“Những lúc đi nước ngoài tôi luôn cố gắng đến một nhà hát nào đó xem, để biết và… để cảm thấy tủi thân. Nói thật, vào xem rồi, tôi chỉ muốn khóc thôi”, nghệ sĩ Ái Như chia sẻ.
Sân khấu kịch không bao giờ ổn định
– Vừa qua, nghệ sĩ Ái Như gặp một sự cố sân khấu khiến chị bị chấn thương, phải tĩnh dưỡng trong khoảng thời gian dài, hiện tình hình sức khỏe của chị như thế nào?
Tôi bị chấn thương cột sống do sơ suất của mình trong khi sân khấu đang tắt đèn chuyển cảnh diễn. May mắn là tôi đã dần hồi phục và có thể trở lại làm việc vào đầu tháng 9 tới. Nhân đây, tôi xin gửi lời cảm ơn quý khán giả đã rất thương mến đến thăm cũng như gửi lời thăm hỏi trong thời gian qua…
– Ở sân khấu Hoàng Thái Thanh, chị vừa là diễn viên, vừa là bà bầu, chị gặp khó khăn gì? Chị làm sao để có thể cân đối được hai vai trò đó?
“Thân lừa ưa nặng” thì phải ráng chịu thôi chứ biết sao giờ (cười). Tôi vừa là đạo diễn, tìm người viết kịch bản, dàn dựng và tham gia các vai diễn… rồi còn cùng với các diễn viên cũng là nhân viên điều hành kế hoạch công ty, như: diễn viên Nguyễn Long,Thế Hải, Tấn Đạt, Công Hiển…
Sân khấu có giám đốc là đạo diễn Thành Hội làm đầu tàu, anh và tôi chia việc ra làm. Chứ mình tôi ôm hết chắc tôi… chết lâu rồi. Còn những bộ phận khác về kỹ thuật âm thanh, ánh sáng thì người nào lo việc nấy, nhưng chúng tôi phải quán xuyến làm sao cho công ty chạy việc được.
– Là người điều hành, gánh nặng chi phí tăng cao, chị phải làm sao để vượt qua giai đoạn khó khăn này?
Trong một thời gian ngắn chúng tôi có giảm phần trăm lương nhưng sau đó trở lại bình thường để anh em có thể yên tâm tiếp tục ở lại công ty làm việc, bởi vì mỗi người đều có gánh nặng gia đình riêng.
Nếu không giữ người lúc này, sau đó chúng tôi sẽ gặp khó khăn khi phải tìm kiếm người thạo việc. Vì ở Hoàng Thái Thanh, một nhân viên lo đảm nhiệm phần việc riêng, khi nhận vào họ được đào tạo công việc chuyên môn riêng. Mỗi người một việc, người nắm công đoạn này cho vở diễn, người khác lại nắm công đoạn kia. Nếu lỡ một nhân viên nghỉ, việc chuyển qua người khác, dù sổ sách có ghi chép nhưng vẫn phải tập tành, phối hợp với kỹ thuật, âm thanh, ánh sáng… Vậy nên khi thay một người trong “đoàn tàu” đó sẽ rất lộn xộn, tốn thời gian và mất sức.
– Sân khấu của mình là ‘sân khấu xã hội hóa’, vì sao chị không kêu gọi một doanh nghiệp hoặc nhà tài trợ nào đó để cùng đồng hành?
Không ai muốn đồng hành với một sân khấu hay công ty mà họ không nhận được quyền lợi gì. Ví dụ, một gameshow truyền hình sẽ có thể để bảng hiệu nhãn hàng, còn trên sân khấu không được quảng cáo gì hết; gameshow hàng triệu người xem, còn với kịch, một đêm tôi bán vé được nhiều nhất cũng chỉ có 400 vé… Tất cả những điều đó người ta liếc qua đã thấy không hợp lý nên người ta đâu có đầu tư.
Còn nếu như người ta bỏ vốn cùng với mình, là một nhà đầu tư thì tất nhiên phải ‘làm gì để có lợi nhuận’, còn chúng tôi lại muốn làm nghệ thuật mà mình mong muốn. Nếu hai điều đó không đi cùng với nhau thì sao? Lúc đó sẽ có những sứt mẻ, những đổ vỡ… Thôi chúng tôi thích cái gì thì tự làm hết cho rồi (cười).
– Có khi nào chị cảm thấy mệt mỏi, chỉ muốn tự do không còn muốn gánh nặng những điều đó nữa hay không?
Có chứ! Trước khi có sân khấu Hoàng Thái Thanh, chúng tôi đã có lúc cảm thấy rất mỏi mệt muốn dừng lại. Không phải bỏ nghề mà dừng lại để mình cảm thấy được thoải mái nhẹ nhàng. Nhưng dừng lại mấy tháng thì giống như một cái duyên để tôi tiếp tục đến bây giờ.
– Chị có thể trải lòng về khoảng thời gian đó?
Tôi dừng lại khoảng tháng 4 năm 2009, mấy tháng sau có duyên nợ để 2010 lại ra đời Sân khấu Hoàng Thái Thanh. Rồi cuốn theo “cơn lốc” đó suốt 10 năm nay, mệt dễ sợ luôn. Nhưng mệt rồi thì ngồi xuống nghỉ một chút, chứ bây giờ gánh nặng trách nhiệm nhiều hơn.
Trước kia tôi rất thoải mái, muốn dừng lúc nào thì dừng, muốn viết lúc nào thì viết, diễn thì diễn… Nhưng sau này là cả một công ty, hai mươi mấy nhân viên cùng với chúng tôi, lúc đó tôi không dám mặc kệ. Nghỉ đỡ mệt rồi thì dậy làm tiếp.
Thành ra trong đợt dịch này là dịp tôi ở nhà, lắng lại một khoảng thời gian để đầu óc rỗng đi, không suy nghĩ gì hết. Dù sao tôi cứ coi đó là thời gian nghỉ ngơi đi, mặc dù rất là tốn kém (cười lớn).
– Ở sân khấu mình, chị tâm đắc nhất vở diễn nào? Vở nào diễn dài nhất và lâu nhất?
Nói ra thì tụi nó sẽ buồn nên đứa nào tôi cũng thương. 49 vở tôi đều thương, có thể những vở đã lâu không diễn thì sẽ quên, nhưng mà mỗi vở đều có một kỷ niệm riêng. Tôi biết vậy nên cố gắng công bằng, cha mẹ phải vậy chớ (cười).
Nếu mà tính theo vở lâu nhất thì có mấy vở lận, như: Ngôi nhà thiếu đàn bà ra đời từ năm 2005, Hãy khóc đi em năm 2004… Còn có các vở đã dựng trước đó rồi, mang về lại Hoàng Thái Thanh diễn cho tới bây giờ như Người điên trong ngôi nhà cổ, Cơn Mê cuối cùng… Nhưng mỗi lần làm lại chúng tôi đều ra mắt như một phiên bản mới, bởi vì chúng tôi luôn tìm thấy những điều mới mẻ thôi thúc mình bắt tay vào.
Đi nước ngoài tôi đến nhà hát xem, để biết và… để khóc vì tủi thân
– Có thể thấy sân khấu kịch hiện tại khó khăn chồng chất, vậy niềm vui lớn nhất của chị trong công việc mình đang theo đuổi là gì? Điều gì giữ chị lại với sân khấu?
Những giọt nước mắt, những nụ cười của khán giả. Chính những cảm xúc đó giúp tôi đứng được. Và còn nữa – những người cùng chúng tôi đồng cam cộng khổ giúp tôi mạnh mẽ sau những buồn phiền.
– Mình không tính được đường xa đúng không chị?
Hơi đâu mà tính đường xa. Tôi đã ở cái tuổi về chiều, có thể làm được điều mình thích thì làm. Mỏi mệt chứ! Nhưng tôi đang xốc mình lên. Còn sức để đi, có thể tô điểm được cho nghệ thuật đến bao giờ tiền trong túi hết, sức khỏe cũng cạn thì nghỉ. Yêu và được làm điều mình yêu là hạnh phúc rồi, chứ để nổi tiếng thì phải làm cái gì khác chứ làm sân khấu lúc này chắc hơi bị khờ!
– Người ta nói là bầu gánh giống như một “cái nghiệp”, chị có tin và nghĩ như thế nào về nhận định này?
Mang cái chữ ‘nghiệp’ chi cho nó nặng. Tôi cứ nghĩ trước kia tôi muốn có sân khấu để được làm những điều tôi mơ trong công việc đạo diễn, có những cái mảng miếng có thể dàn dựng. Giờ tôi đã làm được rồi và được công chúng đón nhận. Đôi khi đạt được cái này phải đi kèm với những khó nhọc khác.
Không ai tự nhiên mà trở thành danh họa, tự nhiên có thể múa ba lê… tất cả phải khổ luyện. Như nhà nông phải trồng cây, chăm bón mới ra quả, nếu mình muốn vậy thì mình phải cực.
“Cực quá, trời ơi cực quá”… ai biểu mình chọn chi, mình chọn nên phải có trách nhiệm, nghĩ vậy cho nhẹ nhàng.
Nhưng mà có những lúc, có những sự việc làm cho tôi cảm thấy uất ức, tôi buồn và tổn thương. Nhiều khi nghĩ không biết mình là bầu hay là osin nữa… Bởi vì bây giờ sân khấu không còn như thời hoàng kim xưa, và mình phải chấp nhận điều đó. Cũng lại là nghĩ vậy cho nhẹ.
– Trong 10 năm chăm chút sân khấu Hoàng Thái Thanh, chị có theo dõi kịch thế giới, hay mình học hỏi thêm bên ngoài để giúp sân khấu tốt hơn?
Những lúc đi nước ngoài tôi luôn cố gắng đến một nhà hát nào đó để xem, để biết và… để cảm thấy tủi thân. Nói thật, khi đến xem, tôi chỉ muốn khóc thôi.
Ở đây, chúng tôi không có nhà hát hay một sân khấu đúng nghĩa. Chúng tôi phải đi tìm kiếm, thuê mướn, tự lo mọi trang trải và những nơi chúng tôi dừng lại không đầy đủ phương tiện. Chúng tôi phải cố gắng làm sao để diễn được một cách tương đối nhất, tử tế nhất trong khả năng của chúng tôi. Những điều đó còn không có thì lấy gì để so cùng với thế giới?
– Có nghĩa là cơ sở vật chất căn bản của nghệ thuật chúng ta chưa có gì?
Khi người ta đến một đất nước, một thành phố để du lịch thì nhà hát là nơi để họ có thể nhìn thấy nét đẹp văn hóa. Bây giờ bạn có thấy ở Sài Gòn, nhà hát kịch thành phố cũng đang rất khó khăn để sáng đèn; những sân khấu sáng đèn thường xuyên là sân khấu tư nhân, chúng tôi tự “chòi đạp” và sống sao được thì sống. Những quán cà phê kịch các bạn cũng đang cố gắng. Lẽ ra đó phải là một câu hỏi lớn nhưng mà chưa ai trả lời hết.
– Riêng bản thân chị, chị cảm thấy đã tự hào nhất điều gì mình đã làm cho nghệ thuật sân khấu?
Điều tôi cảm thấy được vỗ về bản thân là chúng tôi và ê-kíp đã cố gắng để khán giả biết đến Sài Gòn có một Hoàng Thái Thanh, tôi cảm thấy hãnh diện về điều đó.
– Thời trẻ mình mơ mộng cái này, cái kia thì bây giờ chị cảm thấy mình đã làm được điều gì?
Tôi theo được con đường mà tôi yêu quý. Mỗi người có một lý tưởng cho cuộc sống của mình, theo được đúng đam mê, sống được với đam mê của mình đó là hạnh phúc rồi còn muốn gì hơn nữa.
– Để giữ đam mê có vất vả lắm không chị?
Có chứ, mệt chứ, mệt lắm á!
– Xin cảm ơn nghệ sĩ Ái Như đã chia sẻ.
Nguồn: Băng Châu (Dân trí)