Trên hành trình khẳng định và phát huy giá trị Thành phố sáng tạo của UNESCO, Hội An sẽ đặt người dân làm trung tâm, động lực của sáng tạo, đây là cơ hội để thành phố Hội An phát huy hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh để thúc đẩy phát triển, làm tốt công tác bảo tồn và gìn giữ di sản.
Tham gia vào mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu, Hội An có cơ hội để tham gia và tiếp cận với các hoạt động mang tính quốc tế: Liên hoan nghệ thuật dân gian quốc tế Hội An; Lễ hội đèn lồng quốc tế Hội An; Ngôi nhà sáng tạo Hội An.
Ngoài ra, Hội An sẽ có cơ hội hòa nhập vào môi trường sáng tạo của các đô thị trong nước thông qua những dự án: dự án gỗ Kim Bồng, dự án ươm mầm sáng tạo tài năng trẻ, dự án sáng tạo Hội An trong không gian kỹ thuật số cung cấp nền tảng để quảng bá thương hiệu Hội An và các dịch vụ tiếp cận cộng đồng.
Tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO là điều kiện thuận lợi để Hội An xác định thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên tất cả các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, kinh tế, du lịch… định vị mình xứng đáng với “danh hiệu” thành phố sáng tạo. Điều này sẽ đóng góp vào việc thu hút đầu tư, biến Hội An trở thành điểm đến cho các chương trình phát triển giáo dục, sự kiện văn hóa, giao lưu nghệ thuật nhằm mục tiêu phát triển bền vững.
Đây sẽ là liên kết để Hội An mở rộng mối quan hệ với thế giới, tăng cường các cơ hội hợp tác quốc tế, tiếp cận và học hỏi từ kinh nghiệm, giá trị tốt đẹp của các nền văn hóa, chuyên gia quốc tế, UNESCO và các thành phố, quốc gia khác, để linh hoạt tích hợp vào mô hình phát triển riêng của mình.
Nghệ nhân trẻ – Sáng tạo giá trị bản địa
Hội An hiện nay có 5 làng nghề truyền thống với gần 50 ngành nghề thủ công đang hoạt động tích cực, sôi nổi, có thể kể đến nghề mộc, nghề gốm, nghề làm đèn lồng, nghề làm tre dừa, may mặc, da giày,… Trong đó, 3 làng nghề và 1 ngành nghề truyền thống đã được công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia.
Thành phố hiện có tổng cộng 658 doanh nghiệp nhỏ và 1.710 hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Ước tính có khoảng 4.000 người lao động trực tiếp có thu nhập trung bình từ 3.500 đến 4.000 USD (80 triệu đến 100 triệu đồng) mỗi năm từ nghề thủ công và nghệ thuật dân gian.
Trò chuyện với anh Lê Ngọc Thuận (trú tại phường Cẩm An, TP Hội An), được biết gia đình anh phát triển nghề mộc, sáng tạo củi lũ (bè, thân gỗ, củi bị cuốn theo dòng nước lũ từ thượng nguồn về xuôi) thành các sản phẩm nghệ thuật độc đáo. Mỗi sản phẩm nghệ thuật được anh Thuận tạo đều ra mang theo những thông điệp, câu chuyện ý nghĩa về vấn đề giữ gìn, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ rừng… Hiện tại, khu chế tác mộc mang tên Làng củi lũ tại làng rau Trà Quế, xã Cẩm Hà, TP Hội An của anh Thuận là không gian trưng bày và trải nghiệm điêu khắc từ củi lũ thu hút sự quan tâm của du khách… Điều đáng nói, khu chế tác mộc của anh Thuận đến nay quy tụ hàng chục thợ lành nghề, tạo công ăn việc làm cho con em địa phương.
Anh Lê Ngọc Thuận cho biết: “Việc TP Hội An được công nhận là thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian là động lực để cộng đồng các nghệ sĩ, thợ thủ công, nhà điêu khắc và những người sáng tạo có thêm niềm tin, cảm hứng trong sáng tác. Nếu như trước đây chúng tôi hoạt động độc lập, tự tìm đến sự đồng cảm của người dân và du khách thì đây là cơ hội để chúng tôi có thể giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn của chính quyền”.
Cũng là người có nhiều đóng góp trên hành trình sáng tạo, nghệ nhân Võ Văn Tân (xã Cẩm thanh, TP. Hội An) đã phát triển nghề thủ công từ cây tre trên chính quê hương, góp phần đưa sản phẩm nghệ thuật từ tre đến với thế giới.
Dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân Võ Tấn Tân, những vật liệu quen thuộc bình dị từ nông thôn như cây tre hiện lên với những sáng tạo mới lạ, thân thiện với môi trường. Nhờ hàng trăm sản phẩm độc đáo, tinh tế và tỉ mỉ từ đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, xưởng làm tre của anh Tân đã trở thành điểm đến quen thuộc của du khách quốc tế mỗi khi đến Hội An.
Vừa qua, TP. Hội An ghi danh vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, có được thành quả ấy là đóng góp không nhỏ từ các làng nghề đã gìn giữ, từ các nghệ nhân tài hoa đang không ngừng sáng tạo, cống hiến công sức của mình, tạo ra những giá trị lớn lao cho thành phố.
Làm tốt công tác bảo tồn, gìn giữ di sản Hội An
Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An chia sẻ về giá trị sáng tạo của thành phố đã có hàng trăm năm lưu giữ, phát triển và được thể hiện ở rất nhiều chiều cạnh sáng tạo độc đáo của người Hội An.
Trong hơn hai thập kỷ qua, Hội An luôn đặt văn hóa làm trung tâm của quá trình phát triển, ngoài ra, thành phố cũng chú trọng bảo tồn các làng nghề truyền thống như làng gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, rau Trà Quế, tre dừa nước Cẩm Thanh…
Một số nghề hình thành từ khai thác giá trị văn hóa và thích ứng nhanh với thời đại như nghệ làm lồng đèn, nghề may đo nhanh, chế tác sản phẩm nghệ thuật từ gốc tre,… đã tạo ra nhiều giá trị độc đáo, riêng chỉ có ở Hội An, bên cạnh đó góp phần giải quyết vấn đề việc làm và tạo ra thu nhập cao cho người lao động.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND TP. Hội An, việc trở thành thành viên chính thức nằm trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là sự kiện có tầm ảnh hưởng và ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao vị thế, thương hiệu Hội An, lan tỏa các giá trị văn hóa đặc sắc của Hội An tới với bạn bè trong nước và quốc tế.
Đây vừa là niềm vinh dự, tự hào, đồng thời cũng là trọng trách to lớn của chính quyền và nhân dân thành phố trong việc nỗ lực thực hiện các chương trình hành động và sáng kiến đã cam kết và đề ra để mang lại các giá trị, lợi ích cao hơn cho cộng đồng, dân cư Hội An. Qua đó, toàn thể nhân dân cùng chính quyền thành phố chung tay góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, con người Hội An – Quảng Nam đến với bạn bè khắp năm châu.
Theo bà Nguyễn Phương Hòa – Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH-TT&DL), điều quan trọng khi trở thành thành phố sáng tạo là chính quyền các cấp và cộng đồng dân cư cùng phối hợp, đồng lòng đặt “văn hóa sáng tạo” vào trọng tâm của các chiến lược, chính sách phát triển kinh tế – xã hội, coi văn hóa sáng tạo là nguồn lực cũng như động lực để phát triển bền vững.
Hội An đang đứng trước rất nhiều cơ hội và tiềm năng đột phá lớn, trong đó có sự giao lưu, trao đổi, hội nhập với mạng lưới 350 thành phố khác đến từ hơn 100 quốc gia trên thế giới, cộng đồng hội tụ cả 6 lĩnh vực sáng tạo này sẽ là tấm gương đi trước, hỗ trợ và trở thành bài học kinh nghiệm giúp góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Hội An trở thành thành phố sinh thái – văn hóa – du lịch bền vững, truyền cảm hứng cho các thành phố trong nước và quốc tế.
“Bộ VH-TT&DL, cụ thể là Cục Hợp tác quốc tế cam kết sẽ luôn đồng hành, ủng hộ và sát cánh cùng chính quyền và nhân dân TP. Hội An để triển khai các sáng kiến và cam kết quốc tế, để Hội An không chỉ là “nơi hội tụ của sự an lành”, hạnh phúc, mảnh đất “nhân tình thuần hậu”, mà còn lan tỏa và kết nối nguồn tài nguyên vô tận, không ngừng tái tạo và chuyển động. Đó là sức sáng tạo của con người, những trí tuệ và tài năng trên thế giới để tạo nên những giá trị mới” – bà Nguyễn Phương Hòa nói.
Backstage News
Theo Báo Lạng Sơn