Một báo cáo chỉ ra rằng các nhà thiết kế tại Tuần lễ Thời trang London (London Fashion Week) không thực hiện cam kết bảo vệ môi trường như đã hứa.
Một báo cáo mới đây do Collective Fashion Justice thực hiện đã tiết lộ rằng chưa đến 4% các thương hiệu thành viên của Hội đồng thời trang Anh có mục tiêu giảm phát thải. Tuần lễ Thời trang London
Các nhà thiết kế nổi tiếng như Victoria Beckham, JW Anderson và Richard Quinn hoàn toàn không có bất kỳ kế hoạch trong việc bảo vệ môi trường.
Báo cáo từ Collective Fashion Justice viết: “Có rất nhiều vấn đề về việc bảo vệ môi trường mà ngành công nghiệp thời trang Anh vẫn chưa giải quyết thỏa đáng. 38% lượng khí thải nhà kính của ngành công nghiệp gắn liền với sản xuất nguyên liệu thô vô trách nhiệm, đặc biệt là những sản phẩm có nguồn gốc từ động vật nhai lại và nhiên liệu hóa thạch”
Ngành công nghiệp thời trang đang chịu trách nhiệm cho 12% tổng lượng khí thải nhà kính. Dù nhiều thương hiệu thời trang tại Anh từng hứa vào năm 2050 sẽ đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0, nhưng với số liệu kể trên thì vẫn còn nhiều việc phải làm.
Làm ngơ sự thật phũ phàng
Một bí mật khá đáng sợ của ngành thời trang nói chung đó là những bộ đồ xa xỉ, đắt tiền phần lớn đều làm từ lông thú hoặc vải Cashmere (đây là một loại vải rất đắt tiền được sản xuất từ lông của những chú dê Cashmere sinh sống ở vùng núi Himalaya). Lông thú được xem là chất liệu gây chia rẽ nhất trong ngành thời trang. Không ít người đã từng thề rằng, thà khỏa thân chứ không mặc trang phục làm bằng lông thú bởi tình trạng giết hại động vật để làm nhiên liệu cho các bộ đồ thời trang được coi là vô nhân tính.
Thậm chí, tác hại về môi trường từ “nhiên liệu” này cũng ảnh hưởng rất nhiều với môi trường. Báo cáo chỉ ra rằng: “Việc sử dụng lông động vật để phục vụ cho ngành thời trang có khả năng sản sinh ra khí mêtan (32%) bởi với những động vật nhai lại như cừu, dê, bò hầu hết khí metan được sản xuất qua quá trình lên men ruột, từ đó sản sinh thêm 16,5% tổng lượng khí thải nhà kính”.
“Các giải pháp thay thế có nguồn gốc thực vật sẽ làm giảm đáng kể vấn đề này, ví dụ, vật liệu MIRUM có chức năng tương tự như da có lượng khí thải carbon nhỏ hơn khoảng 52 lần so với da bò thông thường, tính trên mỗi kilôgam”.
Thực tế, vào năm 2018 London Fashion Week đã từng cấm khách mời mặc những trang phục lông thú nhưng các bộ sưu tập vẫn sử dụng chất liệu này bình thường và phải mãi đến tháng 2/2024 sau khi nhận về nhiều chỉ trích từ cộng đồng thì tình trạng này mới chấm dứt hoàn toàn. Từ đó cho thấy, các hành động bảo vệ môi trường của Tuần lễ thời trang lớn nhất nước Anh diễn ra rất đủng đỉnh và hời hợt.
Cần có những hành động quyết liệt hơn
Ước mơ của nhiều thương hiệu thời trang nhỏ là phát triển để vươn ra toàn cầu và Tuần lễ thời trang London được coi là nền tảng tuyệt vời để các nhà thiết kế trẻ tài năng phát triển.
Tuy nhiên, nếu Tuần lễ thời trang London muốn bắt đầu thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường thì việc đầu tiên cần làm là giảm quy mô.
Báo cáo của CFJ lưu ý rằng: “Bất kể sử dụng vật liệu hay nguồn năng lượng nào, thời trang sẽ không bền vững nếu tiếp tục sản xuất quá nhiều sản phẩm. Một số chuyên gia cho rằng ngành công nghiệp này phải giảm quy mô gấp bốn lần, hiện nay Anh là thị trường giày dép và quần áo lớn thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Hoa Kỳ. Việc giảm quy mô và khối lượng sản xuất là một phần không thể thiếu trong việc hướng tới mục tiêu bền vững”.
Có thể thấy, các nhà thiết kế của Tuần lễ thời trang London vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Báo cáo khuyên nhủ các thương hiệu phải đặt ra các mục tiêu giảm phát thải rõ ràng, chi tiết để từ đó xây dựng các kế hoạch cụ thể để giảm thiểu tình trạng đáng báo động hiện nay.
Backstage News