Dịch Covid-19 khiến giải đua F1 phải có sự điều chỉnh lớn tới lịch thi đấu của mùa giải 2020. Đây cũng là một bài toán lớn về chi phí với BTC.
Thay đổi lịch trình dự kiến F1 có thể được điều chỉnh từng ngày, từng tuần
Chặng đua French GP tại trường đua Paul Ricard chính thức bị hủy bỏ sau khi các bên đã xem xét kỹ lưỡng mọi khả năng. Dù vậy các ông chủ của F1 đã có bài phát biểu với nhiều thông tin tích cực nếu tình hình diễn biến tốt hơn. Trong đó đã đề cập tới ngày dự kiến bắt đầu, cũng như kết thúc mùa giải 2020, tổng số chặng đua và lộ trình đua qua từng thời điểm.
CEO Chase Carey cho biết: “Chúng tôi hiện đang tự tin hơn về tiến triển của kế hoạch của mình sẽ có thể bắt đầu trong mùa hè. Chúng tôi nhắm tới việc khai màn mùa giải tại châu Âu trong tháng 7, kéo dài tới đầu tháng 9, với chặng đua đầu tiên tổ chức tại Áo vào cuối tuần 03-05.07”.
“Tháng 9, tháng 10 và tháng 11 sẽ có thể tổ chức các chặng tại khu vực ranh giới Á – Âu (Sochi và Baku), châu Á và châu Mỹ, rồi hạ màn tại Trung Đông trong tháng 12 với Bahrain rồi đến Abu Dhabi, tổng cộng là 15-18 chặng. Chúng tôi sẽ công bố lịch trình được phê duyệt cuối cùng ngay khi có thể”.
Ông tiếp tục: “Chúng tôi kỳ vọng những chặng đua đầu tiên sẽ được tổ chức mà không có khán giả, nhưng hy vọng họ sẽ lại trở thành một phần của sự kiện trong những tháng sau đó. Chúng tôi vẫn phải tìm cách xử lý nhiều vấn đề như các quy trình cho các đội đua, đối tác khác nhập cảnh và làm việc ở quốc gia tổ chức sự kiện đó”.
“Sức khỏe và sự an toàn của tất cả những người tham gia vẫn tiếp tục là ưu tiên hàng đầu và chúng tôi sẽ chỉ tiến hành khi thực sự tự tin rằng chúng tôi có những quy trình đảm bảo và tính đến mọi rủi ro và vấn đề có thể xảy ra…”
Việc bắt đầu tại Red Bull Ring (Áo) vào đầu tháng 7 là điều khả thi, tuy nhiên mọi thứ hiện tại vẫn còn đang rất mơ hồ. Tất cả những gì người hâm mộ biết được qua lời phát biểu của Carey là mùa giải F1 2020 sẽ có thể gói gọn trong 6 tháng cuối năm với ít nhất 15 chặng đua.
Việc kết thúc vào tháng 12 đã được đề xuất từ lâu, trong khi phần lớn các chặng đua khác đã được đốn đoán về khả năng sắp xếp lại lịch trong những tháng tiếp theo. Dù vậy vẫn còn hàng nghìn khả năng khác nhau có thể xảy ra để tạo ra một lịch trình theo kế hoạch.
Sự thay đổi lịch trình dự kiến của F1 trong thời gian tới có thể sẽ điều chỉnh từng ngày, từng tuần, tùy theo tình hình ở mỗi quốc gia tổ chức chặng đua. Chỉ có hai điểm mà chúng ta sẽ chắc chắn nhất vào lúc này, đó là thời gian bắt đầu và kết thúc mùa giải. Áo sẵn sàng tổ chức 2 chặng đua vào 2 cuối tuần liên tiếp, sau đó rất có thể là Silver stone (Anh) dù chưa có gì đảm bảo nhưng họ đã xác nhận tổ chức các cuộc đua không có khán giả.
Bahrain sẽ là chặng áp chót, sau đó sẽ là Abu Dhabi, bởi họ có hợp đồng đảm bảo vị trí hạ màn mùa giải. Cả hai chặng đua sẽ có thể diễn ra trong nửa đầu tháng 12. Ngoài ra những vị trí ở giữa vẫn đang được đặt một dấu hỏi lớn bởi mọi công việc vẫn đang tiến hành.
Các chặng Australia, Monaco và Pháp đã bị hủy bỏ, Áo và Anh nhiều khả năng sẽ tổ chức 2 cuộc đua, bởi vậy để đạt mục tiêu 15-18 chặng, sẽ có ít nhất 3 điểm đến khác sẽ không thể tổ chức sự kiện năm nay.
Trong số còn lại, một số đường đua không thể linh hoạt như số khác, ví dụ như Singapore bởi nó là đường đua phố, cần phải chi tiêu nhiều về khoản logistics (hậu cần) hơn các trường đua khác và cần thời gian chuẩn bị lâu hơn.
Các trường đua cố định lại có thể linh hoạt để tổ chức, tuy nhiên lại có một số hạn chế từ yếu tố bên ngoài. Ví dụ như COTA, Austin, Texas sẽ bận rộn hơn bởi họ còn chặng đua tại MotoGP diễn ra 2 tuần sau lịch trình của F1 (được đẩy lùi lại từ lịch gốc vào tháng 4).
Nan giải vấn đề hậu cần
Ngoài ra một yếu tố quan trọng khác đó là thời tiết. Hầu hết các trường đua F1 không thể sử dụng vào thời điểm tháng 10-11 vì thế có giới hạn trong việc có thể đẩy lùi các chặng đua được đến đâu. Điều này lại không áp dụng với vùng Trung Đông, bởi vậy không có gì khó khăn khi đặt Bahrain vào vị trí đầu tháng 12 trước Abu Dhabi.
Nếu kế hoạch ‘kép’ của Áo và Anh được tiến hành, nó sẽ lấp đầy tháng 7 với 4 cuộc đua. Tạm lấy con số mục tiêu là 18 chặng, chúng ta sẽ có 20 cuối tuần từ ngày 02/08 cho tới 13/12, với 14 chặng cần được sắp xếp trong tổng số 17 “ứng viên”.
Giám đốc điều hành Ross Brawn tự tin rằng họ có thể hoàn thành được 18 chặng, nhưng thực tế sẽ có thể không diễn ra như vậy, bởi xét cho cùng tình hình hiện tại đang bị “trói chặt” vào diễn biến của COVID-19.
Ngoài ra, lệnh cấm tụ tập đông người ở mỗi quốc gia là chướng ngại khó khăn nhất cần phải vượt qua. Canada, Bỉ hay Hà Lan đều đang có luật hiện hành kéo dài đến hết tháng 8, và đối với 2 quốc gia tại châu Âu đã giới hạn các lựa chọn cho giải đấu. Dù một số quốc gia khác có khả năng tổ chức không có khán giả, nhưng kể cả trong trường hợp như vậy, mỗi sự kiện vẫn yêu cầu tới 1000 người cùng vận hành.
Một vấn đề phức tạp khác là việc đóng cửa biên giới, giới hạn xuất nhập cảnh đối với những người đã đi qua một số quốc gia cụ thể và cách ly bắt buộc đối với những người được phép nhập cảnh. Quy định này sẽ không sớm kết thúc trong thời gian tới, khiến cho F1 sẽ gặp khó nếu có ý định tổ chức 2-3 chặng đua trong các tuần liên tiếp.
Từ đó việc sắp xếp các chặng đua “xa nhà” tại Singapore, Trung Quốc, Việt Nam, hay Nhật Bản liền nhau sẽ là bất khả thi khi không ai có thể dự đoán tình hình sẽ ra sao vào tháng 9-10 tới. Thực trạng tương tự áp dụng với khu vực châu Mỹ với Canada, Mỹ, Mexico hay Brazil.
Các nhân viên của giải đấu cũng như 7 đội đua sẽ di chuyển từ Anh, 2 đội từ Italia và 1 đội từ Thụy Sĩ, cùng với đó là các tay đua và những người có liên quan khác đến từ nhiều quốc gia tại châu u. Nhân viên của Pirelli cũng sẽ đi từ Italia, dù họ có kế hoạch dự phòng chỉ sử dụng các nhân viên từ Anh.
Ngoài ra còn có nhân viên của Honda tại Nhật Bản (dù phần lớn đang sống tại Anh) và người của FIA đến từ Pháp và Thụy Sĩ. Vì thế nếu giảm thiểu tối đa số người làm việc ở một chặng đua, vẫn còn sự đa dạng của nhiều quốc gia tại châu u cùng hội tụ.
Một kế hoạch sử dụng charter flight (chuyến bay được thuê với mục đích riêng của một phái đoàn, trước đây phục vụ chủ yếu cho doanh nhân cấp cao) được tính đến nhưng vẫn sẽ là một thách thức lớn. Nếu muốn thực hiện, họ cần phải có những cuộc đàm phán chi tiết, cụ thể với cục xuất nhập cảnh cũng như chính quyền địa phương.
Với những điểm đến như Abu Dhabi và Bahrain, nơi các chặng đua được vận hành và quảng bá từ khoản hỗ trợ của chính phủ, cuộc đàm phán sẽ tương đối đơn giản. Nhưng tại một số quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản hay Mỹ, cuộc đua F1 lại là một vấn đề mà chính phủ liên bang không dính líu và cũng chẳng quan tâm tới.
Mặt khác, nếu như Anh và Italia tiếp tục siết chặt quy trình cách ly thì các nhân viên sẽ gặp khó trong việc trở về nhà sau các chặng đua tổ chức xa châu u. Những yếu tố trong “bức tranh lớn” này đều vượt ngoài tầm kiểm soát của F1 và tất cả những gì Chase Carey có thể hy vọng là sau vài tuần, tháng nữa, lệnh giới nghiêm sẽ được kéo giãn dần.