Việc sử dụng các phương pháp để tạo mưa cũng như loại bỏ mưa trên bầu trời đã được nghiên cứu và áp dụng từ hàng chục năm nay, các sự kiện, ngày lễ lớn cũng theo đó làm hài lòng người tham dự bằng những phương pháp phù hợp để giúp hạn chế mưa trong sự kiện.
Mưa là vấn đề gây đau đầu và tiêu tốn nhiều công sức quản lý, đặc biệt đối với những sự kiện ngoài trời. Các nhà tổ chức luôn phải chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp phòng tránh, ứng phó với mục đích bảo vệ trải nghiệm của người tham dự và các trang thiết bị đắt tiền như âm thanh, bàn điều khiển,… trong sự kiện.
Nội dung
Công nghệ gieo mây, gieo mưa
Thay vì phải chuẩn bị hàng loạt những yếu tố phòng tránh khác nhau như lều bạt, áo mưa, ô dù,… che mưa, phương pháp nhân tạo/loại bỏ mưa bằng hóa học đã được nhiều sự kiện lớn trên thế giới lựa chọn.
Phương pháp này được nghiên cứu từ những năm 1940 tại nhiều nơi trên thế giới. Các nhà khoa học đã tìm cách tạo ra mưa từ công thức, công nghệ và các kiến thức, kỹ thuật thủy văn như đá khô, bột muối, iodide bạc (i-ốt), điện tích, xung laser hồng ngoại,… Một số tài liệu cho rằng người đầu tiên chế tạo ra mưa nhân tạo là nhà hóa học người Mỹ Vincent Schaefer. Ông đã tạo ra mưa nhân tạo vào năm 1946 bằng cách đưa một lượng nhỏ carbon dioxide vào các đám mây. Kết quả là xảy ra trận mưa tuyết ở Schenectady, ngoại ô New York, Mỹ.
Các kỹ thuật công nghệ trên được sử dụng với mục đích tạo mưa (cloud seeding), phương pháp này đưa các hợp chất hóa học vào không khí, làm gia tăng điều kiện thuận lợi cho việc kết tinh hạt và tạo ra mưa. Ngoài ra, kỹ thuật thủy văn này cũng có thể giúp loại bỏ, ngăn mưa bằng cách sử dụng hạt mây đóng băng hoặc các phương pháp tương tự để thay đổi cấu trúc của đám mây, làm giảm khả năng mưa.
Cách thức thực hiện các kỹ thuật này cũng rất đa dạng, người dùng có thể sử dụng máy bay để bay với độ cao trên cả các đám mây sau đó rải hợp chất tạo mưa vào trong không khí (khu vực được nghiên cứu là có những điều kiện hợp lý nhất để tạo mưa). Bên cạnh đó, một số công nghệ khác như máy xung điện, pháo bắn hợp chất cũng được sử dụng để ngắm bắn hợp chất vào các đám mây đen, làm suy yếu để khiến những đám mây biến mất hoặc giúp chúng mưa nhanh hơn trước khi diễn ra những ngày lễ, dịp quan trọng cần sự tạnh ráo.
Những sự kiện trên thế giới đã sử dụng kỹ thuật ngăn mưa
Tại Nga, việc thực hiện cloud seeding đã được diễn ra nhiều năm đối với nhiều ngày lễ khác nhau. Theo hãng thông tấn xã Nga TASS, Điện Kremlin đã chi gần 86 triệu rúp (1,3 triệu USD) để đảm bảo trời không mưa trong lễ kỷ niệm ngày 1/5 vào năm 2016, lễ kỷ niệm này vào các năm khác cũng tiêu tốn số tiền lớn tương tự cho việc sử dụng máy bay gieo mây thúc đẩy tuyết rơi sớm hơn. Bên cạnh đó, Nga cũng chi hàng triệu USD mỗi năm với mong muốn chống lại mây và mưa, tạo ra sự tạnh ráo tuyệt đối cho Lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng 9/5 (Victory Day – Kỷ niệm chiến thắng phát xít Đức) trên Quảng trường Đỏ.
Ngoài ra, tại Olympic – Thế vận hội Bắc Kinh 2008, Trung Quốc đã tuyển mộ cả một đạo quân nông dân để chống mưa. Hàng trăm người dân xung quanh Bắc Kinh sẵn sàng bảo vệ bầu trời chống lại những đám mây kéo đến cùng trận địa pháo phòng không bắn i-ốt bạc. Theo thông tin chính thức của trang web Thế vận hội, 26 căn cứ quanh thủ đô là nơi khởi điểm để bắn mây. Mỗi một nơi được trang bị đến 4 khẩu pháo phòng không để bắn lên mây và gây mưa trước khi chúng đến Bắc Kinh.
Khi nói tới lễ hội âm nhạc, nghệ thuật, giải trí sử dụng kỹ thuật ngăn mưa, không thể không nhắc tới Lễ hội âm nhạc khiêu vũ điện tử (EDM) lớn nhất thế giới Tomorrowland tại Bỉ. Trong quá khứ, cụ thể là khoảng những năm 2012 – 2013, người phát ngôn của Tomorrowland Debby Wilmsen chia sẻ việc lễ hội đang trong giai đoạn thử nghiệm súng thần công. Khi những đám mây giông đến gần, các thiết bị này sẽ gửi sóng xung kích vào các đám mây trong khoảng thời gian 10 giây. Những tiếng nổ cực cao mà chúng phát ra được cho là có thể làm gián đoạn sự phát triển của mưa đá hoặc sự tích tụ của những đám mây. Thế nhưng, lễ hội đã nhận được rất nhiều lời chỉ trích vì sử dụng phương pháp đắt tiền (không rõ tổng số lượng nhưng mỗi khẩu pháo có giá khoảng 30.000 euro tương đương hơn 800 triệu VNĐ) mà không có bằng chứng khoa học nào cho thấy nó có hiệu quả.
Chính vì không xác định được mức độ hiệu quả, khi được hỏi về các thiết bị này, Debby Wilmsen chia sẻ với tờ báo The Brussels Times của Bỉ rằng việc sử dụng chúng đã bị ngừng: “Chúng tôi đã không còn sử dụng những khẩu pháo đó trong khoảng mười năm trở lại đây. Thay vào đó, ban tổ chức quyết định đầu tư vào những thứ khác. Chúng tôi có một đội ngũ chuyên gia thời tiết tại chỗ, những người theo dõi tình hình chặt chẽ trong suốt thời gian diễn ra lễ hội để sẵn sàng đưa ra các đề xuất, phương án xử lý.”
Có thể thấy rằng, việc có thể “hô mưa gọi gió”, tùy ý điều chỉnh thời tiết không phải là việc đơn giản. Công nghệ ngăn mưa nếu muốn phát triển và sử dụng sẽ cần phải đi kèm với yếu tố thực tế, đánh giá số liệu và mức độ hiệu quả cao cuối cùng là giá thành hợp lý và không gây hại tới môi trường, bởi nếu không có sự hỗ trợ từ nhà nước, việc gánh chịu một chi phí khổng lồ để nếu không có sự tính toán cẩn thận sẽ gây ảnh hưởng lớn tới quá trình vận hành và khâu quản lý nguồn lực của dự án, chương trình, sự kiện.
Ứng dụng và những ảnh hưởng tiêu cực của phương pháp cloud seeding
Phương pháp tạo mưa hoặc ngăn mưa có nhiều ứng dụng trong đời sống và các ngành công nghiệp:
- Nông nghiệp: Việc tạo mưa có thể giúp cung cấp nước cho đất đai tại các khu vực gặp tình trạng hạn hán nghiêm trọng triền miên. Nhiều châu lục và các quốc gia lớn nhỏ trên thế giới (Mỹ, Ả Rập, Ấn Độ, Úc,…) đều thường xuyên sử dụng phương pháp này để hỗ trợ giải cứu cho mùa màng của những người nông dân địa phương.
- Công nghiệp: Ở một số ngành công nghiệp như sản xuất năng lượng, kỹ thuật tạo mưa được ứng dụng để quản lý lượng nước cho các dự án và hoạt động thủy điện.
- Đời sống: Sử dụng để cải thiện chất lượng không khí, giữ cho bầu không khí trong sạch và giảm ô nhiễm khói bụi.
- Sự kiện và lễ hội: Trong việc tổ chức sự kiện quan trọng như lễ hội, lễ kỷ niệm ngoài trời, việc ngăn mưa có thể giúp duy trì sự thoải mái và an toàn cho khán giả, đồng thời bảo đảm sự thành công của sự kiện.
Tuy nhiên, việc sử dụng kỹ thuật này vẫn gây tranh cãi và phải tuân thủ các quy định chặt chẽ để đảm bảo an toàn và không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và cuộc sống của con người. Các nhà khoa học cho biết: “Phương pháp tạo mưa nhân tạo có thể dẫn đến axit hóa đại dương, suy giảm tầng ôzôn và làm tăng mức độ khí cacbonic trong khí quyển. Bạc là một kim loại nặng, độc hại và nó gây hại cho sức khỏe của thực vật, con người và động vật. Tạo mây mưa cũng là một phương pháp tốn kém, có nhiều tác dụng phụ và làm biến đổi khí hậu”.
Các đám mây bắt đầu kết tủa tại một điểm với mức độ ngưng tụ nâng lên. Trong quá trình tạo đám mây, các hóa chất như iodide bạc và muối hút ẩm được sử dụng làm chất xúc tác để đạt được mức đó. Sau đó, các phân tử đám mây liên kết lại với nhau để tạo thành những đám mây lớn hơn dẫn đến mưa. Điều này có thể dẫn đến mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng đến lượng mưa tự nhiên.
Hiện Dubai của Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất đã có một lựa chọn thân thiện với môi trường hơn. Dự án tạo mưa nhân tạo ở Dubai hiện đang được thử nghiệm bằng phương pháp tích điện bằng cách làm cho các giọt nhỏ dính vào nhau và sử dụng máy bay nhỏ, chạy bằng pin.
Backstage News
Theo EDM Tunes