Các bài toán lớn nhất cần giải đó là qui mô phục vụ linh hoạt, giảm thiểu ngày trống. Tăng quản trị cũng như đào tạo về chất lượng phục vụ và chế biến. Đặc biệt, thúc đẩy chuyển đổi số để đạt hiệu quả cạnh tranh cao nhất đối với giá thành hàng nhập, bán hàng và Marketing.
Bước sang năm mới, các kế hoạch kinh doanh được đặt ra, đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh nhà hàng luôn sôi động. Nhưng ít ai biết một lĩnh vực kinh doanh đầy tiềm năng, với hiệu suất kinh doanh có thể nói là cao nhất trong ngành F&B đó là kinh doanh tiệc cưới và sự kiện. Tuy nhiên, sự tác động của dịch bệnh tới ngành này lại đang là lớn nhất do đặc thù hoạt động đông người tham dự.
Mỗi năm có khoảng 300.000 đám cưới diễn ra tại Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ
Dịch vụ cưới hỏi được biết đến bao gồm kinh doanh địa điểm tổ chức, Studio (trang phục, chụp hình), nữ trang – quà tặng, và du lịch. Tỉ lệ đóng góp cho qui mô doanh số của ngành lần lượt là 50%, 30%, 15%, 5%.
IBIS World (2019) đưa qui mô ngành tại Mỹ đạt 72 tỷ USD (tăng trưởng 0,9%), trong khi đó Trung Quốc đạt 29 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng 2,7% mỗi năm. Tổng doanh số toàn cầu ước đạt hơn 300 tỷ USD.
Quay lại thị trường Việt Nam, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (2018) người Việt có xu hướng chi tiêu ngày càng mạnh tay vào dịch vụ cưới hỏi. Tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), 70% người dân Việt Nam đã được đảm bảo về mặt kinh tế , trong đó có 13% thuộc tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới. Đến năm 2020, tầng lớp trung lưu Việt Nam dự báo sẽ cán mốc 33 triệu người. Trong số đó có nhiều người sẵn sàng bỏ ra lượng tiền tương xứng để có đám cưới “để đời”.
Đầu năm 2019, theo kết quả khảo sát thị trường tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Nha Trang, Phú Quốc cho thấy, tổng doanh thu về dịch vụ cưới tại những khu vực này đã lên đến 7 tỷ USD (theo Báo Đầu tư). Tuy nhiên, tính xác thực chưa được đảm bảo.
Ngược dòng thời gian, từ năm 2014, Hiệp hội các nhà tư vấn tổ chức tiệc cưới (ABC) tại Việt Nam đã tiến hành khảo sát về dịch vụ cưới tại 4 thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ. Theo kết quả khảo sát này, thì mỗi năm tại các địa phương trên cả nước có 2,6 triệu đám cưới. Giả thiết 20% trong số những cặp này tổ chức cưới bài bản, sẽ có 520.000 đám cưới/năm. Mỗi cặp làm đám cưới chi trung bình 80 triệu đồng, thì tổng mức chi đã lên đến 2 tỷ USD, phần còn lại (80%) sẽ góp thêm 3 tỷ USD. Như vậy, tổng doanh thu cho thị trường này ước hơn 5 tỷ USD.
Trong năm 2015, theo báo cáo độc lập của Marry.vn, mỗi năm có khoảng 300.000 đám cưới diễn ra tại Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ. Chi phí trung bình từ 150 – 300 triệu đồng/đám cưới.
TP.HCM – thị trường tiệc cưới và tổ chức sự kiện lớn nhất
Theo một số cuộc khảo sát, riêng TP.HCM, nếu như 2017 trở về trước, thị trường trung tâm yến tiệc – tiệc cưới khá phân tán với khoảng 170 trung tâm thì từ năm 2018 về sau, con số này tăng trưởng cả về quy mô và số lượng, được phân ra thành 3 nhóm lớn theo phân khúc.
Cụ thể, các nhà cung cấp dịch vụ có giá bàn tiệc thấp từ 2 đến 3 triệu đồng (khoảng 101 trung tâm); phân khúc trung bình giá từ 3 đến 5 triệu/bàn (khoảng 60 trung tâm) và phân khúc cao cấp xa xỉ trên 5 triệu đồng/bàn tiệc chiếm khoảng 23% thị trường với 36 trung tâm.
Theo thống kê, thị phần cho tổ chức Event, hội nghị tại TP.HCM đã đạt tới hơn 1.900 tỷ đồng, được trải đều cho các nhà hàng khách sạn cao cấp đến trung cấp; các trung tâm yến tiệc, hội nghị và con số này sẽ không ngừng tăng. Dịp cuối năm, bên cạnh các sự kiện lớn như hội thảo, hội nghị, trưng bày, triển lãm… thì các hình thức tổ chức liên hoan, gặp mặt, hội họp của các ban ngành đoàn thể cũng được dự báo tăng mạnh.
Dịp cuối năm, khu vực TP.HCM sẽ không chỉ là điểm tổ chức của các doanh nghiệp tại chỗ mà với quy mô, thương hiệu sẵn có, dự báo các trung tâm tổ chức hội nghị yến tiệc ở đây còn thu hút một lượng lớn khách hàng từ các tỉnh như: Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An… về Sài Gòn đặt tiệc dịp cuối năm và dự báo sẽ tăng từ 25% đến 35% so với lượng khách nội tại.
Trên thị trường, mỗi một thương hiệu lại có những cách tiếp cận và mở rộng riêng thế mạnh của mình. Quan sát những chia sẻ công khai của hai thương hiệu Trống Đồng tại Hà Nội và Adora tại Sài Gòn thì cả hai cùng có tốc độ phát triển nhanh giai đoạn 2014-2018, và cùng chia sẻ chung chiến lược:
• Phát triển số lượng địa điểm
• Hướng đến phân khúc cao cấp trong các dòng sản phẩm
Tại Hà Nội, dù thị trường tiệc cưới không sôi động như TPHCM nhưng một số thương hiệu tổ chức tiệc cưới cũng đã hướng đến việc phát triển chuỗi hệ thống và hướng tới phân khúc sản phẩm cao cấp. Trung tâm tiệc cưới “tầm trung” như Vạn Hoa bước đầu cũng nhấn mạnh vào tính cao cấp, tận dụng ưu thế tiên phong từ 2002 và tiềm lực về ẩm thực tổ chức, lợi thế sẵn có về số lượng trung tâm tiệc, qui mô phòng tiệc để tập trung vào kịch bản chương trình, gia tăng dịch vụ khách hàng, ra thiết kế phòng mới để đáp ứng tạo dấu ấn với khách hàng.
Những thách thức trước mắt và cơ hội dài hạn
Năm 2020 đã khởi đầu đầy trắc trở với tất các đơn vị tổ chức sự kiện, khi ngay sau Tết Âm Lịch, hầu như tất cả các tổ chức, doanh nghiệp đã chọn hủy bỏ lịch trình đặt trước do nguy cơ tiềm ẩn từ Covid-19.
Mặc dù các loại hình sự kiện gia đình như tiệc cưới vẫn được diễn ra nhưng mỗi đơn vị tổ chức lại phải thực hiện thêm các qui trình về phòng dịch. Bao gồm nhiều hình thức, như: đo kiểm nhiệt độ người tham dự, trang bị nước rửa tay khô, và các qui trình phòng tẩy độc sau sự kiện.
Tưởng như mọi chuyện sớm qua, cho tới ngày bệnh nhân số 17 xuất hiện. Vạn Hoa là thương hiệu đầu tiên thông báo ngừng tổ chức sự kiện vào sáng ngày 9/3, sau đó vài ngày là MIPEC, và cho đến ngày 1/4/2020 thì các hoạt động tổ chức cưới hỏi chính thức ngừng hẳn theo yêu cầu giãn cách xã hội.
Một năm đầy áp lực, khi số lượng người lao động đông đảo, mặt bằng diện tích lớn, đa số trên địa điểm tổ chức là đất thuê. Tuy nhiên, một rào cản truyền thống đối với biên doanh thu của các đơn vị tổ chức cưới hỏi là ngày xấu – ngày đẹp dường như được tháo gỡ. Nguồn cơn đến từ việc, trong gần hai tháng hạn chế tổ chức, nhiều cô dâu chú rể vẫn hoàn thành các thủ tục tâm linh. Lúc này, việc tổ chức tiệc chỉ còn mang tính thủ tục. Câu chuyện trống phòng nhưng xấu ngày hoàn toàn có thể được khắc phục, giúp doanh nghiệp tối đa hóa được nguồn thu.
Trong dài hạn, thị trường tổ chức tiệc chuyên nghiệp là một xu hướng kinh doanh mới. Minh chứng cho quan điểm này là số lượng các trung tâm tổ chức được mở ra ngày càng rộng khắp trên cả nước.
Các bài toán lớn nhất cần giải đó là qui mô phục vụ linh hoạt, giảm thiểu ngày trống. Tăng quản trị cũng như đào tạo về chất lượng phục vụ và chế biến. Đặc biệt, thúc đẩy chuyển đổi số để đạt hiệu quả cạnh tranh cao nhất đối với giá thành hàng nhập, bán hàng và Marketing.
Minh Vương – Nhịp sống kinh tế
Xem thêm: