Mặc cho các doanh nghiệp có đưa ra những cơ hội làm việc đầy hứa hẹn, chế độ phúc lợi đầy đủ và lương thưởng cạnh tranh để tìm kiếm những bản CV đạt chất lượng nhưng vẫn không tìm được người phù hợp, hoặc các hiền tài lúc nào cũng trong tâm thế sẵn sàng ra đi tìm chân trời mới.
Trước hết, hãy nói qua một chút về các nhân sự trẻ. Ở bài viết này, tôi không đề cập đến những bạn trẻ giỏi giang, tự lập và sớm thành công rực rỡ, bởi số đó không phải quá nhiều trong xã hội. Tôi nói đến rất nhiều bạn trẻ tôi từng gặp, đặc biệt là trong ngành tổ chức sự kiện. Đó là những con người còn trẻ về tuổi đời, tuổi nghề và khao khát tìm được một công việc “ưng ý”.
Điểm cộng lớn nhất là các bạn đều đang tràn đầy nhiệt huyết, sáng tạo, sẵn sàng cống hiến, ham học hỏi và làm việc đến quên thời gian. Thế nhưng kèm với đó, đa phần các bạn cũng rất dễ dàng từ bỏ một công việc vì nhiều lý do như: chưa xác định được mục tiêu sự nghiệp rõ ràng, thất vọng về sếp, thu nhập thấp, môi trường công ty không chuyên nghiệp như kỳ vọng, công việc nhàm chán hoặc quá vất vả v.v…
Tôi cũng gặp gỡ và nói chuyện với một vài anh chị trong ngành, những người đang có nhu cầu tìm nhân tài nhưng đều có chung một ca thán: “Lũ trẻ thời nay đi làm toàn tự coi mình là chuyên gia rồi nên khó bảo lắm, đến khi cho làm thử mới thấy chỉ toàn mớ lý thuyết suông. Hoặc lại có anh chị nói rằng: Bây giờ không tìm thấy đứa nào chịu được áp lực và lăn lộn với nghề cả…. Chất lượng nhân sự thời nay thực sự kém thế hay sao? Trong khi hàng loạt các trường đào tạo chứng chỉ quốc tế được mở ra, các khóa học với đầy đủ những kiến thức từ lý thuyết tới thực hành được quảng cáo tuyển sinh hàng ngày, vậy mà nguồn nhân sự trẻ và chất lượng trong ngành vẫn khan hiếm như thế?
Gần đây, tôi nhận thấy một nghịch lý khác: Doanh nghiệp hiện đang thu hút cực kỳ nhiều lao động trẻ, ngay cả trình độ cử nhân đại học tại Việt Nam lại là Grab và Uber. Tôi tự hỏi, không lẽ chất xám, sức khỏe của tuổi trẻ lại được mang ra để giành giật miếng cơm manh áo với những người đáng tuổi cha chú đang mưu sinh bằng nghề xe ôm đã nhiều năm nay?
Thỉnh thoảng tôi đi Grab và hay hỏi về mức thu nhập của họ cũng như tại sao họ lại chọn công việc này. Một cậu Grab bike nói rằng mới ra trường đang đợi xin việc nên chạy Grab và ship đồ kiếm thêm trong lúc rảnh rỗi. Tôi hỏi lại thế bao giờ thì hết rảnh rỗi, cậu trả lời không biết. Thu nhập trung bình hàng tháng của cậu này vào khoảng 12 triệu, chạy Grab từ 7h đến 22h và kiêm thêm làm shipper. Một anh lái Grab Car cũng rất trẻ khác thì có mức lương cao hơn (tôi không đặt câu hỏi này với những người đã lớn tuổi), khoảng hơn 20tr/tháng, làm việc từ 6h đến 23h hàng ngày. Điểm chung của công việc này là vẫn có một mức thu nhập tốt, dựa trên năng lực và sự chăm chỉ của bản thân, thời gian làm việc thoải mái và ít hao tổn trí não. Thật là hấp dẫn!
Thế nhưng sau một khoảng thời gian làm nghề, thử nhìn lại xem họ đã “tích lũy” được gì phát triển bản thân? Mỗi khoảnh khắc tuổi trẻ trôi qua đều rất đáng trân quý, sử dụng nó ra sao và hướng đến mục tiêu nào là điều mà không phải ai cũng dễ dàng nhận ra.
Viết đến đây, tôi muốn chia sẻ về câu chuyện của mình khi còn là một nhân sự “siêu trẻ”.
Năm 2008, hồi mới lò dò chân ướt chân ráo lên Hà Nội học, tôi đã mò mẫm đi tìm việc ở các website tuyển dụng. Bản thân chưa hề có chút kinh nghiệm nào với lĩnh vực truyền thông sự kiện nhưng “máu” quá, và nghĩ rằng không làm thì lấy đâu ra kinh nghiệm, thế nên ở đâu có đăng tuyển là tôi gửi CV.
Hồi đầu, CV của tôi chỉ là những dòng email ngắn gọn tự giới thiệu bản thân và liệt kê các công tác xã hội (do trước đấy tôi từng tham gia hoạt động các CLB khá nhiều). Tôi không yêu cầu mức lương và sẵn sàng thử việc đến khi đủ đáp ứng được yêu cầu của vị trí tuyển dụng.
Sau rất nhiều email không có phản hồi thì tôi cũng có được cuộc hẹn phỏng vấn đầu tiên với vị trí nhân viên kinh doanh tại một công ty truyền thông. Hồi hộp chuẩn bị rất kỹ cho buổi phỏng vấn thì khi đến nơi, tôi có chút hụt hẫng với công ty này. Văn phòng không giống như tôi tưởng tượng (công ty truyền thông phải có văn phòng sáng tạo hay “tối cũng tạo được” chứ, khung cảnh phải màu mè hoa lá cành giống như trong các bộ phim). Bên trong phòng cũng chỉ có 4, 5 bàn làm việc với một vài nhân viên đã bao gồm cả Giám đốc.
“Ok fine!” – Tôi tự nhủ. Dù sao cũng là lần đầu tiên đi phỏng vấn và được tiếp xúc với doanh nghiệp, thế nên không vấn đề gì, chủ yếu là đề cao tinh thần học hỏi trải nghiệm là chính. Thật may, với sự tự tin có thừa nên tôi vượt qua vòng phỏng vấn “một cách xuất sắc” với câu trả lời “bá đạo”: – Em chẳng có gì ngoài hai bàn tay và sự đam mê. Rất mong được học hỏi từ các anh chị và em sẵn sàng làm mọi thứ mà anh chị giao!
Phỏng vấn xong, tôi đi làm. Mọi chuyện không mượt mà như tôi tưởng, bởi tôi làm mãi không ra đơn hàng nào. Thế là tôi nghỉ làm sau 2 tháng với khoản tiền lương… 1,5 triệu kèm theo chút kinh nghiệm ít ỏi và mối quan hệ với những người được gọi là đồng nghiệp đầu tiên. Sau lần đó, tôi có thêm một vài lần nữa đi xin việc và làm việc ở những công ty khác với mức lương không lấy gì làm hấp dẫn lắm. Tuy nhiên, như thế là quá đủ với một đứa sinh viên đang đi học và mong muốn tìm kiếm trải nghiệm hơn là kiếm tiền như tôi.
Rồi dần dà, tôi lân la vào các CLB, học hỏi kinh nghiệm về tổ chức sự kiện trên một diễn đàn lớn thời bấy giờ. Tôi cũng đứng ra tổ chức offline cho CLB bằng cách liên hệ với những người phụ trách diễn đàn ở Hà Nội, tự đi tìm địa điểm, xin tài trợ và kêu gọi người tham dự, hoàn toàn miễn phí. Tôi đã bắt đầu nghề tổ chức sự kiện như thế, với những công việc có mức lương cực kỳ thấp, thậm chí làm làm miễn phí trong các môi trường không hề “chuyên nghiệp” như tưởng tượng. Tôi luôn muốn quăng mình ra trước để tự tay nhặt nhạnh những thứ mà tôi cho rằng sẽ là những mảnh ghép giá trị trên con tàu đang tiến về phía trước của chính mình.
Trở lại câu chuyện tuyển dụng với nhiều trăn trở từ cả hai phía: Doanh nghiệp và người lao động. Tại sao các bạn trẻ mới ra trường thì kêu ca không tìm được việc ưng ý, kêu thị trường ngày càng cạnh tranh, mức lương rẻ mạt nên các bạn chuyển sang làm công việc lao động phổ thông để có thu nhập tốt, còn doanh nghiệp thì tuyển mãi không có người đáp ứng được yêu cầu?
Yếu tố vĩ mô thường được nhắc tới để “đổ lỗi” khi bàn về vấn đề này là hệ thống giáo dục. Thế nhưng, đứng dưới góc độ là một người làm việc, tôi cho rằng yếu tố quan trọng nhất để giải quyết mọi vấn đề nằm ở tư duy của các bạn trẻ. Bạn muốn thay đổi thực trạng của mình, hãy thay đổi tư duy.
- Đi làm sớm, va vấp sớm
Đừng đợi tới khi ra trường, đừng đợi tới khi bị áp lực về tiền mới tìm việc và muốn đi làm, nhất là khi bạn muốn làm việc trong ngành sự kiện. Bằng mọi cách, hãy tìm kiếm các trải nghiệm liên-quan-về-nghề càng sớm càng tốt để gia tăng ưu thế cạnh tranh cho bản thân trên thị trường lao động. Làm được điều này, cơ hội nghề nghiệp dành cho cho các bạn có rất nhiều, bởi các đối thủ cạnh tranh đang bận đi chạy Uber, Grab hết rồi.
- Làm tốt hết khả năng có thể, biến sở thích thành một nghề nghiệp
Không phải ai cũng xác định rõ được mục tiêu nghề nghiệp, đam mê hay sở thích ngay từ những ngày đầu đi làm. Thế nhưng, bạn hãy nuôi cho mình quyết tâm làm tốt bất cứ công việc nào nhận được, bởi chỉ qua quá trình lăn lộn với công việc, bạn mới nhận ra mình thật sự thích điều gì. Và khi đã xác định được nó, hãy nâng nó lên thành sự nghiệp cần theo đuổi và phấn đấu trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực đó. Nếu thích chơi điện tử hãy đặt mục tiêu trở thành Chim Sẻ Đi Nắng, nếu thích đi du lịch hãy phấn đấu là một Huyền Chip hay Tùng Lâm, thích chơi thể thao thì phải khát khao trở thành Nguyễn Trần Duy Nhất…
- Bạn có năng lực và hành xử chuyên nghiệp, nhà tuyển dụng tự khắc sẽ chuyên nghiệp với bạn
Khi có kinh nghiệm làm việc, có mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng và tự tin vào năng lực của mình, đừng lo là cơ hội tốt sẽ không tìm đến bạn. Và cũng đừng đặt tâm lý là phải vào ngay một môi trường làm việc chuyên nghiệp thì mới “xứng tầm” để bạn cống hiến. Môi trường làm việc một phần là do bạn tạo ra, hơn nữa, công việc nào và người nào bạn gặp cũng sẽ dạy bạn được một điều gì đó. Vậy nên, thay vì kỳ vọng vào môi trường xung quanh hay nhà tuyển dụng, hãy đặt kỳ vọng cao nhất lên chính bản thân mình và tập trung tìm kiếm cơ hội, lo làm việc cho thật tốt.
- Đừng vội coi lương thưởng, thu nhập là yếu tố quan trọng nhất khi bạn còn trẻ
Thu nhập cao tất nhiên là điều ai cũng mong muốn có được sớm, nhưng đặt trong tâm thế là một người trẻ đang cần có một công việc – cũng là cái “cần câu cơm” bền vững, hãy đặt mức lương lên bàn cân cùng các yếu tố khác để quyết định. Với cá nhân tôi, được trải nghiệm thực tế và tích lũy những kinh nghiệm làm nghề, tạo dựng các mối quan hệ cần thiết sẽ theo mình trong suốt 20, 30 năm tới mới là điều quan trọng nhất.
Nói đi thì cũng phải nói lại, đối với các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này cũng cần có sự cải thiện về chế độ đãi ngộ và tạo dựng môi trường làm việc đủ hấp dẫn để lôi kéo nhân sự giỏi muốn cống hiến và gắn bó lâu dài với mình. Việc tận dụng nhân sự giá rẻ bằng cách thuê họ theo thời vụ, đào thải nhân sự liên tục mà không quan tâm đáp ứng các chế độ phúc lợi, mang tới cơ hội đào tạo hay thăng tiến cho nhân viên sẽ không phải là hướng đi khôn ngoan để tiến xa trong ngành, nhất là khi tới đây rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài sẽ tiếp cận thị trường Việt Nam và nhân sự giỏi càng có thêm nhiều lựa chọn nghề nghiệp hấp dẫn khác mời gọi.
Trên đây là một vài chia sẻ mang tính cá nhân của tôi dành cho các bạn đang là sinh viên hoặc đang muốn dấn thân cho nghề sự kiện. Mong rằng sẽ ngày càng có nhiều bạn trẻ có trình độ chuyên môn tốt, có nhiều kinh nghiệm làm việc gia nhập ngành để nâng tầm chất lượng của ngành sự kiện tại Việt Nam lên cao hơn nữa.
Phạm Xuân Quý
Đọc thêm: