Đâu là những điều mà nhà tuyển dụng Sự kiện quan tâm đến trong CV của bạn? Tại sao "rải" CV khắp nơi mà chẳng có lấy một cuộc điện thoại hẹn phỏng vấn? (*) Bài viết dành riêng cho các Fresher Event-er – Những bạn chưa có nhiều kinh nghiệm chinh chiến trận mạc.
CV (Curriculum vitae) – Hồ sơ ứng tuyển, là 1 từ khóa không còn xa lạ với nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, để làm được một hồ sơ tốt, đầy đủ thông tin và gây ấn tượng với nhà tuyển dụng đòi hỏi bạn cũng cần đầu tư chút ít công sức. Nhất là khi ở trong một ngành nghề “trẻ” và hơi có chút tính chất “bay bổng” như nghề event, bạn càng cần thể hiện rõ cá tính và sự sáng tạo của mình qua CV.
Thông thường khi ứng tuyển vào các công việc có tính chất thời vụ hoặc part time, các bạn nên sử dụng dạng Resume – bản tóm tắt ngắn gọn các kỹ năng, kinh nghiệm và quá trình học vấn. CV đầy đủ thông tin hơn, phù hợp khi bạn ứng tuyển cho các công việc cố định toàn thời gian.
Thời gian qua, khi đăng tuyển tìm ứng viên cho vị trí Helper trong sự kiện Heineken Countdown Party 2015, Backstage Event đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các bạn gửi về fanpage, nhưng đáng buồn là đa phần các bạn không biết cách viết một CV là như thế nào!Thậm chí còn có nhiều bạn nhầm lẫn giữa Helper với PB, PG, đánh đồng hai vai trò này như nhau, dẫn đến tình trạng có bạn gửi thông tin đến Backstage Event bao gồm cả chiều cao, cân nặng, các số đo cơ thể kèm theo hình ảnh minh họa và vài dòng địa chỉ liên hệ, giới thiệu sơ sài.
Đó không phải là những CV đúng nghĩa mà nhà tuyển dụng mong muốn ở các bạn.
Nội dung
Vậy thực ra CV là gì?
Nói ngắn gọn, nó là 1 bản tự giới thiệu bản thân, thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy bạn có khả năng làm gì, kinh nghiệm của bạn đến đâu. Xét trên những thông tin đó, nhà tuyển dụng sẽ lựa chọn ra ứng viên phù hợp và liên hệ phỏng vấn.
CV có tác dụng gì?
CV giúp bạn không cần trực tiếp trình bày dài dòng với nhà tuyển dụng về kinh nghiệm hay kỹ năng của mình. “Muốn biết tôi là ai, hãy nhìn vào CV của tôi!” Còn sau khi bạn đã qua vòng hồ sơ và được gọi phỏng vấn trực tiếp, mọi chuyện sẽ còn phụ thuộc khả năng “chém gió” của mỗi người. Nói chơi vậy để thấy, hãy nên coi CV là gương mặt của mình, bởi nó là công cụ đầu tiên để nhà tuyển dụng đoán biết cá tính và năng lực của bạn.
Viết CV như thế nào?
#1. Sự sáng tạo
Cá nhân tôi thực sự không có mấy thiện cảm với những CV được làm dựa theo form mẫu có sẵn trên internet, chỉ cần download về rồi điền thông tin vào là xong. Nếu như bạn làm trong lĩnh vực này, hãy thể hiện sự sáng tạo của bạn bằng mọi cách, hoặc chí ít cũng để cho nhà tuyển dụng chú ý đến bạn bởi vì bạn khác với hàng ngàn hồ sơ mà họ đã đọc.
#2. Làm nổi bật kỹ năng và kinh nghiệm
Trong nghề event hiện nay, bằng cấp chưa phải yếu tố quan trọng đặt lên hàng đầu. Chính vì thế, bạn không cần cố gắng thể hiện điều đó mà hãy tập trung làm nổi bật các kỹ năng cần thiết cho công việc mà nhà tuyển dụng yêu cầu.
Muốn làm tốt điều này, trước tiên hãyĐỌC KỸ mô tả công việc của họ và phân tích thấu đáo trước khi click ứng tuyển. Yếu tố quan trọng khi nhà tuyển dụng đọc CV của một event-er là kinh nghiệm chinh chiến. Kiến thức sách vở sẽ không nói lên gì nhiều chỉ khi các bạn va chạm thực sự và vận dụng nó linh hoạt trong thực tế. Vậy nên, nếu có va vấp thực tế, bạn đã dành ưu thế hơn các ứng viên khác, hãy tập trung làm nổi bật nó trong bản CV của mình bằng cách miêu tả rõ ràng công việc cụ thể mình đã phụ trách, các kết quả đạt được.
Còn nếu chưa có bất cứ kinh nghiệm gì, bạn hãy nghĩ cách làm thế nào để thuyết phục họ tin tưởng và cho bạn một cơ hội thử sức. Cách thuyết phục tốt nhất là cho họ thấy bạn rất giàu nhiệt huyết và sẵn sàng học hỏi.
#3. Quan tâm đến hình thức của CV
Có thể thấy rằng không có 1 khuôn mẫu cụ thể nào cho việc viết 1 bản CV ấn tượng. Nó có thể là 1 trang giấy, 1 bản vẽ tay, 1 sản phẩm handmade, hay 1 videoclip ngắn,… tùy sở thích của bạn. Nhưng luôn có vài yếu tố cơ bản bạn cần giới thiệu được trong CV, đó là: Bạn là ai? Bạn có khả năng làm gì? Kinh nghiệm làm việc của bạn? và thông tin liên hệ (bao gồm địa chỉ e-mail, địa chỉ nhà và số điện thoại).
Để tránh phiền phức cho nhà tuyển dụng trong in ấn và xem CV trên các thiết bị khác nhau, bạn nên lưu CV dưới dạng file PDF khổ A4. Có nhiều bạn gửi nguyên cả 1 file Powerpoint hoặc word tới nhà tuyển dụng mà không biết rằng sang máy khác, file của bạn có thể bị rủi ro lỗi font hoặc sai định dạng, khiến các dòng chữ bị xô lệch, hình ảnh méo mó.
Bạn cũng nên tham khảo để nắm bắt những xu hướng thiết kế hiện đại, sự logic khi trình bày nội dung trong CV, tạo nên sự độc đáo & ấn tượng cho người đọc.
#4. Nếu bạn chưa biết gì hết…
Hãy nhờ Google, tìm và đọc những CV và CV sáng tạo hấp dẫn, xem cách họ trình bày và bố cục như thế nào, sau đó áp dụng và tùy biến với vị trí cụ thể mà mình ứng tuyển.
#5. Nếu như bạn không biết bất cứ công cụ thiết kế?
Đơn giản nhất là bạn dùng Powerpoint – một công cụ sử dụng khá dễ dàng tích hợp sẵn trong bộ Office để trình bày CV. Còn nếu như không biết gì hết, có thể tự vẽ nháp, lên ý tưởng rồi nhờ người bạn nào đó thực hiện. Không nhờ được thì tự học. Không học được thì đi tìm phi thuyền và quay trở về hành tinh của bạn đi.
Viết một CV cũng giống như bạn đang làm 1 proposal gửi tới khách hàng, mà sản phẩm là chính các bạn. Coi CV như đại diện hình ảnh của bạn để đầu tư công sức cho nó. Hãy đứng ở góc nhìn của nhà tuyển dụng để nghĩ xem họ cần gì và muốn thấy gì trong CV của bạn, để show ra những thông tin cần thiết, nhưng đầy sáng tạo, khiến cho người ta tò mò và nhấc điện thoại hẹn gặp bạn nhé!
Backstage
Xem thêm: