Ế vé dẫn đến việc phải hủy show là bài toán muôn thuở mà ngay cả những nghệ sĩ lớn cũng từng phải trải qua.
Show diễn ế vé là một điều mà không một nghệ sĩ nào mong muốn đối mặt, nhưng đó lại là điều không thể tránh khỏi. Thậm chí, những tên tuổi lớn và đình đám cũng đã từng phải ngậm ngùi hủy show vì bán vé ế ẩm, không đủ kinh phí thực hiện chương trình. Tình trạng này không chỉ gây thất vọng cho khán giả, những người tổ chức mà còn ảnh hưởng đến ngành giải trí nói chung.
Vậy đâu là những nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng này?
Nội dung
1. Chất lượng chương trình & tên tuổi nghệ sĩ
Nhà báo Hoàng Hà từng chia sẻ, về tình trạng show diễn “ế vé”, lý do quan trọng hơn cả là “tên tuổi ca sĩ át chủ bài không đủ sức hút để giải quyết được 50%-60% lượng vé dự kiến của show (phần còn lại là fan của ca sĩ khách mời)”. Những chương trình thiếu điểm nhấn, thiếu tên tuổi nghệ sĩ nổi tiếng hay không có nội dung đặc sắc thường khó thu hút được sự quan tâm. Ngoài ra, nếu có quá nhiều sự kiện với format tương tự diễn ra cùng thời gian, khán giả sẽ bị phân tâm trong quá trình mua vé vì có quá nhiều lựa chọn.
Điển hình là sự việc nữ siêu sao Jennifer Lopez mới đây vừa phải hủy loạt đêm diễn vì tỷ lệ lấp đầy chỉ khoảng 50-70%. Nhiều ý kiến cho rằng các show diễn của cô ế ẩm bởi hiện tại, Jennifer Lopez đã không còn sức hút như trước. Minh chứng là mức độ thành công của album cũng như tốc độ bán vé của cô đều gây thất vọng, thậm chí bộ phim mới nhất mà cô tham gia cũng bị giới phê bình chê bai nặng nề.
2. Chiến lược tiếp thị và quảng bá chưa hiệu quả
Hiện nay hầu hết các liveshow, concert đều chú trọng vào hoạt động quảng bá trên các nền tảng online mà quên các phương thức khuyến mại hay hoạt động ngoài trời để khán giả chú ý và chia sẻ rộng rãi thông tin sự kiện. Việc không tận dụng tốt các kênh truyền thông hoặc không có chiến lược quảng bá rõ ràng có thể khiến cho nhiều sự kiện gặp khó khăn trong việc tiếp cận khán giả tiềm năng.
Có thể kể đến sự việc đại nhạc hội Kpop ở Mỹ Đình (Hà Nội) cuối năm 2023 đã nhận về nhiều chỉ trích dữ dội vì khâu quảng bá không rõ ràng, cách công bố nghệ sĩ “nhỏ giọt” khiến khán giả không thể nhanh chóng quyết định mua vé, đặt vé máy bay, khách sạn. Điều này trở thành một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng show diễn “ế vé” và phải hủy tổ chức vì không đảm bảo kinh phí.
3. Giá vé quá cao hoặc không tương xứng
Một lý do khác khiến đại nhạc hội Kpop ở Mỹ Đình bán vé chậm chính là giá vé cao hơn so với mặt bằng chung, trong khi quyền lợi của khán giả bị “chê” là ít ỏi, không rõ ràng. Với mức giá 15 triệu đồng, nhiều người hâm mộ Việt Nam bày tỏ thà dùng số tiền đó để xem concert riêng dài 2-3 tiếng của thần tượng, còn đáng giá hơn nhiều so với chương trình âm nhạc tổng hợp, chỉ có thể gặp nghệ sĩ chỉ trong vài phút.
Cũng trong năm 2023, show nhạc EDM Weekend Voyage Vietnam chỉ trước 1 ngày đã khiến nhiều khán giả bức xúc. Lý do được BTC đưa ra là “do những tình huống không lường trước được, chúng tôi không thể đảm bảo kinh phí cần thiết để thực hiện sự kiện theo kế hoạch”. Đáng chú ý, giá vé cao nhất để tham dự sự kiện này lên đến 145 triệu đồng (gói Diamond – VIP dành cho nhóm 8 người).
4. Địa điểm và thời gian tổ chức chưa phù hợp
Một sự kiện diễn ra vào thời gian khán giả mục tiêu bận rộn, hoặc trùng với nhiều sự kiện khác, sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút khán giả.
Ví dụ, show diễn Renaissance của Beyoncé tại Pittsburgh (Mỹ) hồi tháng 8/2023 đã phải hủy bỏ khi chỉ tiêu thụ được 70% số vé mở bán. Lý do “ế vé” được cho rằng, phần lớn khán giả đã phân bổ sang 2 đêm concert “cháy vé” của Taylor Swift diễn ra trước đó hơn 1 tháng.
Hay mới đây, đêm nhạc Mây Concert của đơn vị tổ chức Mây Lang Thang đã phải nhận công văn yêu cầu tạm dừng sự kiện tại Hà Nội vì đất nước vừa trải qua Quốc tang nhiều đau thương, chưa phải thời điểm thích hợp để diễn ra một sự kiện vui chơi, giải trí.
Ngoài vấn đề về thời gian tổ chức, địa điểm diễn ra sự kiện nếu ở quá xa hoặc không thuận tiện di chuyển cũng có thể khiến những khán giả tiềm năng từ chối tham dự.
5. Xu hướng và sở thích của khán giả
Trong bối cảnh ngành công nghiệp giải trí phát triển nhanh chóng, xu hướng và sở thích của khán giả ngày càng trở nên đa dạng và thay đổi liên tục. Hiện nay, các dòng nhạc điện tử, hip-hop và indie đang ngày càng phổ biến và thu hút khán giả, đặc biệt là thế hệ Gen Z, trong khi những dòng nhạc truyền thống đang có xu hướng bị giảm sự quan tâm.
Ví dụ như giữa tháng 7 vừa qua, một chương trình nhạc Rock nổi tiếng tại Việt Nam vừa phải thông báo hủy tổ chức vì không bán được vé, dù giá vé không cao so với thị trường chung. BTC của sự kiện này cho biết, “dù đã nỗ lực quảng bá nhưng có nhiều chương trình cạnh tranh dẫn đến chương trình thiếu đi sự quan tâm của công chúng.”
Hay mới đây, 2 đêm concert kỷ niệm 30 năm hoạt động của diva Hà Trần cũng được nữ ca sĩ ngậm ngùi thông báo “hoãn vô thời hạn” vì không đủ kinh phí thực hiện. Dù không nói ra trực tiếp nhưng ai cũng có thể hiểu, ekip chương trình gặp không ít khó khăn trong quá trình thuyết phục khán giả mua vé.
Ngoài ra, những phản ứng của khán giả cũng có thể quyết định sự thành bại của một sự kiện. Vừa qua, trang Ticketmaster của Mỹ đã ghi nhận các show diễn của HyunA tại Mỹ đã bị hủy vì bán vé ế ẩm. Nguyên nhân được cho là người hâm mộ đã tẩy chay các show diễn của HyunA để bày tỏ sự phản đối quyết định kết hôn của nữ ca sĩ với Yong Jun Hyung – người có liên quan tới vụ án Burning Sun “chấn động” giới Hàn Quốc.
Ngoài những nguyên nhân “ế vé” phổ biến trên, rất nhiều lý do khác cũng được ghi nhận có thể trở thành yếu tố cản trở tốc độ bán vé của một sự kiện hay show diễn như: điều kiện kinh tế ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng của khán giả; thói quen chi tiêu giải trí của khán giả; nhu cầu thị trường; vấn nạn phe vé, đẩy giá vé lên cao; uy tín của nghệ sĩ hoặc đơn vị tổ chức;…
Backstage News