnét đẹp văn hóa truyền thống của các sự kiện văn hóa.
Đây cũng là một tài liệu tham khảo đối với các đơn vị khi tổ chức các loại hình sự kiện khác, tạo thuận lợi và điều kiện về mặt thông tin cụ thể hóa, rõ ràng hơn, tiếp đó sáng tạo, phát triển những ý tưởng tổ chức dựa vào nền tảng có sẵn. Nhờ vậy, các lễ hội, chương trình, sự kiện sẽ được lên kế hoạch tổ chức và vận hành một cách an toàn, lành mạnh hơn.
Bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống được tổ chức triển khai thực hiện bởi Cục Văn hóa cơ sở, phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị liên quan. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn địa phương tổ chức triển khai Bộ tiêu chí đảm bảo phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế, văn hóa – xã hội; hằng năm tiến hành rà soát, đánh giá việc thực hiện.
Đọc thêm: Sự kiện văn hóa, nghệ thuật xây dựng thương hiệu cho thành phố
Backstage News
Theo Tạp chí Văn hóa và Phát triển