Môi giới tài trợ sự kiện là một trong những chiêu trò lừa đảo tinh vi trong ngành sự kiện mà không phải cá nhân, tổ chức nào cũng đủ hiểu biết và nhận thức để phòng tránh.
Tại Việt Nam, hình thức lừa đảo dưới dạng “môi giới trung gian” thường được gọi với cụm từ “cò mồi”. Đây là một hiện trạng nhức nhối xảy ra trong đa dạng lĩnh vực, với nhiều chiêu thức và thủ đoạn khác nhau. Trong ngành sự kiện tại Việt Nam và trên thế giới, chiêu trò lừa đảo này đã xuất hiện dưới hình thức “môi giới tài trợ sự kiện”, hay còn gọi là “cò mồi tài trợ sự kiện”. Nếu những cá nhân, đơn vị tài trợ không có đủ hiểu biết và sự tỉnh táo để tránh các chiêu trò “môi giới” này, sẽ rất dễ “mắc bẫy”, “tiền mất tật mang” cùng nhiều hậu quả khó lường khác.
Nội dung
Hình thức lừa đảo từ “cò mồi” tài trợ sự kiện
Vấn nạn này thường được xảy ra ở những sự kiện lớn, có sức hút đối với các đơn vị truyền thông, báo chí, nhà tài trợ và cả công chúng. Cò mồi tận dụng sức ảnh hưởng của những sự kiện này để “mời chào” tài trợ, thực hiện chiêu trò lừa đảo như nhận cố vấn tài trợ cam kết thành công, bán quyền tài trợ,… Ý đồ sau cùng là lợi dụng những nhà tài trợ trên và nhận về tiền bằng cách thu phí đặt cọc, hoa hồng, hay thậm chí chính là khoản tiền tài trợ của ‘nạn nhân’.
Hình thức lừa đảo này xuất hiện trong ngành sự kiện có thể nói là đến từ nhiều lý do, cả chủ quan lẫn khách quan. Trong đó, lý do lớn là việc thông tin về tài trợ không được công bố rộng rãi và đầy đủ. Trong khi các doanh nghiệp, cá nhân muốn tài trợ cho những sự kiện này lại có nhu cầu lớn. Do vậy, sự xuất hiện của những “nhà kết nối tài trợ” như trên như một “cứu cánh” đối với những nhà tài trợ có nhu cầu. Tất nhiên, nếu không đủ tỉnh táo và hiểu biết, họ sẽ “mắc bẫy” của những “kẻ cò mồi chuyên nghiệp”.
Gần đây, có một tài khoản trên mạng xã hội đăng bài “nhận đàm phán tài trợ” cho concert của BLACKPINK tại Hà Nội – sự kiện đang “làm mưa làm gió” khắp các trang tin tức những ngày qua. Tuy nhiên, đại diện BTC concert “Born Pink” tại Việt Nam cho biết các đơn vị tài trợ hãy liên hệ và làm việc trực tiếp với Ban tổ chức qua những kênh chính thức. Không nên thông qua bất kỳ cá nhân, tổ chức nào không có thông tin minh bạch được xác nhận bởi BTC, hoặc những người yêu cầu đặt cọc để được tài trợ.
Những dấu hiệu cho thấy chiêu trò lừa đảo tài trợ
Hình thức môi giới tài trợ sự kiện được hoạt động với rất nhiều chiêu trò tinh vi. Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh bảo chiêu thức lừa đảo của những người môi giới tài trợ sự kiện không hợp pháp.
1. Nhắm mục tiêu vào những cá nhân, tổ chức nhỏ
Rõ ràng, những “cò mồi” muốn lợi dụng sự “ngây thơ” thiếu hiểu biết và nguồn lực hạn chế của những cá nhân, tổ chức nhỏ. Thậm chí họ cho rằng những “khách hàng” này sẽ không có đủ tiền hoặc can đảm để đấu tranh pháp lý với họ. Từ đó, với chiêu trò tinh vi, những nhà môi giới không trung thực này sẽ đưa ra những lời đề nghị bán quyền tài trợ với một khoản phí đặt cọc và hoa hồng đầy thu hút.
Bên cạnh đó, những người này còn có thể đưa ra những thông tin giới thiệu vô cùng hấp dẫn như:
– “Chúng tôi đã làm việc với tổ chức A, tập đoàn B, ông C, bà D…”;
– “Chúng tôi đã thu được hơn X triệu đô la trong Y năm qua từ tài trợ.”;
– …
Những thông tin này dễ dàng thu hút nhà tài trợ sẽ liên hệ với những người môi giới. Tuy nhiên, các nhà tài trợ cần đủ tỉnh táo để xác minh tính chính xác của các thông tin đó, trước khi tiếp tục làm việc với họ.
Trong khi đó, những nhà môi giới tài trợ uy tín sẽ chỉ để ý đến những tổ chức có thu nhập tốt, có thể đảm bảo cam kết tài trợ. Theo thông tin từ Power Sponsorship, rất ít nhà môi giới tài trợ sẽ đại diện cho một khách hàng có quỹ ít hơn 100.000 USD. Nếu những cá nhân, tổ chức chỉ dự kiến tài trợ con số nhỏ hoặc giá trị tài sản chưa được xác minh thường sẽ bị từ chối bởi những đơn vị kết nối tài trợ uy tín.
2. Yêu cầu đặt cọc trước để đảm bảo cơ hội tài trợ cho sự kiện
Hầu hết các nhà môi giới sẽ yêu cầu nhà tài trợ một một khoản phí đặt cọc cộng và tiền hoa hồng khi thành công tài trợ cho sự kiện. Với những nhà môi giới đáng tin cậy, khoản đặt cọc có thể thanh toán hàng tháng hoặc theo đợt. Tuy nhiên với những “cò mồi” lừa đảo, họ sẽ yêu cầu nhận toàn bộ bộ khoản phí đặt cọc trước.
Chiêu trò lừa đảo này thường đi theo hướng là “cò mồi” tài trợ sẽ yêu cầu thanh toán toàn bộ khoản phí đặt cọc trước. Họ sẽ đảm bảo một số tiền tài trợ thường không thực tế với sự kiện đó, nhưng hấp dẫn với người muốn tài trợ. Đồng thời cam kết nếu những “cò mồi” này không đạt được mục tiêu đã thỏa thuận, nhà tài trợ sẽ được nhận lại khoản phí đã đặt cọc.
Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian, những “cò mồi” này sẽ dần mất liên lạc với nhà tài trợ. Hoặc với lý do đã có những nhà tài trợ khác tốt hơn quan tâm đến sự kiện và không phản hồi. Tệ hơn, những người này còn có thể đe dọa, gây áp lực cho những nhà tài trợ, để họ dễ dàng từ bỏ và không dính líu đến luật pháp.
Những nhà tài trợ bị lừa có thể vừa không nhận lại được khoản phí đặt cọc, vừa không đạt được thỏa thuận tài trợ cho sự kiện như đã cam kết.
3. Chủ động liên hệ qua email
Các nhà tài trợ nên cẩn thận nếu nhận được một email đề xuất kết nối tài trợ cho một sự kiện mà chưa có liên hệ từ trước. Đặc biệt nếu email đó chứa những nội dung như hứa hẹn quyền lợi hấp dẫn, chỉ định phí đặt cọc, tiền hoa hồng,… mà không có yêu cầu làm việc gặp mặt trực tiếp. Đây có thể là một email đáng ngờ và là một hình thức lừa đảo từ những “cò mồi” tài trợ sự kiện.
Những “cò mồi” này có thể giả mạo địa chỉ email. Nhà tài trợ có thể kiểm tra tên miền để xác thực. Đặc biệt hãy chú ý từng ký tự tại tên miền. Những người này có thể giả mạo tên miền chỉ qua một vài thay đổi ký tự. Nếu tên miền không có tính xác thực, người nhận không nên trả lời hoặc mở bất kỳ liên kết nào trong email đó.
4. Sự hiện diện thấp trên mạng xã hội và các kênh truyền thông
Nếu những người môi giới tài trợ sự kiện là những người không uy tín, sự hiện diện của họ trên các trang mạng xã hội thường “kém chất lượng” hoặc không tồn tại. Những cá nhân, tổ chức có hành vi lừa đảo thường có xu hướng tránh sử dụng mạng xã hội, hoặc sử dụng tài khoản giả mạo. Điều này có thể giúp họ tránh những bài đăng/ bình luận “tố cáo” những chiêu trò lừa đảo.
Backstage News