Khủng hoảng truyền thông là điều không thể tránh khỏi đối với người nổi tiếng, nhưng cách xử lý khủng hoảng sẽ quyết định mức độ ảnh hưởng đến sự nghiệp và hình ảnh cá nhân.
Trong bối cảnh truyền thông số hóa hiện đại, thông tin được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội, người nổi tiếng rất có thể dễ dàng gặp phải khủng hoảng truyền thông. Điều này đặc biệt đúng khi khán giả hiện đang ngày càng trở nên thông minh, khắt khe.
Bên cạnh những sản phẩm nghệ thuật, khán giả cũng rất chú trọng về hình tượng, đạo đức, hành vi của những người nổi tiếng có sức ảnh hưởng. Một phát ngôn, cử chỉ thiếu cân nhắc có thể nhanh chóng thổi bùng làn sóng chỉ trích từ công chúng. Đương nhiên, nếu không được xử lý kịp thời, khủng hoảng này có thể phá vỡ hình ảnh, thương hiệu hay thậm chí là sự nghiệp của chính nghệ sĩ đó.
Trường hợp của rapper Negav gần đây là minh chứng điển hình cho việc phát ngôn sai lầm có thể dẫn đến khủng hoảng truyền thông lớn, kéo theo những hậu quả nghiêm trọng như: khán giả chỉ trích, nhãn hàng “quay lưng”, quá khứ bị “đào” lại, đồng đội bị “vạ lây”;…
Nội dung
Chuỗi khủng hoảng chỉ đến từ một câu nói
Ngày 28/9, nam rapper trẻ Negav đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích dữ dội khi phát ngôn thiếu cân nhắc về việc bỏ học trong concert “Anh Trai Say Hi”. Phát ngôn này nhanh chóng bị cộng đồng mạng lan truyền, và ngay lập tức nhận về “gạch đá” từ công chúng, đặc biệt là các bậc phụ huynh và những người bảo vệ giá trị giáo dục. Chỉ trong vòng vài giờ, làn sóng chỉ trích đã leo thang. Dù nam rapper sinh năm 2001 đã xin lỗi tới 4 lần chỉ trong 2 ngày, phản ứng của công chúng vẫn không hề giảm nhiệt.
Chuỗi khủng hoảng truyền thông kéo dài liên tục trong nhiều ngày qua của Negav không chỉ nằm ở phát ngôn sai lầm, mà còn ở cách Negav và đội ngũ của anh xử lý khủng hoảng không đủ hiệu quả. Việc liên tục xin lỗi nhưng thiếu sự nhất quán và thiếu kế hoạch cụ thể đã khiến tình hình trở nên phức tạp hơn.
Chỉ từ tranh cãi về phát ngôn “Mẹ thấy đúng khi cho con nghỉ học chưa”, Negav vốn không yên ổn đã tiếp tục “phốt chồng phốt” khi bị “đào” lại quá khứ với loạt phát ngôn tục tĩu, ‘sex joke’, thể hiện sự quấy rối công khai với nhiều người nổi tiếng không trừ nam hay nữ. Thậm chí, group “Hội khăn giấy ướt” hơn 3.300 thành viên có nội dung 18+, bàn bạc về vấn đề giới tính mà Negav làm quản trị viên cũng nhanh chóng được phát hiện. Loạt ứng xử thiếu văn minh của anh tại đây tiếp tục đẩy khủng hoảng ngày càng xa hơn.
Kéo theo đó là những hệ lụy nghiêm trọng. Negav không chỉ nhận về sự chỉ trích từ khán giả, mà các thương hiệu cũng bắt đầu có động thái cứng rắn khi xóa bỏ hình ảnh của Negav khỏi các chiến dịch quảng bá hay chương trình âm nhạc.
Ngoài ra, nhiều sao Việt khác cũng bị “liên lụy” khi bị phát hiện có liên quan đến nhóm “Hội khăn giấy ướt”. Khủng hoảng này đã tác động không chỉ đến cá nhân Negav mà còn đến những người thân, bạn bè xung quanh nam nghệ sĩ, tạo ra hiệu ứng “domino” trong giới giải trí.
Từ khủng hoảng truyền thông mà nam rapper Negav đang gặp phải, một bài học lớn về việc xử lý khủng hoảng truyền thông và bảo vệ thương hiệu cá nhân cho người nổi tiếng nhanh chóng được nhìn nhận.
Vậy nghệ sĩ, người nổi tiếng, Influencer,…cần làm gì để bảo vệ thương hiệu cá nhân của mình khi đối diện với khủng hoảng truyền thông?
Những lưu ý quan trọng khi người nổi tiếng xử lý khủng hoảng truyền thông
1. Tránh đối đầu trực tiếp với công chúng
Một trong những nguyên tắc cơ bản nhất khi đối diện với khủng hoảng truyền thông là tránh tranh cãi trực tiếp với công chúng. Nhìn nhận ở góc độ thương hiệu, mức độ nhận diện và thái độ của công chúng quyết định sự nổi tiếng của một cá nhân. Do vậy, việc đối đầu công khai với khán giả chỉ càng làm tình hình thêm căng thẳng, cũng không khác nào người nghệ sĩ đang tự đạp đi chén cơm của chính mình.
Bởi vậy, thay vì cố gắng tranh cãi hoặc phản biện lại những lời chỉ trích, nghệ nổi tiếng cần tôn trọng, học cách lắng nghe, thấu hiểu cảm xúc của công chúng và đưa ra phản hồi phù hợp. Ngay cả trong những trường hợp không sai, nhiều người nổi tiếng vẫn lựa chọn xin lỗi công chúng trước tiên. Đây là một nước đi khá hiệu quả để tạm thời xoa dịu sự phẫn nộ và thể hiện sự tôn trọng đối với những khán giả yêu thương và ủng hộ mình.
2. Giữ bình tĩnh và đưa ra phát ngôn nhất quán
Một trong những sai lầm thường gặp khi người nổi tiếng đối mặt với khủng hoảng là phản ứng quá nhanh và thiếu cân nhắc. Đôi khi, những hành xử trong thời điểm “giận quá mất khôn” có thể trở thành con dao hai lưỡi khiến hình ảnh của nghệ sĩ trở nên tiêu cực hơn trong mắt người hâm mộ.
Trong trường hợp của Negav, anh đã xin lỗi đến 4 lần chỉ trong 2 ngày nhưng lại thiếu đi sự nhất quán trong thông điệp, sự chỉn chu trong lời nói khi chiêm cả tiếng Anh trong tiếng Việt. Điều này khiến công chúng cảm thấy lời xin lỗi của nam rapper trẻ thiếu chân thành và chỉ mang tính hình thức. Từ đó, làn sóng chỉ trích vẫn cứ thế tiếp diễn mà không có dấu hiệu hạ nhiệt.
Vậy mới nói, bình tĩnh nhìn nhận chỉ trích của cộng đồng, nắm bắt điểm mấu chốt khiến cho công chúng phẫn nộ, đánh giá tình hình và thời điểm… đó là những yếu tố đầu tiên mà người nổi tiếng cần lưu ý khi thực hiện xử lý khủng hoảng truyền thông. Khủng hoảng không chỉ cần được giải quyết ngay lập tức mà còn cần có một kế hoạch dài hạn để khôi phục lại hình ảnh.
Ngoài ra, nếu người nổi tiếng hay nghệ sĩ đang hoạt động dưới trướng của một công ty chủ quản, nên để công ty đại diện đưa ra những phát ngôn chính thức. Điển hình như chuyện nam rapper Obito khi vướng vào ồn ào tình cảm với VSTRA đã không trực tiếp lên tiếng giải thích, thay vào đó anh để công ty quản lý của mình đưa ra chỉ một thông báo chính thức nhưng đã giúp khủng hoảng dần được “dập tắt”. Thậm chí ekip của Obito còn nhận được nhiều lời khen từ phía công chúng khi thông tin được đăng tải nhanh chóng, chính xác, tôn trọng các bên liên quan và đơn vị không ngại nói lời “xin lỗi” tới công chúng.
Nhìn ở góc độ truyền thông, đây là một chiến lược thông minh trong các tình huống mà nghệ sĩ hay người nổi tiếng cần phải giữ khoảng cách hoặc không muốn bị cảm xúc chi phối. Việc để bên thứ ba, chẳng hạn như công ty quản lý, đưa ra phát ngôn chính thức sẽ giúp giảm bớt áp lực cá nhân và tránh các phát ngôn thiếu kiểm soát. Thêm vào đó, một đội ngũ quản lý sẽ có sự chuyên nghiệp và hiểu biết sâu sắc về cách xử lý truyền thông, giúp kiểm soát khủng hoảng tốt hơn.
3. Lựa chọn im lặng khi cần thiết
Không phải khủng hoảng nào cũng cần lên tiếng ngay lập tức. Trong một số trường hợp, việc giữ im lặng có thể là giải pháp tối ưu, đặc biệt khi khủng hoảng chưa có bằng chứng xác thực hoặc không gây ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt đạo đức.
Một ví dụ rõ ràng nhất là cách Sơn Tùng M-TP xử lý loạt tin đồn tình cảm của mình. Bằng cách giữ im lặng, anh đã tránh được việc làm cho tình hình thêm phức tạp và giữ gìn hình ảnh của mình trong mắt công chúng.
Ngoài ra, chiến lược xử lý khủng hoảng cho người nổi tiếng cần có sự nhất quán, từ phát ngôn ban đầu cho đến các hành động tiếp theo. Bất kỳ sự mâu thuẫn hoặc bất nhất nào trong quá trình này đều có thể làm mất đi lòng tin của công chúng. Vụ việc làm “người thứ 3” của Han So Hee là minh chứng rõ ràng cho lỗi sai này. Trong khi đang giải quyết tin đồn, cô đã có những phát ngôn mâu thuẫn với thông tin trước đó, khiến công chúng cảm thấy cô thiếu trung thực. Nữ diễn viên cũng nhanh chóng bị đẩy vào tình trạng khủng hoảng truyền thông nghiêm trọng.
Kết luận
Từ sự việc của Negav, có thể thấy khủng hoảng truyền thông là điều không thể tránh khỏi đối với người nổi tiếng, nhưng cách xử lý khủng hoảng sẽ quyết định mức độ ảnh hưởng đến sự nghiệp và hình ảnh cá nhân. Việc thừa nhận sai lầm, giữ bình tĩnh, đưa ra phát ngôn nhất quán và thực hiện các hành động cụ thể là những yếu tố quan trọng giúp nghệ sĩ vượt qua khủng hoảng và bảo vệ thương hiệu cá nhân. Trong thời đại mà mạng xã hội có sức mạnh lan truyền mạnh mẽ, việc xử lý khủng hoảng kịp thời và chuyên nghiệp là chìa khóa giúp nghệ sĩ duy trì thương hiệu và sự ủng hộ từ công chúng.
Backstage News