Nếu doanh nghiệp hay tổ chức của bạn đang lên kế hoạch tổ chức các dự án cho cộng đồng, đây là khung tiêu chí giúp cho sự kiện của bạn trở nên hiệu quả hơn. Đó là khung tiêu chí M-A-U-D-E được xây dựng bởi Hội đồng ngành Sự kiện (EIC).
Theo nghiên cứu của SITE Index Benchmark, cứ 7 trong 10 chương trình mang ý nghĩa khích lệ thì có ít nhất 1 dự án CSR (Corporate Social Responsibility). Đây là các dự án thể hiện trách nhiệm đối với xã hội của các doanh nghiệp. Khung tiêu chí M-A-U-D-E dưới đây sẽ giúp bạn có thể lên kế hoạch cho một chương trình CSR mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng, người tham gia và chính tổ chức của bạn.
Nội dung
Khung tiêu chí M-A-U-D-E cho dự án cộng đồng
M – Meaningful (Ý nghĩa)
Dự án cộng đồng của bạn cần mang lại ý nghĩa lâu dài và bền vững.
A – Aligned (Sự phù hợp)
Đảm bảo dự án phù hợp với sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị của doanh nghiệp/ tổ chức.
U – Unique Skills (Khả năng độc đáo)
Dự án tận dụng được thế mạnh của tổ chức, bao gồm nguồn tài nguyên và những kỹ năng độc đáo.
D – Destination Specific (Điểm đến cụ thể)
Dự án sẽ giải quyết được nhu cầu cụ thể của địa phương.
E – Engaging (Sức hút)
Dự án tạo được sức hút và nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của người tham gia.
Mẹo ứng dụng khung tiêu chí M-A-U-D-E hiệu quả
Bắt đầu từ tổ chức của bạn:
Hãy liệt kê tất cả những điểm mạnh và lợi thế của tổ chức. Đó là những khía cạnh hoặc lĩnh vực mà tổ chức của bạn thực hiện tốt nhất. Việc tận dụng chính nguồn tài nguyên và khả năng của tổ chức giúp khuếch đại tác động của dự án. Đồng thời cách này cũng gia tăng sự hiệu quả và khả năng thành công của dự án.
Suy nghĩ dài hạn:
Hãy xem xét liệu bạn có cần hỗ trợ liên tục để dự án mang lại ý nghĩa dài lâu đối với cộng đồng hay không? Ví dụ, nếu bạn tham gia vào việc xây dựng một trường học cho trẻ em, làm thế nào để duy trì dự án đó? Ai sẽ cung cấp dịch vụ, đào tạo hoặc trang thiết bị cho dự án này?
Hợp tác với các tổ chức tại địa phương:
Các hội nhóm hỗ trợ cộng đồng hay thậm chí những doanh nghiệp quản lý tại điểm đến đều là nguồn lực tuyệt vời để bạn dựa vào trong việc phát triển dự án cộng đồng. Ví dụ, họ có thể phối hợp với nhiều tổ chức để cung cấp hỗ trợ dài lâu cho một dự án. Họ có thể có những kinh nghiệm quý báu giúp tối ưu hóa quá trình lập kế hoạch và đưa ra lời khuyên hữu ích.
Tránh Photo-Op CSR:
Tức là không tổ chức các dự án CSR chỉ nhằm mục đích được “lên hình” thay vì mang lại ý nghĩa đằng sau. Thực tế có rất nhiều doanh nghiệp liên tục thực hiện các dự án cộng đồng chỉ nhằm mục đích “đánh bóng tên tuổi”. Để dự án có ý nghĩa dài lâu, hãy đảm bảo các dự án đó mang lại tác động tích cực thực sự. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa bạn không thực hiện công tác truyền thông cho dự án của mình. Việc quảng bá các hoạt động có ý nghĩa của tổ chức vẫn được ủng hộ, miễn là nó có tác động tích cực thực sự.
Luôn chuẩn bị kỹ càng:
Đừng bỏ quên những kế hoạch quản lý rủi ro cho dự án của mình. Hãy vận dụng kinh nghiệm, áp dụng các thực hành tốt về an ninh, an toàn, sức khỏe và làm việc với nhà cung cấp bảo hiểm về dự án cộng đồng của bạn.
Khung tiêu chí MAUDE cho dự án cộng đồng được phát triển cho “Đạo đức và Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong ngành Hội nghị và Sự kiện”.
Nguồn: Hội đồng Ngành Sự kiện (EIC)