Công nghệ bay phản lực đã biến giấc mơ bay lượn không cần cánh không còn là phim viễn tưởng!
Công nghệ bay phản lực (Jet Suit) ngày càng tiến xa, mở ra cánh cửa mới cho ngành hàng không cá nhân. Trong lĩnh vực này, Gravity Industries là công ty tiên phong, mang đến giải pháp thực tế cho giấc mơ chinh phục bầu trời.
Thành lập năm 2017 bởi Richard Browning, Gravity Industries khởi đầu khiêm tốn nhưng nhanh chóng vươn mình thành một tổ chức trị giá hàng triệu đô la với tầm ảnh hưởng toàn cầu. Với một tầm nhìn táo bạo, như bao phát minh vĩ đại khác của nhân loại, ý tưởng Jet Suit cũng được bắt đầu với câu hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra nếu con người có thể tự bay mà không cần đến máy bay hay trực thăng?”
Theo nghiên cứu được công bố từ Gravity Industries, Gravity Jet Suit được xây dựng dựa trên sự kết hợp giữa nguyên lý khí động học, vật lý, và cơ khí chính xác.
Nội dung
Khí động học: Nguyên lý nền tảng
Khí động học (Aerodynamics) là nhánh vật lý nghiên cứu cách không khí tương tác với các vật thể rắn như cánh máy bay. Các loài bay như chim và máy bay sử dụng lực nâng để di chuyển qua không khí. Nhưng cơ thể con người không có đặc điểm khí động học để tạo lực nâng tự nhiên. Do đó, Gravity Jet Suit phải dựa hoàn toàn vào lực đẩy (thrust) để bay.
Động cơ tuabin khí: Trái tim của Jet Suit
Bộ đồ sử dụng năm động cơ tuabin khí nhỏ, mỗi động cơ chuyển đổi nhiên liệu kerosene thành lực đẩy mạnh mẽ. Nguyên lý của động cơ phản lực tương tự động cơ ô tô: đốt cháy nhiên liệu và không khí trong quá trình combustion, giải phóng năng lượng. Điểm khác biệt là động cơ tuabin khí tiêu thụ lượng không khí lớn hơn nhiều, khoảng tỷ lệ 50 phần không khí: 1 phần nhiên liệu, giúp tạo ra sức mạnh vượt trội.
Jet Suit hoạt động như thế nào?
Khi khí nóng thoát ra từ các động cơ hướng xuống đất, nó tạo ra lực đẩy ngược giúp phi công nâng mình lên không trung. Hệ thống điều khiển tích hợp cảm biến và bộ truyền động giúp bộ đồ phản ứng chính xác theo chuyển động tay của người dùng, từ đó thực hiện các thao tác phức tạp như giữ thăng bằng, đổi hướng, hay nhào lộn trên không.
Bình nhiên liệu gắn trên lưng cung cấp năng lượng cho các động cơ nhưng giới hạn thời gian bay. Điều này đòi hỏi phi công phải có khả năng giữ thăng bằng tốt và phối hợp nhiều giác quan, từ não bộ, cơ bắp, khớp xương đến thị giác.
Ngoài ra, nhiều công nghệ tiên tiến khác như in 3D, sóng âm, cơ sinh học cũng được ứng dụng để chế tạo các bộ phận của Jet Suit và tối ưu hoá hỗ trợ phi công trong quá trình thực hiện bay.
Ứng dụng thực tiễn của Jet Suit
Công nghệ Jet Suit không chỉ là biểu tượng của sự tiến bộ kỹ thuật mà còn mở ra nhiều cơ hội ứng dụng trong các lĩnh vực như ứng phó khẩn cấp, hoạt động quân sự, giải trí và du lịch, nhiếp ảnh và quay phim trên không, thể thao.
Ngày 16/11/2024, Gravity Jet Suit lần đầu tiên được trình diễn tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sự kiện thu hút đông đảo cộng đồng yêu công nghệ, đồng thời khẳng định khả năng ứng dụng của công nghệ này tại Việt Nam. Đạo diễn Việt Tú, người đứng sau nhiều dự án nghệ thuật đột phá, là người tiên phong đưa màn trình diễn này về nước sau hơn một năm tất tay chuẩn bị.
Dù vẫn còn trong giai đoạn đầu phát triển, công nghệ bay phản lực đã chứng minh tiềm năng to lớn trong việc thay đổi cách con người tương tác với không gian. Khi công nghệ được cải thiện, thời gian bay dài hơn và an toàn hơn sẽ giúp mở rộng các ứng dụng thực tế.
Gravity Jet Suit không chỉ là sản phẩm của khoa học mà còn là biểu tượng của khát vọng vượt qua mọi giới hạn. Với tầm nhìn tiên phong và công nghệ đột phá, tương lai nơi con người tự do bay lượn như trong những giấc mơ không còn quá xa vời.
Backstage News