Nhiều đơn vị thông báo hủy, hoãn các sự kiện văn hóa nghệ thuật, vui chơi, giải trí trong mùa lễ Trung Thu để tập trung cho công tác phòng chống và khắc phục hậu quả lụt, bão ở các tỉnh phía Bắc.
Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là đến Tết Trung Thu, nhưng người dân ở nhiều khu vực từ Bắc Bộ đến Thanh Hóa đang phải gác lại niềm vui đón Tết Đoàn viên vì ảnh hưởng nặng nề của siêu bão số 3 (Yagi). Bão lũ, ngập lụt, sạt lở khủng khiếp sau cơn bão số 3 lấy đi cơ hội đoàn tụ của không ít gia đình tại đây.
Trước những mất mát lớn không chỉ là của mà còn cả người, nhiều đơn vị, tỉnh thành trên cả nước đã thông báo hủy, hoãn các sự kiện văn hóa nghệ thuật, vui chơi, giải trí trong mùa lễ Trung Thu. Thay vào đó, các cá nhân, đơn vị cùng nhau chung tay, góp sức để tập trung cho công tác phòng chống và khắc phục hậu quả lụt, bão, cứu trợ người dân đồng bào phía Bắc.
Các sự kiện Trung thu lớn dừng tổ chức
Sáng ngày 12/9, Lễ hội Trung thu năm 2024 tại tỉnh Ninh Bình do Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam phối hợp với tỉnh tổ chức đã được thông báo tạm dừng. Theo kế hoạch ban đầu, Lễ hội dự kiến khai mạc ngày 13/9 tại Khu Thủy đình, Phố cổ Hoa Lư, Ninh Bình. Tuy nhiên, trước thiệt hại nặng nề do bão số 3 và tình hình mưa lũ phức tạp tại khu vực miền Bắc, trong đó có tỉnh Ninh Bình, Sở VHTT&DL tỉnh Ninh Bình đã ban hành quyết định dừng tổ chức sự kiện.
Cùng ngày 12/9, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội thông báo, do tình hình bão lũ tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang có những diễn biến phức tạp, Chương trình “Vui Tết Trung thu 2024” tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội vào hai ngày 14-15/9 sẽ tạm dừng tổ chức. Các hoạt động trải nghiệm làm đồ chơi Trung thu như đèn cù, đèn bướm, đèn sao, đèn thỏ, tô vẽ mặt nạ giấy bồi, diều giấy và làm bánh Trung thu cũng không thể diễn ra như kế hoạch.
Ngoài ra, các chương trình Trung thu tại Phố cổ Hà Nội cũng được thông báo tạm hoãn như Chương trình “Vị Trà Sơn Cước – Hương Sắc Đồng Bằng” tổ chức tại Ngôi Nhà Di sản (số 87 phố Mã Mây); triển lãm mỹ thuật “Mùa Trăng” tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật (22 Hàng Buồm)
Ngôi Nhà Di sản (số 87 phố Mã Mây) dự kiến giới thiệu không gian gia đình Hà Nội đón Tết Trung thu, trưng bày mâm cỗ truyền thống, bộ ảnh chủ đề “Trở về Trung Thu xưa” và giới thiệu đèn trung thu cua, cá cổ truyền cũng dừng lại các hoạt động.
Trước đó vào ngày 11/9, UBND tỉnh Tuyên Quang đưa ra văn bản về việc dừng tổ chức Liên hoan Trình diễn di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Lễ hội Thành Tuyên năm 2024. Trong đó, Lễ hội Thành Tuyên được biết là lễ hội trung thu lớn nhất cả nước hàng năm.
Nhằm đồng cảm, chia sẻ với những đau thương, mất mát, khó khăn của đồng bào miền Bắc do bão lũ, tỉnh Thừa Thiên Huế thông báo tạm hoãn tất cả chương trình lễ hội, sự kiện dự kiến tổ chức dịp này. Theo đó, Hội Đèn lồng Quốc tế Huế 2024, Lễ hội Rước đèn lồng đường phố, Lễ hội áo dài “Linh Phụng”, chương trình nghệ thuật “Mùa thu cho em” do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế dự kiến tổ chức từ ngày 16 – 19/9 sẽ tạm hoãn. Thời gian tổ chức trở lại sẽ được thông báo sau.
Hưởng ứng phát động của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhiều trường học, đơn vị tại các địa phương, tỉnh thành cũng dừng tổ chức Tết Trung thu cho học sinh, trẻ em. Đồng thời, toàn bộ kinh phí tổ chức hoạt động này sẽ được chuyển sang ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt.
Tết Trung thu ngắn gọn, giảm văn nghệ
Trước tình hình nhiều tỉnh thành ở Bắc Bộ đang tập trung khắc phục hậu quả do bão Yagi (bão số 3) và mưa lũ sau bão gây ra, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh thành chỉ đạo các sở ngành, UBND các cấp quan tâm, tổ chức Tết Trung thu 2024 trên tinh thần an toàn, tiết kiệm, thực chất, không phô trương, hình thức, đặc biệt ở những nơi bị ảnh hưởng của bão Yagi, lũ lụt, thiên tai sau bão.
Theo đó, chương trình, hoạt động, sự kiện, lễ hội Trung thu diễn ra ngắn gọn, giảm các tiết mục văn nghệ, tập trung vào đọc thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi các cháu thiếu niên, nhi đồng Tết Trung thu.
Tuyệt đối không tổ chức sự kiện tập trung đông trẻ em, đông người tại nơi không an toàn, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt. Thay vào đó, các đơn vị có thể tổ chức trực tuyến, trên truyền hình và gửi quà đến các cháu. Ưu tiên tặng quà trẻ có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, mồ côi hoặc bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ.
Đồng thời, các địa phương khuyến khích vận động, sẻ chia, quyên góp, ủng hộ trẻ em, gia đình và cộng đồng nơi bị ảnh hưởng bởi thiên tai để các em sớm trở lại trường học, ổn định cuộc sống.
Backstage News