Fyre Music Festival, một nơi vốn tưởng chừng như thiên đường lại hóa thành thảm họa - trở thành một case study điển hình trong hầu hết tất cả những khóa học về sự kiện trên thế giới.
Là một nhà tổ chức sự kiện, đặc biệt là những sự kiện âm nhạc hẳn bạn sẽ không hề xa lạ với cái tên Fyre Music Festival, một nơi vốn tưởng chừng như thiên đường lại hóa thành thảm họa. Kể từ ngày đó, Fyre trở thành một case study điển hình trong hầu hết tất cả những khóa học về sự kiện trên thế giới. Có thể mỗi cá nhân khác nhau chúng ta sẽ có cho mình một bài học riêng từ Fyre, tuy nhiên không ai có thể bỏ qua câu hỏi đậm màu xuyên suốt cả quá trình chính là liệu có phải những nhà tổ chức sự kiện đang làm công việc của những họa sĩ buôn bán giấc mơ.
Bản thân Billy McFarland, CEO của Fyre cũng như giám đốc sản xuất chương trình, đã khẳng định rằng việc tổ chức lễ hội âm nhạc Fyre chính là đang bán đi một giấc mơ về thiên đường có thật cho những người tham dự. Câu hỏi đặt ra, liệu đây có phải là sai lầm lớn đầu tiên của Fyre hay không? Fyre đã chi hàng triệu dollar cho việc tạo nên một trailer vô cùng mãn nhãn và thu hút với những siêu mẫu hàng đầu ở thời điểm hiện tại, thiết kế website và hệ thống chuyên nghiệp không thua kém bất kì một sự kiện lớn nào trên thế giới và vào thời điểm mở cổng bán vé họ đã mua vô số bài viết trên các trang mạng xã hội từ các KOLs tiếng tăm. Mọi nỗ lực và tiền của trên đương nhiên không hề uổng phí, Fyre trở thành sự kiện nóng sốt nhất thời bấy giờ và toàn bộ vé đều đã được tẩu tán trong tíc tắc mặc cho giá cả có chát hơn mức bình thường. Đến với FYRE MUSIC FESTIVAL chính là đến với thiên đương, là quan niệm của gần như toàn bộ những người mua vé. Nhưng rồi thiên đường sụp đổ trước mắt họ, hay thật chất mà nói thiên đường Fyre vẫn chưa từng một lần tồn tại.
Bất kì ai đến với một chương trình hay sự kiện hẳn đều mang trong mình sự kì vọng đáng kể, chính niềm tin này là động lực khiến họ đồng ý hay tự nguyện bỏ tiền ra để sở hũu một tấm vé vào cửa trong khi chưa hề có khái niệm cụ thể nào về buổi trình diễn mà mình sẽ được tham dự. Và dù vô tình hay cố ý thì các nhà sản xuất sự kiện cũng đều cố gắng xây dựng cho chương trình của mình những hình ảnh thật long lanh, góp phần thúc đẩy thêm niềm tin của những khán giả ở phía bên kia màn hình đặt vé. Niềm tin này bản chất là một điều tốt đối với cả hai bên sản xuất và tham dự, nó là sự thúc đẩy to lớn giúp cho sự kiện được diễn ra một các hoàn hảo và tuyệt vời nhất. Tuy nhiên bất kì điều gì vượt quá mức cho phép đều có thể trở thành mối nguy hại, và trong trường hợp này niềm tin cũng là một trong số đó. Niềm tin lớn tỉ lệ thuận với nỗi thất vọng lớn khi mọi thứ không được diễn ra đúng như những gì người ta mong đợi, và lúc này thường thì các nhà sản xuất sẽ đánh mất sự uy tín mà mình dày công gầy dựng bấy lâu.
Thực tế ở Việt Nam, chúng ta có không ít những câu chuyện như thế này, khi một sự kiện được tung hô quá mức trước khi diễn ra thì chính hình ảnh hào nhoáng kia sẽ trở thành thước đo cho tất cả những sự việc diễn ra sau đó. Dưới góc nhìn của một người làm nghề, chúng ta có thể tô vẽ cho sự kiện của mình thật đẹp đẽ, tuy nhiên ở một mức độ nào đó mà ekip thực hiện chương trình có thể kiểm soát được. Trong số những rủi ro mà chúng ta có thể tính toán, hãy kèm thêm rủi ro về sự kì vọng của khán giả, để tránh trường hợp cứ sau mỗi chương trình ban tổ chức lại phải loay hoay xử lí khủng hoảng truyền thông do những thứ mà chúng ta vẫn chưa thể đáp ứng được gây ra.
Xem thêm: Fyre Music Festival – “THIÊN ĐƯỜNG” CỦA GIỚI SỰ KIỆN (P1)
Written by @Catherine Le