Sau sự thành công của năm thứ nhất, lễ hội 1 Big Summer ở Plymouth 2023 đã bị hủy bỏ do các vấn đề liên quan đến cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Khủng hoảng chi phí sinh hoạt được hiểu đơn giản là các chi phí liên quan tới xăng dầu, điện nước, đồ dùng sinh hoạt, hàng tạp hóa,… đều tăng giá, khiến người lao động chi tiêu nhiều hơn đối với các ngành hàng thiết yếu này. Nếu khủng hoảng này trở nên nghiêm trọng có thể dẫn tới sự sụt giảm tiền lương thực tế.
Sự kiện mất chỗ đứng vì… không có nghệ sĩ và tài trợ
Sự kiện 1 Big Summer bắt đầu mở bán vé vào năm ngoái, dự kiến diễn ra trên Plymouth Hoe, thành phố Plymouth tại Vương quốc Anh từ ngày 25-26 tháng 8. Vé sự kiện ghi nhận đã được bán hết.
Tuy nhiên, ban tổ chức thông tin lại chỉ có The Ibiza Orchestra gồm 26 thành viên được xác nhận tham gia trong sự kiện, những nghệ sĩ khách mời còn lại đều từ chối 1 Big Summer 2023 với lí do: Kinh phí và lợi ích kèm theo không đủ để giữ chân họ.
Người tổ chức cho biết trong một tuyên bố: “Một cơn bão lớn mang tên chi phí gia tăng, cắt tài trợ, các đơn vị du lịch và khách sạn chấm dứt hỗ trợ (giảm thuế VAT) và thu nhập khả dụng của người dân đã khiến sự kiện năm nay không thể đứng vững”.
Suy ra sự kiện đã gặp phải một dạng khó khăn xoay vòng:
- Khán giả đã có nhưng sẽ có ít cơ hội sử dụng thêm dịch vụ của sự kiện.
- Các nhà tài trợ cảm thấy sẽ không được lợi khi tham gia vào sự kiện vì khán giả không thuộc đối tượng của họ.
- Các đơn vị đồng hành mạnh tay với việc giảm giá dịch vụ do người tham dự không chi tiêu nhiều.
- Nghệ sĩ từ chối do chi phí ăn ở, đi lại cũng như thù lao không hấp dẫn từ 1 Big Summer.
Các nhà tổ chức xác nhận rằng tất cả những người có vé cho sự kiện năm nay sẽ được hoàn trả tự động trong vòng 21 ngày.
Khủng hoảng chi phí sinh hoạt trở thành thước đo thanh trừng sự kiện
Nguyên nhân của tình trạng khủng hoảng chi phí sinh hoạt hiện tại gồm các lí do chính:
- Kinh tế thế giới có nhiều bất định, khó lường, với chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng.
- Đứt gãy chuỗi cung ứng.
- Khủng hoảng lương thực.
- Đặc biệt khủng hoảng năng lượng do bất ổn địa chính trị.
- Nguồn cung không đáp ứng được nhu cầu tăng đột biến sau đại dịch nói chung.
Năm 2022, Việt Nam thành công trong kiểm soát lạm phát trước bối cảnh lạm phát thế giới tăng cao theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 01+02, tháng 01/2023. Chính vì thành công từ 2022, ngành công nghiệp sự kiện Việt Nam có bước nhảy vọt và trong thời điểm hiện tại mang lại một thị trường đa dạng, từ giải trí cho tới khoa học, kĩ thuật, xúc tiến thương mại,…
Trước câu chuyện đáng tiếc 1 Big Summer 2023 gặp phải, ngành sự kiện Việt Nam nói chung và các Event Agency nói riêng cũng không nằm ngoài nguy cơ tương tự và cần sáng tạo, phù hợp với nhận định của các chuyên gia kinh tế và định hướng của quốc gia:
- Chủ động nắm bắt, cập nhật thông tin và dự báo chính xác động thái thị trường, nhất là xu hướng, mức độ và lộ trình tăng giá, tăng lãi suất để chủ động trong xây dựng, điều chỉnh và thực hiện kế hoạch tài chính, kinh doanh.
- Nắm bắt và đánh giá cách các “đối thủ cạnh tranh” để phản ứng với tình huống, đồng thời giám sát tình hình sức khỏe và chất lượng hoạt động của các nhà cung cấp nguyên vật liệu sản xuất.
- Cải thiện hình ảnh thương hiệu, gia tăng lợi thế cạnh tranh và thu hút các nhà đầu tư.
- Chuyển sang xu hướng sự kiện bền vững sẽ giúp doanh nghiệp vượt lên trước đối thủ và tạo sự khác biệt cho thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường.
- Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đầu tư về công nghệ, nhân sự và các lĩnh vực khác để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng mang lại lợi ích lâu dài.
Backstage VN
Nguồn tổng hợp