Sau vài cái tên được nhắc đến như một nghệ sĩ thực thụ, như những ngôi sao trong làng múa – nhảy, thì nghề vũ công tại Việt Nam đa số là công việc của những con người thầm lặng dưới ánh đèn sân khấu rực rỡ , u hoài trong những nhạc điệu nhảy múa vui tươi… là tiếng lòng nặng nhọc hơn những bước nhảy rướm máu dưới chân mình. Đành rằng nghề nào cũng có những khó khăn, thử thách nhưng nghề vũ công ở Việt Nam đa số là một nghề mang nhiều “cay đắng”, rất ít người thành công với nghề và đa số ở vai trò biên đạo, đạo diễn, quản lý, nhà tổ chức… Nên Số đông của 90% còn lại là những con người làm nghề nhảy múa đúng nghĩa để kiếm tiền bằng chính mồ hôi, công sức và có khi “tận hiến” như một nghệ sĩ thực thụ nhưng cái họ nhận lại đa số là những bẽ bàng…
Tại sao cùng đứng cạnh ánh hào quang, lung linh cùng dưới ánh đèn sân khấu, lộng lẫy trong những trang phục cầu kỳ, nhưng dường như chẳng mấy ai quan tâm đến họ là ai, đến từ đâu, tên gì… Cho đến khi họ bị té ngã, đời tư biến cố, hoặc chỉ đơn giản là nhảy múa sai nhịp… thì khán giả/xã hội lại có cái nhìn “không mấy công tâm” để phán xét về phận nghề long đong này?
Xin tâm tư chút tiếng lòng bằng “13 NỖI BUỒN” của họ, vì bản thân người viết từng quan sát, chia sẻ với những vũ công sau mỗi buổi chụp hậu trường của show diễn, thu nhặt những câu chuyện mà ở đó có cả những đứa học trò cũ vì quá mê nghề mà đeo luôn dù có cả tấm bằng cao đẳng, đại học hẳn hoi:
Nội dung
1. HÌNH THỂ – SỨC KHOẺ:
Để có một tác phẩm biểu diễn trên sân khấu chỉ vài phút họ mất cả vài tháng để tập luyện. Hình thể, sức khoẻ… là những vấn đề họ phải đánh đổi, khắt khe từ cuộc sống để có được, như ăn uống tập luyện khắc nghiệt, vì chỉ cần trông quá béo hoặc quá ôm yếu cũng không thể đeo đuổi với nghề, luôn bị mặc cảm tự ái…
2. THUỐC GIẢM ĐAU
Phải tập làm quen với những loại thuốc giảm đau, uống thoa xoa bóp, bởi những bài tập, động tác ảnh hưởng đến xương khớp, da thịt của cơ thể một cách trực tiếp nhất, có nhiều đêm “cơ thể nhức mỏi như trải qua một trận đòn nhừ tử” -> là lời chia sẻ quen thuộc của các vũ công.
3 . CHẤN THƯƠNG
Chuyện chấn thương, tai nạn trong nghề nghiệp của vũ công là thường tình, có bạn rơi té bất tỉnh, có bạn gãy tay, tật nguyền, may lắm thì còn theo được với nghề, có những trường hợp phải giã từ đam mê, giã từ sàn múa vì những chấn thương nghiêm trọng buộc phải gói lại những ước mơ của một vũ công yêu nghề.
4. THU NHẬP THẤP
Không nói đến những vũ công tên tuổi (một con số quá ít với chục hàng ngàn vũ công Việt). Chi phí một show trong những chuyến lưu diễn xa của vũ công đôi khi tiêu xài lạm tiền cho những khoảng chi trả cá nhân là thường xuyên, có những khi cát-xê không đủ mua thêm cây son, hủ phấn, cây chì để tô vẽ trang điểm cho nghề của mình.
5. NGUY HIỂM
Trên sân khấu vũ, sàn tập vũ công luôn có những nguy hiểm rình rập. Nguy cơ về những tai hoạ, tai nạn luôn dễ xảy ra: họ thường bị pháo hoa “đốt cháy”, khói lạnh bỏng người, té sân khấu, lọt sàn… là những tình huống diễn ra như “cơm bữa”.
6. NGHỀ CHƯA ĐƯỢC XEM TRỌNG & TÌNH DUYÊN THÌ LẬN ĐẬN:
Thực tế mà nói, định kiến xã hội đa phần vẫn không có cái nhìn tôn trọng dành cho công việc này. Có bạn chia sẻ trong ấm uất về việc khi quen người yêu đến giai đoạn dẫn về nhà ra mắt, khi biết làm nghề vũ công “Gia đình người ta cười mỉa mai, kiểu cái nghề này lông bông, nay đây mai đó, đa phần thất học mới chọn nghề này” – “Yêu nhau lắm nhưng vẫn phải chia tay, xót xa nghề của mình nhưng vì nghiệp vì đam mê mà chọn mà đi đến cùng dù cô độc”.
7. DỄ BỊ LẦM TƯỞNG & CÁM DỖ:
“Do tính chất nghề nghiệp, đi sớm về khuya, ăn mặc khác người giữa đời thường, có những lúc vì chạy show mặc luôn những bộ trang phục lấp lánh, trang điểm đậm như trên sân khấu thì có kẻ chạy theo hỏi em “làm gái” à? Giá nhiêu? Mình hoảng hồn rồ ga chạy nhanh đi, mà khoé mắt bổng chợt cay xé lưng tròng” – Chia sẻ rất chua cay của một vũ công nữ. Chưa kể bên cạnh họ có nhiều cám dỗ mà không phải ai cũng đủ mạnh mẽ vượt qua!
8. TỪ SÂN KHẤU TẦM VÓC ĐẾN DIỄN SHOW CƯỚI, HỘI CHỢ:
Không thể từ chối khi thu nhập từ nghề vũ công quá thấp, việc diễn thêm những show cưới, tiệc tùng, hội chợ… cũng là một cách kiếm thêm thu nhập mà còn được liên quan đến nghề múa, nên đôi khi “mua vui” cho khán giả trong giới hạn cho phép của nghề cũng khiến vũ công đành chấp nhận.
9. NGHỀ ĐỨNG SAU MỌI NGHỀ NGHỆ THUẬT BIỂU DIỄN?
Nhìn lại, dù có tài giỏi thế nào, khi biểu diễn chung một ca sĩ khán giả vẫn luôn có tư duy vũ công chỉ là người “phụ hoạ”. Đa số người Việt bỏ tiền, bỏ thời gian ra mua lời ca tiếng hát của ca sĩ, tiếng cười của diễn viên hài, nhưng chưa có thói quen bỏ tiền để xem múa… có bao nhiêu show diễn nghệ thuật múa được duy trì? phục vụ khán giả Việt? Đếm trên đầu ngón tay… Nên nghề của họ phải sống dưới dạng “tầm gửi”. Phía sau sân khấu, sau cánh màn nhung họ không lộng lẫy như chúng ta nghĩ.
10. KHÔNG ĐƯỢC QUẢN LÝ, ĐÀO TẠO, BẢO VỆ QUYỀN LỢI CHUYÊN NGHIỆP:
Chưa có nhiều công ty hay mô hình quản lý chuyên nghiệp đứng ra đào tạo, quản lý, bảo vệ quyền lợi hay làm việc một cách chuyên nghiệp dành cho nghề vũ công,có thì rất hiếm hoặc là rất “nghiệp dư”. Nên đôi khi chính họ có những cạnh tranh không lành mạnh hoặc mang tiếng với chính nghề của mình.
11. CƠ HỘI NGÀY CÀNG KHÉP LẠI VỚI NGHỀ:
Cánh cửa cơ hội về những nấc thang nâng bước chân người vũ công ở Việt Nam lên những thiên đường sáng tạo bay bổng cao hơn dường như ngày càng bị khép chật lại, còn đâu những chương trình thực tế, cuộc thi về nhảy múa sôi nổi như những năm trước đây? Có bao nhiêu nơi tổ chức show diễn múa định kỳ? Họ lại lặng lẽ tự luồn lách qua những cánh cửa khác ở xa hơn, chật hẹp hơn, tự mần mò tìm kiếm cơ hội cho những ước mơ với biết bao thử thách gian nan… đôi khi là mù mịt.
12. TỰ CHỊU TRÁCH NHIỆM LÀM ĐẸP hay GẶP SỰ CỐ:
Họ phải tự trang điểm, chuẩn bị giày múa, quần áo bên trong… xấu đẹp là vũ công tự làm, chả ai sẽ make up làm tóc cho họ, đôi khi họ phải tự thay cả quần áo trước mặt đồng nghiệp khác giới! Nếu có những sự cố té ngã, nhảy sai là tự trách nhiệm, tự nhận lấy ê chề mà không thể đỗ lỗi hay giải thích!
13. TUỔI NGHỀ NGẮN:
Khắt nghiệt về tuổi nghề như người mẫu, nhưng danh phận của vũ công thật sự quá chua chát để đặt để trong thang bậc của công việc hoạt động nghệ thuật. Một công việc không chỉ đòi hỏi sắc mà còn cả chuyên môn và sức khoẻ!
Nên “đam mê” là 2 từ quá dư thừa để nói đến những người vũ công khi đã chọn lựa công việc này vận vào số phận mình. Tuy nhiên nghề nào cũng vậy khi càng thử thách, ngọn lửa đam mê càng bùng cháy, ở đó nghịch cảnh đã tạo nên tinh thần bất diệt. Người ta nói “hãy để 50 vũ công gặp nhau sáng tạo” họ sẽ làm nên những điều tuyệt diệu. Tinh thần tập thể, sự kết nối thông qua ngôn ngữ hình thể khi được biểu diễn, người vũ công luôn luôn tận dụng từng phút giây để cháy hết mình như cách mà họ giải tỏa thay cho những nốt lặng trầm mà họ mang nặng từ nhiều ngày tháng đồng hành với nghề mà không thể chia sẻ với bất cứ ai, vì không phải ai cũng lắng nghe tiếng lòng của một người làm nghề “vũ công” một cách sâu sắc và trọn vẹn cả!
Về tác giả:
Kiếng cận được nhiều chuyên gia đánh giá là người chụp ảnh runway đẹp nhất hiện nay. Cái tên Kiếng Cận luôn xuất hiện cùng những dự án hình ảnh của các nhà thiết kế thời trang hàng đầu. Không chỉ nổi bật trong thể loại ảnh thời trang và runway, Kiếng Cận cũng là người có nhiều dự án trong những lĩnh vực như ảnh cưới, phim ngắn, du lịch trải nghiệm và chân dung người nổi tiếng…
Tác giả: NAG. Kiếng Cận
Hình ảnh hậu trường: KIENGCANteam