Đồ án quy hoạch khu đô thị sông Hồng bao gồm bãi giữa sông Hồng đã được thông qua từ năm 2022 và hiện nay nó đã trở thành đề tài nóng trở lại.
Việc biến bãi giữa, bãi ven sông Hồng thành công viên văn hóa đa chức năng không chỉ phát huy lợi thế của sông Hồng mà còn tạo không gian mở cho Hà Nội, kết nối cộng đồng với thiên nhiên.
Không chỉ khai thác nguồn tài nguyên tự nhiên, việc hình thành không gian sinh thái và văn hóa bãi giữa, bãi ven sông Hồng còn góp phần tạo lập hình ảnh thành phố hiện đại và sinh thái hai bên sông Hồng, có bản sắc truyền thống.
Dự định biến không gian khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng trở thành một không gian sống, không gian sáng tạo thú vị, giàu cảm hứng đã được đưa ra từ lâu và nhắc tới trong nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo, nhận được sự quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, cho đến nay, ý tưởng đó mới chỉ dừng lại ở những cuộc tranh luận.
Công nhận cầu Long Biên làm di sản đô thị
Cầu Long Biên từ trước đến nay đã trở thành “hơi thở thời gian” với người dân Hà Nội. Chiếc cầu này đã cùng trải qua bao thăng trầm lịch sử, với những vết tích do chiến tranh để lại, cây cầu không đơn giản chỉ là tuyến giao thông mà còn là biểu tượng ý nghĩa khi nhắc về thủ đô.
Hà Nội đã và sẽ có nhiều cây cầu hiện đại bắc qua sông Hồng nhưng không thể có một cây cầu nào thay thế được vai trò lịch sử của cầu Long Biên. Chính vì thế, cần có một phương án tổng thể về việc bảo tồn và tôn tạo cầu Long Biên trên cơ sở khoa học, chọn lọc những giá trị tiêu biểu trong suốt lịch sử biến động của cây cầu để bảo tồn, phục dựng.
Đặc biệt, việc bảo tồn, tôn tạo cầu Long Biên cần khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng; đầu tư cải tạo khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông thành công viên văn hóa du lịch, định hướng lấy sông Hồng là trục cảnh quan tạo ra không gian mở, xanh, có hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại, làm điểm đến vui chơi, tham quan du lịch hấp dẫn.
Với các giá trị sử dụng của cầu Long Biên trong suốt thời gian qua, các chuyên gia đô thị cho rằng, hãy biến nó là một phần của di sản sống của đô thị, Thủ đô Hà Nội. Đó chính là Di sản đô thị, nó có thể là di sản đầu tiên của thành phố được công nhận cùng với nhiều các di sản đô thị khác, hoặc theo Luật Kiến trúc với công cụ pháp lý là Quy chế quản lý kiến trúc quản lý mới chỉ quy định thuộc nhóm các công trình kiến trúc có giá trị, tuy nhiên sẽ chỉ được nhìn nhận ở phạm vi TP Hà Nội.
Một công viên trong mơ
Năm 2022, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 1045/QĐ-UBND ngày 25/3/2022 phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng , tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) với quan điểm quy hoạch không gian thoát lũ sông Hồng đoạn qua khu vực đô thị trung tâm được xác định tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là trục không gian đặc trưng hành lang xanh.
Quy hoạch này cho phép hình thành trục không gian trung tâm, với các chức năng chính là công trình công cộng, công viên cây xanh, văn hóa dịch vụ du lịch, giải trí mang tính biểu tượng của Thủ đô, đảm bảo không gian thoát lũ, tạo đột phá trong việc khai thác tiềm năng khu vực hai bên sông, kết nối những giá trị văn hóa lịch sử với đời sống đương đại.
Theo KTS. Trần Thanh Bình, nghiên cứu viên cao cấp Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cầu Long Biên phải được xác định như một chủ đề mang tính kiến tạo cho không gian công viên bãi giữa sông Hồng và cũng cần được chiếm một tỷ trọng diện tích đủ lớn để thực hiện chủ đề này. Một không gian với diện tích 25.000m2 – 30.000m2 trong công viên văn hóa trung tâm tại bãi giữa, khu vực chân cầu Long Biên hoàn toàn có thể trở thành một điểm đến văn hóa, nghệ thuật lý tưởng của du khách.
Các chuyên gia văn hóa, nhiều kiến trúc sư nhấn mạnh việc xây dựng không gian văn hóa cảnh quan ven bờ sông Hồng không chỉ góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Thủ đô mà còn tạo cơ hội phát triển du lịch.
Trong đó, sản phẩm du lịch đường sông sẽ trở thành một trong những trải nghiệm thú vị.
Hà Nội có thể tham khảo kinh nghiệm từ những thành phố lớn trên thế giới như Paris, London, Venice, Seoul, Quảng Châu, Bangkok… đều có chương trình du lịch trên sông độc đáo.
KTS. Đoàn Kỳ Thanh – Giám đốc Công ty Kiến trúc Avant – nhấn mạnh không gian tự nhiên của sông Hồng là vùng đất trung tâm, gắn liền với hồn cốt của cả nền văn minh châu thổ từ cổ xưa tới nay. Nếu tại trung tâm của khúc sông Hồng có được một không gian dành riêng cho sự sáng tạo, khu vực này sẽ trở thành nơi địa linh, nhân kiệt hội tụ.
“5 hecta tại vị trí trung tâm Thủ đô rất đáng giá. Vì thế, nếu nó được sử dụng cho mục đích tiêu dùng bình thường (như một khu ở hay khu thương mại) sẽ rất lãng phí. Cần dành vùng đất linh địa này cho mục tiêu phát triển vô hạn của cả thành phố cũng như cả đất nước”, KTS Đoàn Kỳ Thanh nêu.
TS Nguyễn Anh Tuấn – Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch – cho rằng để khai thác, phát triển du lịch tại khu vực bãi giữa sông Hồng, cần xây dựng quy hoạch, đầu tư và quản lý hoạt động tham quan du lịch tại đây một cách bài bản. Đặc biệt cần chú trọng công tác bảo đảm an toàn cho các hoạt động trong mùa mưa lũ, không làm thay đổi dòng chảy của sông Hồng.
“Phải tăng cường công tác quản lý, kiểm soát các hoạt động khai thác tài nguyên cát ở gần khu vực bãi giữa để tránh làm biến đổi dòng chảy, gây xói lở, sụt lún gây mất an toàn, ảnh hưởng đến hoạt động tham quan khu vực này”, TS Nguyễn Anh Tuấn nhận định.
Ông đề xuất sau khi đầu tư hoàn thiện công viên và các khu chức năng, chính quyền địa phương cần ban hành ngay quy chế quản lý hoạt động cung cấp các dịch vụ và quy định đối với khách tham quan, du lịch, vui chơi giải trí và các hoạt động khác tại khu vực bãi giữa, đồng thời quy định giới hạn số lượng khách, các hoạt động không được tổ chức trên khu vực bãi giữa.
Dựa trên tài nguyên và định hướng phát triển công viên xanh trên khu vực bãi giữa, các nhà quản lý cần tập trung phát triển các loại hình du lịch thân thiện môi trường như du lịch sinh thái, trải nghiệm cảnh quan tự nhiên, chụp ảnh, ngắm hoa tại các khu vực trồng hoa, trải nghiệm hoạt động canh tác trồng và thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp cùng người dân địa phương.
Backstage News
Theo Kinh Tế Đô Thị, Cafe F