Với sự phát triển của công nghệ trong ngành in ấn, các sự kiện giờ đây không chỉ sử dụng các chất liệu thông thường như giấy, mà còn có sự đa dạng hóa trong việc thể hiện hình ảnh trên nhiều loại chất liệu khác nhau.
Trong mỗi sự kiện, việc sử dụng hình ảnh là vô cùng quan trọng và không thể thiếu, bên cạnh đó một phần quan trọng của nó là các sản phẩm có chất liệu in ấn. Từ các góc chụp ảnh, phông bạt được treo ngang thả dọc, quầy tiếp thị dịch vụ, sản phẩm cho đến vé mời/vé tham dự, quà tặng và các loại tài liệu sử dụng trong chương trình, tất cả đều liên quan đến việc in ấn.
Theo đó, các chất liệu trong in ấn tổ chức sự kiện rất đa dạng tùy thuộc vào sản phẩm đích và hạng mục cần sản xuất.
Nội dung
Hiflex
Bạt hiflex là loại chất liệu nhựa (PVC) có màu trắng đục và trắng sữa. Bạt hiflex có 2 loại:
- Bạt hiflex xuyên đèn: độ dày 0.26mm đến 0.52mm, độ dày càng mỏng thì khả năng xuyên đèn càng cao.
- Bạt hiflex không xuyên đèn: loại này không có khả năng xuyên sáng, loại bạt hiflex không xuyên sáng đang được ưa chuộng nhất hiện nay đó là bạt đế xám hay còn gọi là bạt 2 da, có màu xám ở mặt sau, thích hợp để làm backdrop, banner, băng rôn.
Hiflex có nhiều ưu điểm, trong đó kể tới những yếu tố như giá thành rẻ, đồng thời có độ bền cực kỳ cao, co giãn tốt, chịu được các tác động thời tiết bên ngoài, cũng chính vì lý do đó mà loại chất liệu in ấn này hoàn toàn có thể được sử dụng trong nhà lẫn ngoài trời. Ngoài ra, một số ưu điểm khác bao gồm việc có nhiều độ dày khác nhau (0.28mm, 0.32mm, 0.36mm, 0.4mm…) cùng kích thước giúp đa dạng và tùy theo mục đích sử dụng, dễ dàng thi công, lắp đặt.
Ngược lại, một số nhược điểm đi kèm là tính thẩm mỹ nếu so với các chất liệu khác thì sẽ không bằng, dễ bắt lửa, độ bền nếu sử dụng ngoài trời một thời gian dài sẽ bị mục, rách và bạc màu.
Decal
Decal là loại chất liệu có lớp mặt là giấy để in hình, tùy theo mục đích sử dụng mà có các loại giấy khác nhau. Thường trên decal mặt phía sau là lớp keo và sẽ có một lớp giấy bảo vệ lớp keo đó.
Tùy theo mục đích sử dụng mà có các loại decal như sau:
- Decal giấy.
- Decal trong.
- Decal lưới.
- Decal sữa.
- Decal nhựa.
- Decal chuyển nhiệt.
Trong tổ chức sự kiện, chất liệu decal sữa đang là sự lựa chọn phổ biến hiện nay, được dùng để in sticker, tem nhãn sản phẩm, in decal dán backdrop, dán tường, dán xe hay các phương tiện di chuyển,…
Với nhiều ưu điểm như độ co dãn tốt, có thể dán và bao phủ trên nhiều bề mặt khác nhau, dễ dàng dán được các góc độ khó như góc nhọn, góc tròn, gia công cắt bế tỉ mỉ (cắt rời sẵn dùng), chỉ cần gỡ ra là dán không cần phải cắt lại,… decal được sản xuất và sử dụng phổ biến với nhiều mục đích cũng như trong nhà lẫn ngoài trời. Bên cạnh đó, với độ bền khá tốt sẵn có cùng nhiều lựa chọn như in UV, decal luôn có thời gian sử dụng lâu hơn so với in decal phổ thông (bằng mực dầu). Tuy nhiên, nhược điểm là giá thành chỉ rẻ khi in số lượng nhiều, độ bền kém bởi hay bị trầy xước khi va chạm, khả năng ngăn vết bẩn bị hạn chế, tuổi thọ sử dụng chỉ từ dưới 1 năm tới 2 năm và dễ bay màu, khi sử dụng cần tránh tiếp xúc với môi trường ẩm ướt, dầu mỡ và hóa chất.
PP
Hay là còn lại là paper plastic, đây là một loại giấy trong ngành in kỹ thuật số, một mặt để in hình, mặt sau được tráng keo hoặc không keo. Mặt trước có mày trắng sữa, phẳng mịn. Chất liệu PP sau khi in hình, bắt buộc phải cán một lớp màng bảo vệ (bóng hoặc mờ).
Có 2 loại PP: có keo và không có keo (PP keo sử dụng để dán như poster, tranh, PP cán formex, in sticker,… và PP không có keo dùng để gắn vào chân standee, băng rôn, standee cuộn,…).
PP có độ dai và mịn, giúp phông nền được căng đều, phẳng mà không làm rách hoặc quá dãn. Khả năng bám mực cao cùng khổ in rộng với các kích thước: 91cm, 107cm, 127cm, 151cm, chiều dài từ 30m đến 50m đã giúp loại chất liệu này được ưa chuộng trong làm standee đưa thông tin về sự kiện, gian hàng và xuất hiện thường thấy tại các chương trình. Thế như, chất liệu PP lại dễ bị xé rách khi có vết rách nhỏ cũng như dễ hư hỏng khi tiếp xúc trực tiếp với nước hoặc trong môi trường ẩm, với giá thành tương đối cao, nếu thi công và dán sai sẽ rất tốn kém vì lớp keo thường khó bóc, bám rất chắc khi sử dụng lâu ngày, cần sử dụng xăng hoặc hóa chất để loại bỏ.
Nhựa
Tương tự với PP, nhựa tổng quan cũng là một chất liệu in ấn rất phổ biến, từ cốc, thẻ (card), nhãn, hộp đựng,… Bên cạnh đó, có rất nhiều các loại nhựa với nhiều đặc tính khác nhau tùy thuộc vào đặc tính và ứng dụng mong muốn được sử dụng để in như PVC, polycarbonate và PETG,…
In offset (cách in sử dụng lực ép các tấm offset – các tấm cao su dùng trong in ấn – để in lên giấy, các tấm offset sẽ được ép lên các hình ảnh dính mực trước đó) trên nhựa không còn lạ lẫm trên thị trường, trong đó, in trên nhựa ra đời với độ bền cơ học cao hơn so với các chất liệu thông thường như giấy.
Các nhà sản xuất vô cùng thích in ấn trên nhựa để phục vụ cho các hoạt động quảng cáo hoặc làm thành các sản phẩm phụ trợ cho sản phẩm chính. Với đặc tính trong suốt, độ cứng cao, có thể uốn cong, chịu đựng bào mòn và va chạm tốt, nhựa luôn giúp dễ dàng làm nổi bật hình ảnh thương hiệu và sản phẩm.
Giấy
Để tạo ra một ấn phẩm, sản phẩm in ấn hoàn chỉnh và phù hợp với nhu cầu tùy chọn, nhà tổ chức cùng các khách hàng phải “bỏ túi” cho mình những kiến thức về chất liệu giấy – nguyên liệu quan trọng có ảnh hưởng đến chất lượng thành phẩm cũng như chi phí sản xuất, tạo nên thành phẩm. Trong hàng trăm loại giấy, một số loại phổ biến thường được sử dụng cho các ấn phẩm in gồm giấy couche (giấy C), bristol, notturno, kraft, ivory,… và cả giấy double A thông thường (trong in ấn tài liệu,…).
Cũng chính vì thế giới rộng lớn của giấy in ấn cùng cung cách in, vô số định lượng phức tạp, việc nắm bắt và hiểu rõ về tính chất của các loại giấy sẽ cần phải có nhiều thời gian trải nghiệm, thử nghiệm cũng như sự hỗ trợ từ các đơn vị cung cấp và in ấn để nhà tổ chức. Từ đó, người làm sự kiện và lên kế hoạch mới có thể tìm ra cho mình sự lựa chọn phù hợp đối với các đề bài, đáp ứng những yêu cầu đặc biệt từ phía khách hàng, củng cố kiến thức và đưa ra được những ý tưởng, sản phẩm có chất liệu/chất lượng tối ưu.
Vải
In ấn trên vải từ xưa đã vô cùng thông dụng, cùng với sự phát triển của công nghệ và đời sống, nhiều công nghệ in mới và hiện đại đã ra đời và phát triển để đáp ứng nhu cầu in ấn trên đa dạng các chất liệu vải khác nhau.
Vì mỗi loại vải đều có những đặc tính và chất liệu khác nhau (thô, dày, mềm, mịn, mỏng, gân nổi,… đối với các loại vải canvas, dù, gấm, voan, lưới,…) nên nếu quan tâm chất lượng sản phẩm đầu ra cùng tính thẩm mỹ của nó, người làm sự kiện phụ trách cần tham khảo và thử nghiệm nhiều trước khi lựa chọn loại vải, hình thức in trên vải đối với mục đích sáng tạo hoặc theo mục đích in ấn truyền thống (ví dụ như in ấn cờ cổ động, cờ trang trí thường dùng vải lụa phi bóng/mờ, vải nylon, satin,… hoặc in trên áo phông, mũ, phụ kiện có thể in ép nhiệt, in kéo lụa, in kỹ thuật số, in decal,…).
Khi nói tới môi trường, ngành tổ chức sự kiện có thể nói là một trong những ngành công nghiệp “đóng góp” tiêu cực nhất nhì tới môi trường vì luôn để lại những tấm bạt hiflex làm banner quảng cáo, băng rôn sự kiện,… sau khi sử dụng (tuy đây là các chất liệu dễ dàng cắt bỏ và không gây bừa bộn).
Các ấn phẩm in ấn hiện tại thường được tẩy rửa sạch sẽ bằng các vật liệu an toàn cho môi trường và sức khoẻ như baking soda, giấm ăn, cồn sát trùng,… sau đó được dùng vào các mục đích như che chắn, lót sàn/kho,… thậm chí, nhiều cá nhân, tổ chức đã có những phát kiến và sáng tạo giúp tái chế lại các sản phẩm này thành những chiếc túi xách, balo, túi đựng cỡ lớn,…
Trong tương lai, các hoạt động tái chế cần dễ làm, dễ sử dụng, phải được nhân rộng nhiều hơn để được nhiều người biết tới và giáo dục liên tục, các nhà tổ chức, sự kiện, lễ hội cũng phải chủ động cập nhật liên tục những phương pháp, cách làm hay trên thế giới để ứng dụng vào công đoạn xử lý rác thải, các vật dụng sản xuất hậu sự kiện. Ngoài ra, có thể mong đợi về một bộ tiêu chí phân loại rác thải rõ ràng được tham khảo từ nước ngoài, đề xuất xây dựng và áp dụng trong nước đối với mọi lĩnh vực kinh tế (như Liên minh Châu Âu đã lập danh sách lên tới 50 loại giấy tái chế khác nhau), điều này sẽ giúp cơ chế rác thải trong sự kiện hay thậm chí cả các ngành kinh tế khác trở nên minh bạch, vấn đề môi trường được chú trọng và đặt lên hàng đầu.
Như vậy, các ấn phẩm sử dụng trong sự kiện nếu đã làm đẹp cho sự kiện, mang lại cho công chúng và khán giả những cảm nhận mới mẻ và ý nghĩa về chương trình, khiến họ nhớ mãi thì bản thân những sản phẩm này khi không còn giá trị sử dụng trong sự kiện thì chắc chắn vẫn còn giá trị sử dụng trong đời sống con người và cần sự chung tay, hành động của các cá nhân, tổ chức giúp biến đổi, trao cho chúng một vòng đời mới, trở thành những món đồ, vật dụng bền chắc, thân thiện với môi trường.
Backstage News