Kenny G - nghệ sĩ sắp tái ngộ khán giả ở concert tại Hà Nội - muốn ăn bún chả trong những ngày lưu diễn tại Việt Nam.
Kenny G sẽ trình diễn trong concert “Good Morning Vietnam” ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia, ngày 14/11, theo lời mời của báo Nhân Dân. Trước đêm diễn, nghệ sĩ sẽ có buổi giao lưu với báo chí chiều 13/11. Ông Nguyễn Thùy Dương, nhà sản xuất âm nhạc, đại diện ban tổ chức cho biết phía Kenny G đưa ra danh sách yêu cầu dài gần 60 trang, gồm chi tiết liên quan việc ăn ở, đi lại, các thiết bị kỹ thuật âm thanh, sân khấu, nhằm đảm bảo chất lượng cho liveshow.
Nghệ sĩ saxophone đến Việt Nam cùng sáu thành viên ban nhạc và đội nhân viên gồm hơn 10 người. Họ ở khách sạn năm sao, mỗi người có một phòng riêng. Riêng Kenny G ở phòng Tổng thống, có giá hàng nghìn USD. Ban tổ chức Việt Nam cân nhắc một số khách sạn hàng đầu ở Hà Nội, cuối cùng chọn địa điểm gần nơi biểu diễn.
Êkíp của ông đưa ra thực đơn đa dạng, nhằm đảm bảo năng lượng cho các thành viên. Thức ăn dành cho Kenny G chủ yếu đồ Âu, Nhật, với các món được trợ lý duyệt từ trước. “Trong lần đầu đến Việt Nam năm 2018, ông từng thưởng thức bún chả, rất ấn tượng, lần này muốn được ăn lại. Chúng tôi đặt món từ khách sạn để đảm bảo vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm”, ông Dương nói.
Để giữ sức khỏe, nghệ sĩ hạn chế di chuyển hoặc tham gia các hoạt động bên lề. Ông được đón từ sân bay bằng xe sang, bảo mật lịch trình. Lái xe là người thông thạo tiếng Anh, có thể trò chuyện về văn hóa, ẩm thực, thời tiết.
Ban tổ chức mua gói bảo hiểm cho từng thành viên trong đoàn của Kenny G, thông qua một công ty ở Singapore.
Với các yêu cầu kỹ thuật, êkíp Kenny G giữ nguyên so với lần biểu diễn trước
Các thiết bị trong nước hiện nay gần như đáp ứng đủ nhu cầu tổ chức concert nhạc pop, EDM. Tuy nhiên, với dòng smooth jazz chủ yếu dùng nhạc cụ mộc, Kenny G yêu cầu ưu tiên các thiết bị mộc, hài hòa những cây kèn cổ của ông.
Có kinh nghiệm từ lần tổ chức trước, ông Dương sang Nhật cách đây nửa năm để thuê lại hai bàn mixer (hệ thống điều chỉnh âm thanh). Một bàn dành cho Kenny G và ban nhạc trên sân khấu, một bàn khác dành cho khán giả, được ông ví như “trái tim của buổi diễn”. Chúng thuộc mẫu Yamaha PM5DRH version 2.25, có giá thuê hơn 30.000 USD.
Bộ gõ là loại LP Galaxy, được chế tác hầu hết bằng gỗ và có khả năng tạo ra âm thanh trung thực, trầm ấm, chuyên dành cho dòng nhạc Latin cũng như R&B, có giá thuê tương đương bàn mixer.
Bộ trống thuộc dòng “Phượng hoàng” (Phoenix) của hãng Yamaha, mua từ Mỹ với giá khoảng 30.000 USD. Ông Dương dự định hợp tác với các đơn vị cho thuê nhạc cụ để thu lại vốn. Ngoài tiền thuê, mua, nhạc cụ, đơn vị còn mất hàng chục nghìn USD vận chuyển thiết bị.
Đàn piano là dòng C7 của Yamaha, có nhiều ở Việt Nam, giá khoảng hơn 500 triệu đồng. Các thiết bị này đều cần dây dẫn, nguồn phát thích ứng, cũng thuộc các dòng mà Kenny G chọn. Ngoài ra, nghệ sĩ Mỹ yêu cầu bộ chân và giá của hãng Hercules, cho hai cây kèn Selmer Mark VI của ông.
Phía Kenny G cũng gửi sơ đồ chi tiết về set up sân khấu, thi công bục đứng, chính xác từng cm. Chẳng hạn, khoảng cách từ Kenny G tới bộ trống phải là 3,6 m, chiều cao bộ trống là 45 cm còn chiều cao sàn dành cho bộ gõ là 65 cm.
Trước ngày diễn, quản lý của nghệ sĩ saxophone sẽ tiến hành kiểm tra, nghiệm thu. Sự chính xác nhằm đảm bảo nghệ sĩ và các thành viên ban nhạc có thể giao tiếp trên sân khấu, phối hợp nhịp nhàng.
Về việc thống nhất nhạc mục, Kenny G chủ động chọn bài. Ban tổ chức Việt Nam tư vấn ông diễn các bản kinh điển, phù hợp gu nghe nhạc người Việt. Ông Thùy Dương chọn 3 bài dân ca là “Trống cơm”, “Bèo dạt mây trôi”, “Người ơi người ở đừng về”,để Kenny G nghe và chuyển soạn một bài sang smooth jazz. Nghệ sĩ cho biết đã tập một bài nhưng chưa tiết lộ để tạo bất ngờ.
Concert Kenny G ở Hà Nội thuộc chuyến lưu diễn “Miracles Holiday & Hits Tour”,chủ yếu ở Mỹ và một số nước châu Á. Ông lần đầu đến Việt Nam năm 2018, trong tour lưu diễn quảng bá cho album “Brazilian Nights”. Khi ấy, nghệ sĩ gây thiện cảm với khán giả nhờ tài nghệ thổi saxophone điêu luyện, cách nói chuyện hóm hỉnh. Với khán giả Việt, các bản nhạc của Kenny G thịnh hành từ những năm 1990, được thế hệ 7x, 8x yêu thích.
Theo VNExpress