Lễ trao giải Oscar được truyền hình trực tiếp đến 30 triệu người xem trên thế giới, mang lại doanh thu lên đến 90 triệu đô la Mỹ và trở thành một trong những giải thưởng điện ảnh danh giá nhất hành tinh, xứng đáng là sự kiện mang nhiều cảm hứng cho dân trong ngành tổ chức sự kiện.
Giải thưởng Viện Hàn lâm (tiếng Anh: Academy Awards), thường được biết đến với tên Giải Oscar. Mỗi năm, Lễ trao giải Oscar được truyền hình trực tiếp đến 30 triệu người xem trên thế giới, mang lại doanh thu lên đến 90 triệu đô la Mỹ và trở thành một trong những giải thưởng điện ảnh danh giá nhất hành tinh.
Một sự kiện lớn như vậy quả là có nhiều điều đáng để học hỏi, nhất là các ý tưởng và cách thức tổ chức qua từng năm. Chưa vội bàn về chi tiết từng Lễ trao giải những người làm trong nghề tổ chức sự kiện có thể rút ra một vài bài học lớn về các vận hành sự kiện từ Oscars như:
1. Đáp ứng đúng nhu cầu
Năm 1927, chưa hề có một tổ chức nào tại Mỹ đứng ra để tôn vinh những thành tựu xuất sắc của nền điện ảnh nước này. Chính những nhà sáng lập đã nhận ra tiềm năng lớn để phát triển giải thưởng và tổ chức nên một sự kiện danh giá, xứng tầm nhằm kịp thời vinh danh các đạo diễn, diễn viên, kịch bản và nhiều lĩnh vực khác trong bộ môn nghệ thuật thứ 7.
2. Thành công không phải là trong giây lát
Oscars không dừng lại đơn giản là một đêm trao giải, mà gần như là một thể chế hay một tổ chức riêng, có hẳn một hội đồng xét duyệt của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh (tiếng Anh: Academy of Motion Picture Arts and Sciences, viết tắt là AMPA). Cho đến năm 2007 số người đủ tiêu chuẩn tham gia bầu chọn là 5830 người, trong đó có 1311 diễn viên (tỉ lệ cao nhất, chiếm 22 phần trăm). Sự phát triển của giải thưởng này cũng được coi là gắn liền mật thiết với sự phát triển của điện ảnh Mỹ nói riêng và của thế giới nói chung
3. Phát sóng rộng rãi
Lễ trao giải Oscar lần đầu phát thanh trên radio vào năm 1930 và phát trên truyền hình lần đầu năm 1953. Hiện nay giải thưởng phát sóng trực tiếp trên 200 quốc gia, lãnh thổ và phát trực tiếp trên Internet. Giải Oscar được coi là lễ trao giải lâu đời nhất trên thế giới cho ngành điện ảnh.
Bài học rút ra ở đây là xây dựng hệ thống truyền thông online và offline cho sự kiện của bạn, thực hiện một cách dài hơi để xây dựng danh tiếng qua các năm.
4. Cập nhật công nghệ
Tại mỗi Lễ trao giải, nhà tổ chức Oscars đều tận dụng thế mạnh công nghệ để tạo nên một sự kiện tuyệt vời nhất. Nếu trước đây, Oscars nổi tiếng với việc sử dụng radio, phát sóng trên truyền hình đến truyền hình trực tiếp thì ngày nay, các công nghệ mới như phần mềm tổ chức sự kiện, VR, công nghệ tương tác khán giả và khách mời đều được tận dụng triệt để khiến cho mỗi lễ trao giải là một sự kiện ấn tượng.
5. Chọn người dẫn chương trình chuẩn
Người dẫn chương trình không đơn giản là chỉ chăm chăm theo kịch bản và giới thiệu qua loa các phần rồi nhường chỗ cho nghệ sĩ. Tại Oscars, người dẫn chương trình là người kể chuyện, dẫn dắt chương trình đi từ phần này sang phần khác, tạo nên sự độc đáo và tính hấp dẫn riêng cho giải thưởng. Những người dẫn chương trình – host- đều là các tên tuổi nổi tiếng trong các chương trình truyền hình của Mỹ.
6. Sức mạnh của thương hiệu
Bên cạnh những thành tựu điện ảnh xuất chúng, tên tuổi Oscars dường như đã đi sâu vào tâm trí khán giả với hình ảnh người dẫn chương trình duyên dáng, những bộ cánh rực rỡ, đẳng cấp của các diễn viên, đặc biệt là tượng vàng Oscar – niềm mơ ước của bao nhiêu diễn viên nổi tiếng. Cái tên Oscar và những gì xảy ra xung quanh đó đều nghiễm nhiên trở thành đề tài thu hút cho báo chí và hiện lên trang nhất của tất cả các tờ báo nổi tiếng.
Với mỗi sự kiện, nhà tổ chức nên tạo ra các điểm đặc trưng độc đáo riêng để mỗi lần nhắc đến tên sự kiện là người ta đã liên tưởng ngay đến những điều đó.
7. Ai cũng thích sự cạnh tranh
Phải thừa nhận rằng, tiềm ẩn trong bản năng mỗi người là sự cạnh tranh hoặc ít nhất…thích xem người khác cạnh tranh. Đây cũng chính là lý do khiến Oscars thu hút đông đảo người theo dõi bởi sự cạnh tranh khốc liệt của hàng loạt tên tuổi xuất sắc và đình đám trong làng điện ảnh. Hãy nhớ xem khi Leonardo DiCaprio giành Oscar sau 5 lần thất bại trước đó, có bao nhiêu bài báo đưa tin, lượt like, share và meme (ảnh vui) được chế ra trên khắp các mạng xã hội.
Nguồn:blog.bizzabo.com
Dee Fan