Việc lấp đầy các sân vận động bóng đá khổng lồ qua các concert âm nhạc dần trở thành biểu tượng chứng minh đẳng cấp của các nghệ sĩ lớn thế giới như: Beyoncé, Taylor Swift, Coldplay, Pink, Harry Styles,...
Các concert âm nhạc đang diễn ra ngày càng phổ biến tại sân vận động bóng đá thể thao lớn, biến nơi đây thành điểm đến hấp dẫn cho các siêu sao âm nhạc thế giới.
Nội dung
Concert âm nhạc “càn quét” các sân vận động bóng đá
Sân vận động Wembley (London, Anh) sắp tới đây sẽ đón hàng nghìn người đổ bộ để tham dự đêm nhạc “The Eras Tour” của Taylor Swift. Vài tuần trước đó, đây cũng là nơi đã diễn ra trận chung kết Champions League mùa giải 2023 – 2024.
Wembley Stadium là sân vận động quốc gia của Anh với sức chứa khủng lên đến 90.000 người, thậm chí còn được người dân gọi là ‘home of football’ (tạm dịch: ngôi nhà của bóng đá). Tuy nhiên, trái ngược với tên gọi, nhiều người lại nhớ đến Wembley như một “music venue” (tạm dịch: địa điểm tổ chức âm nhạc). Chính vì vậy, việc đêm nhạc đình đám toàn cầu của Taylor Swift dừng chân tại đây cũng là một điều đương nhiên.
Taylor Swift cũng không phải nghệ sĩ duy nhất đón khán giả đến nghe nhạc tại địa điểm này. Theo New York Times, tổng cộng sẽ có 14 concert âm nhạc được tổ chức tại sân vận động Wembley trong năm 2024. Con số này thậm chí còn lớn hơn số lượng trận đấu bóng đá đã lên lịch tại đây.
Trước Wembley, sân vận động Anfield – sân nhà của Liverpool – cũng đã lấp đầy hơn 60.000 khán giả của Taylor Swift. Đây cũng là một sân vận động bóng đá mang tính biểu tượng tương tự như Wembley.
Sân vận động Tottenham Hotspur (Anh) cũng chuẩn bị diễn ra concert của các siêu sao âm nhạc thế giới là Pink, Pearl Jam và Travis Scott vào cuối mùa hè này. Đây là sân nhà của câu lạc bộ bóng đá Tottenham Hotspur, cũng là sân vận động câu lạc bộ lớn nhất tại London với sức chứa gần 63.000 người. Năm 2023, “diva toàn tài” Beyoncé đã tổ chức concert kéo dài 5 đêm tại địa điểm này.
Ngoài ra, các sân vận động lớn khác tại Vương quốc Anh như London Stadium, Emirates, Old Trafford, St James’ Park và Villa Park cũng là những điểm đến thường xuyên của các nghệ sĩ lớn.
Tại sao nghệ sĩ lại lựa chọn các sân vận động vốn được xây dựng cho mục đích thể thao?
Nếu định nghĩa sân vận động là một đấu trường ngoài trời rộng lớn được sử dụng chủ yếu cho thể thao thì The Beatles được coi là những nghệ sĩ đầu tiên tổ chức concert âm nhạc tại những địa điểm này. Nói cách khác, The Beatles là nghệ sĩ đi đầu cho hiện tượng tổ chức concert tại sân vận động thể thao.
Năm 1965, The Beatles lần đầu biểu diễn tại sân vận động Shea, sân nhà cũ của đội bóng chày New York Mets. Khi ấy, họ nổi tiếng đến mức không có địa điểm trong nhà nào đủ lớn có thể chứa được hết số lượng khán giả có nhu cầu tham dự. Đó là một sự đổi mới xuất phát từ sự cần thiết, mặc dù âm thanh ở sân vận động Shea khá tệ và nhóm nhạc biểu diễn trên một sân khấu nhỏ cách rất xa khán giả. Thậm chí, khán giả bên dưới hò reo ầm ĩ đến mức không ai có thể nghe thấy âm nhạc, dù là ban nhạc.
Nhìn từ The Beatles, có thể dễ dàng nhận thấy lý do chính khiến các nghệ sĩ chọn sân vận động bóng đá để tổ chức âm nhạc tương đối đơn giản, đó chính là quy mô.
Ông Steve Davidson, Giám đốc điều hành của Câu lạc bộ bóng đá Sunderland cho biết: “Tại sao các nghệ sĩ chọn chúng tôi? Điều hấp dẫn duy nhất chính là chúng tôi có quy mô và ở trung tâm thành phố”. Hiện câu lạc bộ bóng đá Sunderland đang sở hữu sân vận động Ánh Sáng (sức chứa hơn 60.000 người), nơi đã diễn ra concert của các nghệ sĩ lớn như Beyoncé và Pink.
“Chi phí tổ chức các chuyến lưu diễn lớn trên toàn thế giới là rất lớn, vì vậy nghệ sĩ cần phải bán vé lấp đầy các địa điểm lớn hơn để có tiền trang trải chi phí”, ông Steve nói thêm.
Nếu các nghệ sĩ có thể lấp đầy những sân vận động quy mô này, họ không chỉ thu về một khoản doanh thu lớn, mà giá trị về mặt danh tiếng cũng được tăng lên nhiều lần.
Ngoài ra, các nghệ sĩ thế giới đang ngày càng nỗ lực nhiều hơn trong việc dàn dựng và sản xuất quy mô sân khấu và tour diễn của mình. Trong khi đó, chỉ các sân vận động lớn mới mang lại nhiều tự do hơn cho đội sản xuất của các nghệ sĩ, để họ thỏa sức hiện thực hóa những concept phức tạp, dàn dựng âm thanh, ánh sáng để mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho khán giả.
Một ví dụ điển hình là sân khấu của U2 từ chuyến lưu diễn ‘360 Degree’ năm 2009. Các báo cáo cho biết ekip của U2 đã tiêu tốn tới 31 triệu đô la để xây dựng được sân khấu 360 độ ‘The Claw’ có cấu trúc bốn chân khổng lồ tại một nhà thi đấu có quy mô tiêu chuẩn.
Ông Steve Davidson chia sẻ: “Một số nghệ sĩ tổ chức concert tại sân vận động Ánh Sáng thường sẽ đến cùng khoảng 90 xe tải hạng nặng. Sân khấu Renaissance World Tour của Beyoncé đã được ước tính rộng khoảng 174 feet (khoảng 53m) và dài 84 feet (khoảng 25,6m), không bao gồm đường băng và sân khấu nhỏ hơn. Vì vậy, chỉ những sân vận động lớn mới có thể đáp ứng điều này.”
Thách thức khi nghệ sĩ lưu diễn tại sân vận động
Chia sẻ với BBC News, ông Liam Boylan, Giám đốc sân vận động của Wembley cho biết: “Có rất nhiều áp lực khi tổ chức hòa nhạc ở sân vận động. Đó là một canh bạc lớn đối với các nhà quảng bá vì mọi thứ đều lớn hơn: Nhiều xe tải hơn, nhiều nhân viên hơn, nhiều thiết bị hơn.”
Những nhà quảng bá chịu trách nhiệm tổ chức các sự kiện trực tiếp cần đảm bảo bán được vé. Vì vậy, họ dành rất nhiều thời gian và công sức nghiên cứu xem liệu sức hút của nghệ sĩ có đủ cao để lấp đầy chỗ ngồi hay không.
Ông Boylan cho biết thêm: “Những người quảng bá sẽ nói ‘Tôi sẽ đảm bảo cho bạn rất nhiều tiền’, nhưng nếu buổi biểu diễn không bán được vé, họ sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý”.
Ngoài ra, khi lưu diễn tại sân vận động, nghệ sĩ sẽ bị hạn chế về mặt thời gian lựa chọn để tổ chức concert. Bởi các đêm nhạc không được can thiệp vào hoạt động kinh doanh chính của địa điểm là hoạt động thể thao.
Việc thi công sản xuất cho các concert âm nhạc sau các trận đấu cũng là một thách thức lớn. Rất nhiều công đoạn cần được thực hiện để chuyển từ một sân đấu thể thao thành sân biểu diễn âm nhạc. Thậm chí, các nhà sản xuất sự kiện phải làm việc xuyên đêm là điều bình thường.
“Bạn có thể rời sân vận động lúc 6 giờ chiều sau một trận bóng đá và khi bạn quay lại vào buổi sáng, sân vận động đã sẵn sàng cho buổi hòa nhạc. Thật không thể tin được là nó có thể được xoay chuyển nhanh đến mức nào.”, ông Ross McMeekin bày tỏ.
Chính vì vậy, hầu hết các buổi hòa nhạc tại các sân vận động bóng đá đều có xu hướng được tổ chức vào mùa hè. Lý do không chỉ là có điều kiện thời tiết thuận lợi, mà chủ yếu là để tránh đụng độ với các trận bóng đá trên sân.
Backstage News
Theo New York Times, BBC