Sân vận động Mỹ Đình lần đầu áp dụng công nghệ quảng cáo ảo tại Việt Nam.
Với cùng một khung hình, trong một trận đấu nhưng các tấm biển quảng cáo trên sân lại hiển thị những thông điệp, hình ảnh khác nhau hoàn toàn tùy thuộc vào vị trí địa lý của khán giả truyền hình đang theo dõi. Đây chính ứng dụng của công nghệ quảng cáo ảo hay Virtual Advertising.
Sân vận động Mỹ Đình trong trận đấu giữa Việt Nam và Australia tối 7/9 là sân bóng đầu tiên tại Việt Nam được áp dụng công nghệ quảng cáo này. Công nghệ được AFC, đơn vị vận hành vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á áp dụng có tên VGM- Visual Goal Mass.
“Điều khiến VGM khác biệt là chúng tôi có thể cung cấp 4 vùng phát sóng khác nhau. Trong trận bóng tối nay, chúng ta có nguồn phát tại Việt Nam và thêm các quảng cáo được đặt trước từ Trung Quốc và Nhật Bản. Mỗi một phát sóng sẽ có những quảng cáo trên bảng LED khác nhau cho từng quốc gia”, ông Douglas Donel Branch, Giám đốc vận hành VGM phát ngôn vào đầu tháng 9.
Tất cả trận đấu trong vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á đều được áp dụng công nghệ quảng cáo ảo. Đó là lý do tại sao người xem Việt Nam có thể thấy quảng cáo của những thương hiệu trong nước ở trận đấu giữa Arabia Saudi và Việt Nam hôm 3/9.
“Công nghệ biển quảng cáo ảo lần đầu được áp dụng tại nước ta trong trận đấu tối nay có sự phối hợp lắp đặt giữa Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và AFC”, ông Lê Hoài Anh, Tổng thư ký VFF trả lờiZing.
“Có một số khó khăn trong lần đầu công nghệ này được lắp đặt ở sân vận động Mỹ Đình. Một trong số đó là góc máy hẹp do camera đặt gần mặt sân và phần đường pitch khá rộng. Do đó, chúng tôi cần điều chỉnh góc máy để thu được hình ảnh toàn cảnh”, ông Douglas Donel Branch cho hay.
Quảng cáo ảo xuất xuất hiện từ năm 2015, khi các giải đấu lớn được phát sóng toàn cầu và thu hút được lượng người xem khổng lồ. Để tối đa lợi nhuận, công nghệ Virtual Advertising được phát triển nhằm hỗ trợ các thương hiệu hướng quảng cáo đến chính xác khu vực khách hàng của mình. Ngoài ra, công nghệ này còn giúp ban tổ chức giải đấu bán được nhiều quảng cáo hơn chỉ trong một trận đấu.
Để có thể hiển thị được nhiều nội dung đồng thời, tín hiệu sẽ được truyền từ bảng quảng cáo tới các đầu nhận tín hiệu đặt trên sân, trình chiếu các nội dung khác nhau trên truyền hình.
Đây là một ứng dụng của kỹ thuật nhân nội dung động (Dynamic Content Multiplication). Những biển quảng cáo trên sân là màn hình LED điện tử, cho phép truyền đi nhiều luồng tín hiệu nội dung. Thông qua một con chip, các bảng điện tử ghi nhận nhiều tín hiệu phát sóng một lúc, rồi đồng bộ các tín hiệu này với các camera đặt quanh sân đấu.
Nguồn Zingnews