"Dự án này rất lớn về con số nhưng giá trị thực sự không nằm ở đó. Chúng ta cần tạo ra những sản phẩm giải trí của người Việt cho du khách toàn cầu. Trước đây, những dự án với mức đầu tư tương tự chắc chắn sẽ thuộc về nhà sản xuất nước ngoài. Vì vậy, tôi cảm thấy phải có trách nhiệm với trọng trách này" - đạo diễn Việt Tú chia sẻ.
Đầu năm 2020, bản đồ giải trí của Việt Nam lần đầu ghi nhận sự xuất hiện của show diễn thực cảnh đa phương tiện mang tên TATA SHOW. Điều đáng nói, siêu phẩm giải trí đạt đẳng cấp thế giới này là sáng tạo hoàn toàn “made in Vietnam”.
Được xây dựng bởi “phù thuỷ sân khấu” Việt Tú, người tiên phong trong việc xây dựng các dự án thực cảnh tại Việt Nam, Tatashow khiến khán giả phải ồ lên kinh ngạc. Vở diễn kết hợp công nghệ 3D mapping, trình diễn ánh sáng, khói lửa và đặc biệt phần biểu diễn của 150 diễn viên trong nước và quốc tế. Tất cả đã tạo ra màn trình diễn hoành tráng và mãn nhãn cho người xem.
10 triệu USD, tương đương với 230 tỷ đồng là con số rất lớn mà VinWonders đầu tư cho Tatashow. Nhưng 3 tháng lại là khoảng thời gian không tưởng để những người thực hiện cho ra mắt phiên bản đầu tiên. Hiện, show diễn đã hoàn thành phiên bản hoàn chỉnh và được kỳ vọng sẽ luôn ở vị trí rất cao trên thị trường sản phẩm du lịch & giải trí.
– Tata Show, vở diễn thực cảnh đa phương tiện đầu tiên tại Việt Nam vừa ra mắt phiên bản hoàn chỉnh. Cảm xúc của “cha đẻ” lúc này thế nào?
– Cảm xúc lớn nhất của tôi là “À, cuối cùng thì mình đã mở ra được con đường rồi”. Thành công của Tata Show không phải chỉ cho riêng công ty Dream Studio (DS) mà cho cả thị trường nội dung giải trí tại Việt Nam. Phải biết rằng, từ trước tới nay, với những dự án tương tự chưa có nhà sản xuất nội địa nào được lựa chọn. Các chủ đầu tư đều mời các nhà sản xuất nội dung ở nước ngoài.
Thời điểm này năm ngoái, khi tôi quyết định dấn thân với dự án này, ở VinWonders Phú Quốc cũng có một vở diễn giải trí được giao cho nhà thầu nội dung đẳng cấp thế giới là Quantum (Mỹ). Bản thân Dream Studio đứng trước trước một sự lựa chọn mạo hiểm. Tôi ý thức được rằng, họ đương nhiên có thương hiệu hơn, có nhiều điều kiện hơn và còn thuận lợi về thời gian triển khai. Tất cả biến dự án này trở thành một thách thức lớn.
– Chủ đầu tư có hài lòng với siêu phẩm của các anh không?
– Tata Show được chủ đầu tư xem không chỉ 1 mà tới 2 lần, đó là một tiền lệ đặc biệt dành cho một sản phẩm giải trí được đầu tư bởi tập đoàn. Bản thân yêu cầu của chủ đầu tư rất cao. Họ nói với tôi rằng họ muốn Tata Show sẽ luôn ở vị trí rất cao trong thế giới giải trí, có thể không phải ngần ngại khi đặt cạnh cái tên của những ông lớn như Disney Land hay Universal.
Với một sự đầu tư và kỳ vọng lớn như vậy, khi sản phẩm được đưa vào phục vụ du khách và quảng bá rộng rãi, tôi cho rằng đó đã là câu trả lời.
– Điều gì đã giúp cá nhân anh và công ty Dream Studio nhận được sự tin tưởng của chủ đầu tư cho dự án lớn này?
– Tôi cho rằng chủ đầu tư có một quan điểm rất đáng quý: Họ muốn tạo ra mọi sản phẩm từ bàn tay của người Việt. Tata Show không phải ngoại lệ. Điều đáng nói ở đây là rõ ràng với con số đầu tư như vậy, nếu trao cho một nhà thầu quốc tế thì sẽ an toàn hơn, nhưng họ đã làm điều ngược lại. Đó là lý do tại sao tôi nói rằng khi hoàn thành Tata Show, chúng ta đã mở ra một thị trường cho nhà sản xuất nội dung Việt.
Mọi thứ trở nên ý nghĩa hơn nữa khi Tata Show hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 10 năm của Dream Studio và 20 năm của cá nhân tôi trên thị trường. Nó đánh dấu không chỉ một chu kỳ, mà là một cột mốc lớn vào đúng thời điểm.
– Nhà thầu nội địa như DS chia sẻ khó khăn thế nào với chủ đầu tư trong giai đoạn này?
– Một sản phẩm được đầu tư lớn như Tata Show ra mắt được vào thời điểm này không chỉ đơn thuần là một nỗ lực mà còn chứng tỏ nội lực và cam kết của chủ đầu tư với thị trường.
Ngay cả trong thời điểm khó khăn nhất, chủ đầu tư cũng chưa bao giờ cắt giảm bất kỳ chi phí nào đã duyệt cho dự án. Ở phía ngược lại, thay vì bàn giao chỉ sau 4 – 6 tháng như đã định, Tata Show phát sinh thời gian qua hai đợt dịch kéo dài. Nếu làm với nhà thầu nước ngoài thì cứ giấy trắng mực đen, không phải chia sẻ với ai cả, phát sinh thời gian thì tính phí. Nhưng chúng tôi thì không. Tôi nghĩ chủ đầu tư hiểu và trân trọng những nỗ lực của chúng tôi.
Hiện giờ, so với mặt bằng thị trường, đặc biệt là các công ty tổ chức sự kiện và các cá nhân làm nghề, tôi thấy chúng tôi đang có sự may mắn rất đặc biệt. Tôi biết ơn vì điều đó và cảm thấy mình cần có trách nhiệm trong bối cảnh chung của toàn xã hội.
– Con số 10 triệu đô, tương đương với 230 tỷ đồng, được đầu tư cho một show diễn thực cảnh đa phương tiện như Tata Show, theo anh là ít hay nhiều?
– Để đánh giá điều này phải nói tới nhiều yếu tố. Nhưng chắc chắn đây là một con số lớn, rất lớn, đặc biệt ở thị trường Việt Nam, đặc biệt hơn nữa lại trong bối cảnh đại dịch.
Điều tôi lo nhất là có thể sẽ mất đi cơ hội. Lúc đó nếu chủ đầu tư quyết định thu nhỏ quy mô hoặc tạm dừng dự án thì mình cũng phải vui vẻ chấp nhận, phải chia sẻ rủi ro này.
– Anh đã thuyết phục chủ đầu tư thế nào để có số vốn lớn như vậy tại thị trường nội địa?
– Nhiều người hỏi tôi về quan điểm về đầu tư nghệ thuật. Tôi cho rằng nghệ thuật đầu tiên là phải gây dựng được lòng tin với chủ đầu tư. Nếu mình làm thành công, chủ đầu tư sẽ có niềm tin lớn hơn và đầu tư cho mình mạnh tay hơn trong những sản phẩm kế tiếp. Người làm nghệ thuật cần có trách nhiệm với sản phẩm của mình và phải đồng hành với chủ đầu tư.
Tôi rất sợ những khái niệm “tôi không quan tâm tới khán giả, tới chủ đầu tư, tôi chỉ biết làm nghệ thuật”. Vì bản chất, nghệ thuật không thể tách rời khỏi đám đông và phải có tính lan tỏa. Nghề của mình là làm nghệ thuật, nghề của chủ đầu tư là làm thương mại. Hai thứ muốn gặp nhau thì cần có được tầm nhìn chung, đó là những sản phẩm tử tế.
– Con số đầu tư khủng đó được anh phân bổ như thế nào?
– Những thiết bị như máy chiếu, âm thanh, ánh sáng, đạo cụ… là những khoản lớn nhất. Tiếp đến là diễn viên. Chủ đầu tư phải trả lương cho một số lượng lớn diễn viên, trong đó có 193 người ở giai đoạn đầu (cả dự phòng), và ở giai đoạn hoàn thiện là 150 người. Chỉ tiền tiền lương tháng cho việc tập luyện cũng đã rất lớn. Đấy là những khoản tiền đã được phân bổ.
Nếu hoạt động tiếp thì còn tốn chi phí nhiều hơn.
– Còn số tiền anh và công ty Dream Studio của mình thu về được sau những ngày “đánh cược một mẻ lớn” thì sao?
– Tôi xin phép không bàn luận về con số cụ thể. Tôi nghĩ, cần đánh giá một tác phẩm nghệ thuật dựa trên yếu tố sản phẩm đó tác động gì cho xã hội, còn chủ đầu tư được lợi gì từ nó sau những cống hiến của mình cho cộng đồng. Tôi cho đó mới giá trị mà mình kiếm được. Vì nhờ đó mà mình kiếm được những việc khác, không chỉ với chủ đầu tư này mà còn với chủ đầu tư khác nữa.
20 năm nay, tôi đã sáng tạo theo tiêu chí đó. Lợi nhuận nhiều thì rất quý. Nhưng sản phẩm sau khi mình làm xong mà chủ đầu tư không thành công thì đồng tiền đó chỉ mang tính ngắn hạn thôi. Tôi là người hướng đến những thứ dài hạn và thực tế.
Và quả ngọt đã có ngay. Sắp tới, chúng tôi được giao một dự án rất lớn ở Phú Quốc, không chỉ là Tinh hoa Việt Nam mà còn là quy hoạch nội dung của một khu vực lớn. Đó chính là con đường mà tôi theo đuổi, là giá trị mà Tata Show đã mang lại, không chỉ riêng tôi mà cho các nhà sản xuất nội dung khác nữa.
– Khi nhận được đầu bài từ chủ đầu tư, anh triển khai kế hoạch thế nào?
– Vai trò của tôi trong những năm gần đây đã vượt ra khỏi giai đoạn chuyên môn, thay vào đó, tôi sẽ giữ vai trò Master Concept. Có nghĩa tôi sẽ là người đặt ra ý tưởng, định hướng, thiết lập hệ thống, sau đó kết nối vào để họ vận hành làm sao cho concept của tôi trở thành hiện thực.
Ở Việt Nam, đây là một khái niệm mới. Từ trước tới nay, chúng ta vẫn luôn quan niệm rằng đạo diễn lúc nào cũng phải có mặt ở hiện trường. Tôi cho rằng đó là một cách làm cổ điển, như vậy thì làm sao tư duy hệ thống được.
Có những lúc tôi nhận được những câu hỏi không liên quan đến nghệ thuật như định biên diễn viên là bao nhiêu, định biên nhân sự vận hành là bao nhiêu, sơ đồ vận hành theo cách nào. Những điều này hoàn toàn khác với những gì về nghệ thuật mà tôi học trước đây.
May mắn là tôi chọn học về Quản trị nghệ thuật tại Mỹ, qua đó hiểu được làm sao để kết hợp song song giữa nghệ thuật và kinh doanh, làm sao để điều hành một bộ máy lớn. Điều này tạo ra khác biệt lớn giữa Dream Studio và các công ty khác trên thị trường.
– Nhờ cách làm đó mà anh tạo nên một siêu phẩm trong thời gian không tưởng là 3 tháng phải không?
– 3 tháng là từ lúc không có gì đến lúc dự án ra mắt phiên bản 1. Đó là con số chính xác. Nhiều người hỏi tôi tại sao lại liều nhận dự án lớn như vậy. Thực ra tôi không liều. Bản thân ê-kíp có nói với tôi rằng nếu tôi yêu cầu đưa ra phiên bản hoàn thiện trong vòng 3 tháng thì không thể làm được.
Sau đó, tôi bảo họ giải pháp thực tế sẽ chia thành các giai đoạn nhưng phải chia sao để chủ đầu tư cảm thấy hợp lý, có đầy đủ mọi thứ họ muốn, thậm chí là hơn cả yêu cầu. Nếu mình ra mắt phiên bản hoàn thiện vào 3 tháng thì đến 6 tháng, 9 tháng hay 1 năm, lại cần phải có phiên bản mới. Như vậy sẽ tốn tiền hơn. Thay vào đó, chúng tôi ra mắt từng thứ theo lộ trình, các cập nhật đều nằm trong kinh phí được duyệt, nhờ đó chủ đầu tư thì tiết kiệm hơn, nhưng giá trị khán giả nhận được lại lớn hơn.
Hơn thế, trong suốt thời gian đó, chúng tôi được sống cùng vở diễn. Khán giả xem hàng ngày nên chúng tôi có cơ hội nghiên cứu thêm. Ý kiến của khán giả là những trải nghiệm rất giá trị giúp chúng tôi hoàn thiện Tata Show đến bây giờ.
– Ý tưởng về câu chuyện nàng công chúa Tata và những người bạn với sân khấu đặc biệt là toà lâu đài nằm giữa quảng trường Thần Thoại đến từ đâu?
– Một trong những nguyên tắc của thực cảnh là cố gắng dựa vào những gì đã có sẵn. Tôi nhìn quy hoạch của chủ đầu tư, kể cả những thứ hiện hữu và những thứ trong quá trình xây dựng, từ đó xây lên nội dung. Phải dựa vào những thứ chủ đầu tư có để tối ưu hóa nhiều cái khác, Tata Show cũng vậy.
Sẽ không có Tata Show ở Quảng trường Thần Thoại nếu Vin Wonders Nha Trang không mang màu sắc châu Âu. May mắn là vào năm 2017, tôi đã cùng VTV6 chọn địa điểm này để làm Liên hoan thiếu nhi quốc tế. Vì vậy khi nhận đầu bài từ chủ đầu tư, bản thân tôi thấy như mọi thứ như đã được sắp đặt từ trước đó.
– Yếu tố 3D Mapping khiến nhiều người choáng ngợp khi xem. Nhưng việc chiếu tia laser trên mặt phẳng có thể bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố, khiến cho hình ảnh không được sống động. Anh và ê-kíp đã giải quyết vấn đề đó như thế nào?
– Thực ra đó không chỉ là vấn đề ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới, vì thế, có rất ít những chương trình biểu diễn giống như Tata Show.
Trình diễn thực cảnh đa phương tiện kết hợp giữa ánh sáng, 3D mapping và đám đông trình diễn như Tata Show là một hình thức rất ít nơi làm, do nó thách thức về kỹ thuật, hệ thống chiếu hình rất kỵ ánh sáng. Ngay cả Disney Land cũng chỉ chiếu 3D Mapping. Nhưng với các giải pháp công nghệ mới nhất được chủ đầu tư quyết định chọn lựa, các vấn đề hóc búa nhất về độ sáng của hình ảnh đã được giải quyết.
Chính vì vậy Tata Show là một sản phẩm rất khác không chỉ với thị trường nội địa mà ngay cả với các du khách quốc tế.
Tôi cũng cảm thấy rất may mắn khi phần 3D Mapping cũng chọn người Việt Nam làm. Đó là một trong những quyết định đúng đắn nhất vì nó là phần hồn của vở diễn này. Họ làm rất chăm chỉ, chịu khó học hỏi và rất cầu thị. Chỉ trong vòng 6 tháng, họ cho ra hàng chục phiên bản và không ngừng thử thách chính bản thân.
– Bản quyền của Tata Show được giải quyết như thế nào?
– Chủ đầu tư nhìn nhận vấn đề đó rất văn minh nên ngay từ đầu đã có những thỏa thuận rất rõ ràng. Họ đi đăng ký bản quyền và thực hiện mọi việc theo đúng quy định. Việc này tạo ra một thị trường văn minh về nghệ thuật ở Việt Nam không chỉ cho riêng tôi, mà cho các nghệ sĩ khác nữa.
– Việc một người xem một show diễn lần 1, lần 2 nhưng đến lần 3 thì họ không xem nữa có phải là thách thức đối với một người đạo diễn như anh không?
– Tôi nghĩ rằng đó không chỉ là thách thức với tôi mà là đối với bất cứ sản phẩm giải trí nào. Có một công thức tính chung với các sản phẩm, đầu tiên là phải tính đến luồng khách. Sau một vòng đời khoảng 2 – 3 năm, phần nội dung cần được làm mới theo tỉ lệ 20 – 30%.
Với riêng Tata Show, có những gia đình nói với tôi rằng họ ở trong khu VinWonders 1 tuần, đã đi xem đến 2-3 lần và vẫn thích xem lại. Điều đó cho thấy tác phẩm đã nắm đúng đối tượng mục tiêu và cách làm của mình đang đi đúng hướng.
– Ở Nha Trang còn nhiều hơn ở nhà để hoàn thiện Tata Show. Giờ anh lại tiếp tục hối hả với dự án với ở Grand World Phú Quốc. Làm việc liên tục như vậy, anh tái tạo sức lao động và sự sáng tạo của bản thân thế nào?
– Tôi luôn nghĩ rằng, hôm nay mình làm được một thứ lớn lao hay mới mẻ và mình nghĩ đã là tốt nhất rồi, nhưng ngày mai lại có người từ đâu tới làm ra một thứ to lớn hơn. Nên lúc nào mình cũng phải tỉnh táo và đủ khiêm tốn để hiểu rằng những việc mình làm được, vị trí mình đạt được chỉ là tạm thời thôi.
Người cần phải cố gắng, nỗ lực nhiều nhất chính là mình, nỗ lực so với thị trường xung quanh và so với những nhân tố chưa xuất hiện. Cách duy nhất để duy trì sáng tạo, là lúc nào cũng phải ở trong trạng thái tươi mới để có thể tận hưởng thế giới này.
Câu hỏi thường trực của tôi mỗi sáng thức dậy, hay mỗi khi gặp thách thức “chẳng phải mình muốn điều đó hay sao, chẳng phải ngày nào mình cũng ước mơ được làm việc mình yêu thích lâu nhất có thể hay sao”. Và thế là tôi lại có động lực để tiếp tục, không ngừng.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.
Nguồn: Cafef