Trong 3 phần đầu tiên, chúng tôi đã chia sẻ về nhiệm vụ của Backstage Crew khi làm việc với trang thiết bị kỹ thuật của nhà hát và ê kíp diễn viên. Còn trong phần 4 này, sẽ là những kinh nghiệm đối với các loại trang phục biểu diễn – một hạng mục khá phức tạp của ionah Show – Chương trình biểu diễn nghệ thuật công phu được thực hiện tại nhà hát Star Galaxy, Hà Nội.
Nội dung
Hành trình thiết kế gian nan
“Ionah show” là variety show – chương trình biểu diễn với nhiều loại hình nghệ thuật kết hợp đầu tiên tại Việt Nam. Với kỳ vọng làm nên một show diễn lấp lánh màu sắc và mang tính giải trí cao, đơn vị đầu tư – Nhà hát Star Galaxy đã rất kỹ tính trong khâu lựa chọn nhà thiết kế phục trang. Đây là yếu tố được rất ít nhà hát truyền thống chú trọng, bởi nếu từng đi xem những show diễn xiếc hay kịch thông thường khác, bạn sẽ thấy phục trang của các diễn viên hầu hết khá đơn giản và bị “đóng khung” trong những khuôn mẫu nhân vật quen thuộc từ nhiều năm về trước. Nhưng đến với ionah show, cảm giác quen thuộc đến nhàm chán đó sẽ biến mất hoàn toàn. Hơn 40 nhân vật là 40 dáng vẻ khác nhau, sống động, đầy cá tính. Làm được điều này, một phần lớn là nhờ vào những phục trang biểu diễn vô cùng công phu do NTK Nguyễn Công Trí thực hiện.
Trước đó, Star Galaxy đã từng cộng tác với một số NTK khác nhưng đều không ưng ý, cho đến khi tìm ra các thiết kế của Nguyễn Công Trí và toàn bộ ê kíp đã bị chinh phục vì phong cách có phần “dị”, bay bổng và hiện đại trong các thiết kế của anh.
Nói về trải nghiệm của mình tại ionah show, Công Trí từng chia sẻ: “Ionah” là show kết hợp giữa kịch, xiếc, múa, âm nhạc, nghệ thuật thị giác, kỹ xảo hình ảnh… nên yêu cầu về tạo hình nhân vật cũng như trang phục biểu diễn có sự khác biệt rất lớn. Làm show thời trang, người mẫu chỉ mặc trang phục để biểu diễn trong vài tiếng đồng hồ, vận động nhẹ nhàng. Trong show này, thiết kế trang phục phải đảm bảo làm sao để chất liệu có độ bền cao, giúp họ vận động và biểu diễn thoải mái nhất. Ngoài ra, mỗi nhân vật là một tạo hình và cá tính khác nhau, rồi chất liệu cũng cần đáp ứng được các hiệu ứng ánh sáng đặc biệt trong nhà hát…
Lần đầu tiên Công Trí và các bạn trợ lý mang trang phục ra Hà Nội, sau khi xem diễn thử trên sân khấu, Trí thấy không hài lòng nên đã quyết định bỏ đi đến hơn 80% số trang phục đã làm xong. Đấy là lần phải bỏ đi làm lại nhiều nhất trong quá trình làm công việc thiết kế của Trí.”
Backstage và các công việc hỗ trợ
– Hỗ trợ quá trình thiết kế
Đội ngũ của NTK Công Trí làm việc tại Sài Gòn, trong khi ê kíp diễn viên đều ở Hà Nội. Thời gian đầu, để hỗ trợ công việc thiết kế phục trang, mỗi lần team Công Trí ra Hà Nội, Backstage Crew sẽ đảm nhận công việc là cầu nối thông tin, cung cấp danh sách các diễn viên, vai diễn họ đảm nhận, các động tác và màn biểu diễn như thế nào, cần yêu cầu thế nào về chất liệu vải… Dựa trên những thông tin này, team Công Trí sẽ lấy số đo của từng diễn viên và lên ý tưởng thiết kế phục trang, tạo hình nhân vật.
Lần đầu tiên mang các thiết kế ra Hà Nội, dù phải bỏ đi tới 80% số bộ phục trang do chưa đáp ứng được về chất liệu, kiểu dáng hoặc màu sắc để hỗ trợ biểu diễn, nhưng đã có thể nhận thấy các thiết kế của Công Trí thực sự vô cùng công phu và khác biệt. Bộ nhân vật chim công, chú bướm hay sâu đo… đều có nhiều chi tiết được làm thủ công rất tỉ mỉ.
– Hỗ trợ bảo quản, sửa chữa phục trang
Sau khi trang phục biểu diễn hoàn tất, BackStage Crew có thêm một hạng mục nữa cần triển khai đó là phòng phục trang. Căn phòng này dùng để chứa và bảo quản các trang phục biểu diễn. Team Công Trí đưa ra các yêu cầu chi tiết về cách thức bảo quản trang phục, nhiệt độ, độ ẩm trong phòng… thế nào để bảo đảm độ bền, màu sắc và form dáng cho trang phục. Do đó, phòng phục trang đã được lắp đặt điều hòa và cả máy hút ẩm, cũng như được Backstage kiểm tra theo dõi nhiệt độ, độ ẩm thường xuyên.
Thêm một lưu ý nữa là ionah show biểu diễn hàng tuần, các diễn viên vận động rất mạnh trong 90 phút trên sân khấu nên sau mỗi buổi, trang phục đều ướt đẫm mồ hôi, dễ gây phai màu, hỏng vải,… Nhưng tất cả đồ diễn sẽ không được giặt ngay mà phải sau 2, 3 buổi mới có thể mang đi giặt khô đặc biệt. Do đó, bạn nhân viên phục trang ngoài việc sửa chữa, gia công trang phục hàng ngày thì còn đề xuất thêm cách thức bảo quản khác là sử dụng phấn rôm để giảm bớt hư hại do tác động của mồ hôi trên người diễn viên.
Quá trình sửa chữa phục trang được Backstage Crew đảm nhận với một số chi tiết khó trên những bộ cánh bướm, cánh chim công, bởi đây là những chi tiết bằng khung kim loại lớn nhưng có gắn với vải và các họa tiết trang trí khác. Vậy nên phải tìm hiểu để có cách hàn, kết nối các chi tiết mà không làm ảnh hưởng tới chất lượng trang phục.
– Hỗ trợ quản lý và giao nhận phục trang
Các thiết kế của Công Trí đều rất đắt tiền và không có sẵn để thay đổi thường xuyên. Do đó, cần phải có quy trình kiểm đếm, giao nhận phục trang trong mỗi buổi diễn để tránh mất mát và hỏng.
Thời gian đầu, khi show chưa ra mắt và các diễn viên cần nhiều thời gian để tập luyện, Backstage Crew hỗ trợ vận chuyển phục trang từ phòng Phục trang tới phòng Trang điểm hàng ngày để diễn viên thay đồ. Sau đó, khi vận hành show, có thêm nhiều hạng mục khác cần quản lý, BackStage Crew đã tạo ra quy trình ký nhận và bàn giao tới từng diễn viên. Điều này giúp các diễn viên có ý thức bảo quản đồ diễn hơn, cũng như Backstage chủ động trong việc thống kê và kiểm tra tình trạng đồ diễn hàng ngày.
Các công việc của BackStage Crew về phục trang trong ionah show không đòi hỏi nhiều kỹ năng chuyên môn như khi làm việc với hệ thống âm thanh ánh sáng và sân khấu. Thế nhưng, đây cũng là những trải nghiệm đặc biệt và đáng tự hào của team bởi không phải lúc nào ở Việt Nam cũng có những chương trình đủ lớn với hàng loạt những phục trang công phu, có giá trị lớn và yêu cầu cao về bảo quản như vậy.
Hình ảnh về những trang phục đặc biệt của “Ionah Show”.
Backstage News