Hàng năm có rất nhiều lễ hội âm nhạc được tổ chức và thải ra hàng tấn rác thải sau mỗi đễm diễn, gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường. Vậy thì những nhà tổ chức và sản xuất sự kiện trên thế giới đã làm gì để trả lời cho vấn đề trên?
Lễ hội âm nhạc Glastonbury là một trong số những lễ hội âm nhạc lớn nhất trên thế giới được diễn ra trong năm ngày tại Pilton, Somerset, Vương quốc Anh. Theo thống kê của đơn vị tổ chức, lễ hội Glastonbury đã thải ra 1,3 triệu chai nhựa trong suốt khoảng thời gian diễn ra sự kiện vào năm 2017, và sau mọi biện pháp khắc phục cũng như kêu gọi của những người làm chương trình để bảo vệ môi trường, tình hình vẫn không khá hơn vào năm tiếp theo 2018. Đầu năm 2019, đơn vị tổ chức quyết định đưa ra lệnh cấm đối với các loại chai nhựa dùng một lần tại lễ hội của mình.
Glastonbury là một ví dụ điển hình cho câu chuyện môi trường đang hằng ngày làm đau đầu các nhà tổ chức sự kiện trên toàn thế giới. Với xu hướng bảo vệ môi trường và sống xanh đang lan tỏa một cách rộng rãi như hiện nay thì việc các lễ hội âm nhạc thi nhau thải ra hàng tấn rác thải sau mỗi lần tổ chức đang tạo ra một hình ảnh vô cùng tiêu cực. Vậy thì những nhà tổ chức và sản xuất sự kiện trên thế giới đã làm gì để trả lời cho vấn đề trên? Hãy cùng tìm hiểu những giải pháp thực tế đã được ứng dụng ở nhiều sự kiện trên thế giới phía dưới đây nhé.
Nội dung
1. Tái sử dụng các vật liệu xây dựng sân khấu
Biện pháp đầu tiên được các nhà sản xuất đưa ra chính là tái sử dụng lại sân khấu của những năm trước. Những thiết kế sân khấu khổng lồ của các mega festival thường tiêu tốn một lượng lớn nguyên vật liệt xây dựng ví dụ như các mảnh ghép sân khấu, các đạo cụ trang trí mà trước đây người ta thường chỉ dùng một hoặc một vài lần, dẫn đến việc rác thải không những nhiều lên mà còn phung phí nguyên vật liệu khi ta bắt tay làm lại từ đầu vào những lần tiếp theo. Vậy nên các nhà thiết kế sân khấu hiện nay đều đòi hỏi rằng tất cả những vật liệu xây dựng và trang trí sân khấu phải được sản xuất theo hướng có thể lắp ráp và tái sử dụng được dù cho concept của sự kiện có là gì đi chăng nữa.
2. Tái chế rác thải nhằm phục vụ những mục đích khác
Một công nghệ đã cũ nhưng lại là giải pháp vô cùng cần thiết cho những nhà sản xuất sự kiện trong việc giảm thiểu rác thải nhựa chính là công nghệ biến nhựa thành dầu pyrolysis. Dầu pyrolysis là một loại dầu có thể dùng trong việc vận hành các loại máy móc phục vụ nông nghiệp cũng như có thể chế biến để sử dụng cho nhiều mục đích khác. Thay vì được mang đến những bãi rác, hàng tấn chất thải nhựa từ các sự kiện sẽ là đầu vào trực tiếp cho các nhà máy hóa dầu.
Đối với các lễ hội thuộc khu vực châu Âu nói riêng, các nhà tổ chức luôn có những chiến dịch kêu gọi khán giả của mình thực hiện việc phân loại rác ngay khi sự kiện đang diễn ra, giúp giảm bớt khối lượng công việc cho đội ngũ sản xuất cũng như có thể nhanh chóng tiến hành các biện pháp tái chế rác thải hiệu quả ngay sau khi chương trình kết thúc. Một trong số những loại rác thải quan trọng khác được kêu gọi phân loại đó chính là rác thải sinh học: đồ ăn thừa, các loại rác hữu cơ,…Đây là loại rác thải cơ bản dễ tái chế thành phân bón hữu cơ nhất, đôi khi ở một số sự kiện người ta còn dùng chính sản phẩm phân bón này để chăm sóc mảng xanh trong khu vực lễ hội của mình, nhằm đề cao tinh thần tái chế và tái sử dụng, bảo vệ môi trường.
3. Công nghệ biến nước thải nhà vệ sinh thành nước sinh hoạt/nước uống
Một giải pháp khác được các nhà sản xuất khá quan tâm chính là sản phẩm máy lọc nước thải nhà vệ sinh của Semilla Santitation Hubs, một mô hình đã từng được đua vào ứng dụng thành công ở một số sự kiện âm nhạc tại Hà Lan và Đan Mạch. Hệ thống lọc nước này có thể lọc nước thải nhà vệ sinh, cụ thể một đối tượng chính là nước tiểu, thành nước sinh hoạt và cả nước uống cung cấp ngược lại cho toàn bộ các hoạt động của sự kiện. Đối với người làm chương trình mà nói, việc thiếu nguồn cấp nước trong một mega event kéo dài vài ngày với hàng trăm ngàn khán giả đang cháy hết mình dưới sân khấu là một nổi kinh hoàng không tưởng. Mọi thứ có thể tê liệt và ngưng trệ hoàn toàn nếu sự kiện không có đủ nguồn nước cung cấp cho việc phục vụ nhu cầu giải khát, chế biến thức ăn hay thậm chí là hiệu ứng sân khấu. Mặt khác, nước thải vệ sinh cũng là một câu chuyện đáng được quan tâm vì ở những sự kiện chỉ diễn ra vài ngày trong năm, chúng ta không thể có được hệ thống thoát nước tiêu chuẩn, mà thay vào đó là những booth nhà vệ sinh công cộng hoặc trạm vệ sinh tạm thời. Điều này trở thành sức ép đối với nhà sản xuất chương trình vì không một vị khán giả nào muốn ăn mừng bên cạnh một khu vực bốc mùi cả. Và mô hình máy lọc nước của Semilla Sanitation Hubs xuất hiện mang đến giải pháp cho cả hai vấn đề, giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn nước và xử lí nước thải vệ sinh trong khoảng thời gian diễn ra sự kiện. Hơn hết đây cũng là một trong những cách giảm thiểu chất thải ra môi trường và là một giải pháp tái chế đang nhận được sự quan tâm tích cực.
4. Tiền ảo
Ban tổ chức lễ hội âm nhạc DGLT nổi tiếng thế giới đến từ Hà Lan đã tạo ra khái niệm tiền ảo thân thiện với môi trường vào năm 2017. Xuất phát từ những nỗi trăn trở về vấn đề môi trường ở các lễ hội âm nhạc, đội ngũ DGLT đã đưa tiền ảo có tên gọi Ecos Coin vào vận hành trong chính sự kiện của mình. Người tham gia chương trình sẽ tải một ứng dụng thông minh về điện thoại của mình, và ở đây họ sẽ thu thập và tích trữ từng đồng Ecos Coin một thông qua hình thức thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường ngay tại chính lễ hội DGLT. Một vài ví dụ về cách hoạt động của đồng tiền này là:
- Sử dụng ly cốc cá nhân khi lấy nước ở các quầy cung cấp tại sự kiện sẽ giúp bạn có thêm đồng Ecos Coin
- Phân loại rác thải hoặc trả lại rác thải về các điểm thu nhận rác cũng sẽ tích thêm tiền ảo cho bạn
- Tham gia các hoạt động giải trí khác nhưng vẫn mang lại giá trị môi trường như đạp xe đạp tái tạo năng lượng, các trò chơi nâng cao tinh thần bảo vệ môi trường,…
Khi tích trữ được một lượng Ecos Coin nhất định, bạn có thể quy đổi chúng theo từng cột mốc được đặt ra trong app. Bạn có thể nhận được một bữa ăn sử dụng nguyên liệu hữu cơ tốt cho sức khỏe, thân thiện với môi trường hoặc là một package download nhạc miễn phí, và rất nhiều phần thưởng giá trị hơn nếu Ecos Coin của bạn đủ nhiều, như một ví dụ từ DGLT chúng ta có một chuyến tham quan hậu trường sự kiện nếu bạn là một đại gia tiền ảo Ecos Coin.
Một video chiến dịch Ecos Coin được làm bởi DGLT: https://vimeo.com/209367662
Không chỉ áp dụng cho lễ hội của mình, DGLT mong muốn nhân rộng mô hình tiền ảo này đến khắp mọi chương trình, sự kiện khác trên thế giới. Hãy cùng chung tay xây dựng một xu hướng tổ chức sự kiện không rác thải.
Xem thêm: Chống lại bạo hành động vật, rạp xiếc Đức chuyển sang chiếu hình hologram 3D phục vụ khán giả
Kết:
Bảo vệ môi trường không chỉ là mỗi quan tâm của riêng bất kì cá nhân hay tổ chức nào, mà nó là một vấn đề mà tất cả chúng ta đều phải trăn trở. Bản thân là những người làm sự kiện, những nhân tố có thể thúc đẩy và thay đổi suy nghĩ cũng như thói quen của cả một cộng đồng trẻ thì chúng ta càng phải để tâm đến câu chuyện chung này. Các chiến dịch về sự kiện xanh chắc chắn sẽ mang lại rất nhiều lợi ích không chỉ cho hình ảnh của chương trình mà còn cho toàn xã hội.
Written by @Catherine Le