Chính quyền các quốc gia liên tục đưa ra lệnh “đóng cửa”, cấm các sự kiện đông người kéo dài trong ít nhất 3 tháng. Các chặng đua mùa hè tại F1 cũng vì thế mà chịu ảnh hưởng nặng nề trong thời gian qua.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử mùa giải F1 vốn được mong chờ nhất trở nên chao đảo như thế này với hàng loạt quyết định huỷ hoãn và lo ngại từ các nước chủ nhà trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Từ Chinese Grand Prix tại Trung Quốc (17/4 – 19/4) là giải đấu đầu tiên bị hoãn tiếp theo đến Australian Grand Prix (13/3 – 15/3), Bahrain Grand Prix (20/3 – 22/3), Vietnam Grand Prix (3/4 – 5/4), Hà Lan Grand Prix (1/5 – 3/5), Tây Ban Nha Grand Prix (8/5 – 10/5), Monaco Grand Prix (21/5 – 24/5)…
Chưa lâu sau khi Canada đưa ra thông báo chính thức về việc chặng đua tại trường đua Gilles Villeneuve đã bị hoãn lại, hai chặng đua tiếp theo tại châu Âu sẽ phải chịu chung số phận khi chính phủ nước sở tại đã ban bố những lệnh khẩn cấp do dịch bệnh Covid-19.
Chặng đua F1 tại Pháp chính thức bị huỷ
Ban đầu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã quyết định đóng cửa đất nước trong khoảng thời gian 1 tháng, từ ngày 17/3. Nhưng sau đó chính phủ đã quyết định kéo dài tới ngày 11/5 mới kết thúc, cùng với đó là lệnh cấm tụ tập đông người nơi công cộng đến giữa tháng 7.
Những địa điểm mọi người hay tụ tập như nhà hàng, quán café, khách sạn, rạp chiếu phim, rạp hát hay bảo tàng sẽ được đóng cửa. Những lễ hội hay sự kiện đông người cũng sẽ không được tổ chức đến sớm nhất là giữa tháng 7”.
Tổng thống Pháp cho biết: “Tình hình quốc gia sẽ được đánh giá chung kể từ giữa tháng 5, trong mỗi tuần để thích nghi với mọi thứ và đưa ra tầm nhìn mới. Đường biên giới với các nước không thuộc châu u sẽ tiếp tục đóng cho đến khi có thông báo mới”.
Pháp đang nằm trong top 5 các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh Covid-19, chỉ sau Mỹ, Tây Ban Nha và Italia, với hơn 169.000 ca nhiễm và hơn 25.000 người tử vong. Thông báo của ông Macron như một “gáo nước lạnh” cho những hy vọng sẽ có thể bắt đầu mùa giải F1 năm nay tại Paul Ricard, kể cả khả năng tổ chức không có khán giả. Chính vì thế chặng đua tại Pháp năm nay đã chính thức sẽ hủy bỏ mà không được dời lịch.
Đường đua F1 ở Bỉ có nguy cơ chung số phận với Pháp
Tình cảnh tương tự với Pháp là Bỉ, khi mới đây, Thủ tướng của họ là bà Sophie Wilmes đã xác nhận mọi sự kiện tập trung số lượng lớn tại quốc gia này sẽ bị cấm cho đến ngày 31/8 tới. Đáng tiếc thay chặng đua tại Spa-Francorchamps năm nay lại được đặt lịch vào ngày 30/8.
Đây là một tác động không nhỏ cho trường đua danh tiếng bởi trong nhiều năm qua, nơi đây luôn ‘cháy vé’ với hơn 250.000 khán giả đến theo dõi trực tiếp, trong đó có sự đóng góp không nhỏ từ người hâm mộ Hà Lan, cổ vũ cho tài năng trẻ Max Verstappen.
Hiện tại, đơn vị tổ chức chặng đua tại Bỉ đã tạm dừng việc bán vé và đang cân nhắc những lựa chọn khác nhau cho sự kiện năm nay. Kể cả khi quyết định tổ chức không có khán giả, ban tổ chức, giải đấu F1 và các đội đua kết hợp lại vẫn cần tới hàng trăm, hay thậm chí là 1.000 người để có thể vận hành chặng đua tuân thủ theo các quy chuẩn hiện hành.
Các bên liên quan đang tính tới những phương án phù hợp cho tất cả các bên liên quan với mục tiêu sẽ cố gắng tổ chức sự kiện chứ không hủy bỏ. Các sự kiện đua xe thể thao khác được tổ chức tại Spa trước tháng 9 cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm này.
Chặng đua tại giải WEC, ‘6h tại Spa’ được đặt lịch vào tháng 5 và đã được đẩy xuống ngày 15/8, tuy nhiên sự kiện chắc chắn sẽ phải đầy lùi thêm 1 lần nữa. Trong khi đó sự kiện đua bền bỉ ‘Spa 24h’ đặt lịch vào giữa tháng 7 cũng sẽ được lùi lại ít nhất 2 tháng.
Áo là niềm hy vọng duy nhất của mùa giải 2020
Trái ngược lại với Pháp và Bỉ, chính phủ tại Áo cho biết họ sẽ không tác động tới chặng đua tại Red Bull Ring vào đầu tháng 7 tới nếu sự kiện được tổ chức không có khán giả. Giám đốc quản lý Ross Brawn đã cho biết mùa giải sẽ nhiều khả năng bắt đầu tại châu u, nhưng không có khán giả và những giới hạn khắt khe để đảm bảo sự an toàn của người dân địa phương, cũng như các thành viên tham dự chặng đua.
Trong buổi họp báo gần đây, Bộ trưởng phụ trách Thể thao và Phó Thủ tướng Áo, Werner Kogler cho biết chính phủ sẽ không phản đối nếu sự kiện tổ chức mà không có khán giả. “Đây là một trường hợp hoàn toàn khác so với một trận đấu diễn ra trong sân vận động. Nhiều người đã bị dương tính với Covid-19 và quy định về khoảng cách tối thiểu giữa mỗi người vẫn phải được tuân thủ. Nhưng tôi nghĩ sự kiện F1 này vẫn có thể tổ chức”, Kogler cho biết
“Tôi không muốn giấu giếm gì về việc tôi đang liên lạc với chính quyền vùng Styria (khu vực xung quanh trường đua) về vấn đề này. Sự kiện này hiện vẫn sẽ tiến hành như đã định trong tháng 7. Sau cùng, liên đoàn thể thao vẫn sẽ phải tự đưa ra quyết định của mình”.
Áo đang áp đặt những biện pháp giới hạn nghiêm ngặt cho việc nhập cảnh vào quốc gia này. Họ yêu cầu tất cả người nhập cảnh đều phải tự cách ly, hoặc có giấy chứng nhận rằng mình âm tính với virus. Yếu tố xử lý việc xuất nhập cảnh ở các quốc gia tổ chức các chặng đua là thách thức lớn nhất cho F1 nếu các sự kiện được “bật đèn xanh”.
Chính phủ tại đây sẽ bắt đầu mở cửa dần ở một số khu vực, và cho phép một số cửa hàng được kinh doanh trở lại, nhưng vẫn sẽ duy trì luật cách ly xã hội nghiêm ngặt.
Như vậy, nếu mọi chuyện không chuyển biến xấu đi, Austrian GP rất có thể sẽ là chặng mở màn mùa giải 2020 mà không có khán giả. Họ có thể tổ chức 2 cuộc đua nếu điều kiện cho phép.
Sau đó có thể sẽ là Silverstone (Anh), nơi cũng sẵn sàng để tổ chức nhiều hơn 1 cuộc đua và tất nhiên sẽ không có khán giả. Trong khi đó, ý tưởng đua trên cấu trúc đảo ngược của đường đua hiện tại đã bị bác bỏ do chi phí sửa chữa nâng cấp các khu vực liên quan quá cao và không cần thiết.
Tham khảo: 24h.com
Xem thêm: