Trong tháng 10 vừa qua, team Backstage đã có dịp đến Bangkok (ThaiLand) để thưởng thức vở nhạc kịch ăn khách suốt 2 thập kỷ qua - The Lion King Musical. Bạn có tò mò về vở nhạc kịch này không? Hãy cùng đọc bài chia sẻ của team Backstage dưới đây để hiểu thêm về tác phẩm này nhé!
The Lion King Musical là một vở nhạc kịch được xây dựng dựa trên bộ phim hoạt hình cùng tên của Walt Disney Animation Studios năm 1994. Lấy bối cảnh thiên nhiên hoang dã của Phi Châu, câu chuyện kể về hành trình trưởng thành khắc nghiệt của Simba – con trai Mufasa – vị vua thống trị vùng đất hoang dã có tên gọi Pride Rock (vùng đất tự hào).
Scar là chú của Simba, ông ta vô cùng độc ác và tham vọng. Vì muốn chiếm ngôi vua để cai trị muôn loài, Scar đã phối hợp với bầy linh cẩu hoang, dàn dựng nên cái chết của Mufasa và đổ mọi tội lỗi cho Simba. Như vậy vừa tiêu diệt được đối thủ, vừa gây nên sự ân hận trong người cháu ruột bé nhỏ Simba.
Simba bé bỏng suy sụp tinh thần, ra đi với nỗi ân hận vô bờ về cái chết của cha. Cậu lang thang rồi kết bạn với lợn rừng Pumba và chồn đất Timon, sống một cuộc sống tự do và trốn tránh về gốc gác của mình. Cho đến một ngày Simba gặp lại người cha kính yêu trong giấc mộng ngắn ngủi, cậu đã quyết định trở về Pride Rock để chiến đấu chống lại Scar và bè lũ linh cẩu độc ác, đem lại cuộc sống thanh bình cho vùng đất này.
Đã có rất nhiều bài review, phân tích về những ẩn ý sâu xa của nội dung bộ phim (vở nhạc kịch) này, và đứng từ vị trí sản xuất, Backstage muốn chia sẻ một vài cảm nhận, góc nhìn (cá nhân) về thiết kế bối cảnh, dàn dựng sân khấu tại The Lion King Musical. Rất hy vọng, bài viết này sẽ mang lại những điều hữu ích cho bạn đọc!
Trước khi đọc thì chúng mình cùng xem trailer của vở nhạc kịch này nhé!
PHẦN 1: THIẾT KẾ BỐI CẢNH
Phần mở đầu của The Lion King Musical khiến mình choáng ngợp và có chút run rẩy bồi hồi. Ngay khi giọng hát của Lão khỉ già Rafiki cất lên câu hát đầu tiên của bài hátCircle_of_life mình đã muốn hú hét lên vài tiếng nhưng phải mím môi kiềm chế ấy. Tấm rèm sân khấu được kéo nhẹ lên, từ màn đêm đen kịt ánh sáng mặt trời dần dần xuất hiện từng lớp từng lớp cho tới khi mặt trời nhô lên sáng rực rỡ.
Cách mà team sản xuất sử dụng các thanh nan tre đan lại thành tấm mành thả treo và kéo dần lên thật vô cùng thông minh và tinh tế. Cách xử lý bối cảnh gọn nhẹ và đặc biệt hiệu ứng ánh sáng cho màn này quá sức xuất sắc, và mượt mà, khiến cho khung cảnh sa mạc rộng lớn trong bản hoạt hình hiện lên chân thực, sống động hơn bao giờ hết.
Tiếp theo là hình ảnh về Pride Rock – vùng đất mà vua Mufasa trị vì. “Pride” vừa có nghĩa là “niềm tự hào, kiêu hãnh” và có nghĩa là “một đàn sư tử” trong tiếng Anh. Vì thế Pride Rock vừa có thể hiểu là “mỏm đá kiêu hãnh” vừa có thể hiểu là “vùng đất bất khả xâm phạm của bầy sư tử”. Ở đây đội ngũ sản xuất đã thiết kế “mỏm đá kiêu hãnh” cực kỳ đơn giản như một khối những bậc thang đặt trên hệ thống sân khấu quay (revolving stage) khiến cho khán giả có cảm giác như đang xem một thước phim điện ảnh quay chậm vô cùng tráng lệ. Phải chăng ý rằng “lòng kiêu hãnh luôn là một thứ tồn tại mãnh liệt” như cái cách mà Mufasa nói với Simba trong giấc mộng ảo ảnh “Hãy nhớ con là ai. Con là con trai ta, và là vị vua thực sự!”
Khung cảnh khiến mình bắt đầu khóc như một đứa trẻ chính là khung cảnh màn trời đêm đầy sao, sau đoạn Simba không nghe lời cha, đi vào vùng cấm phía Đông – nơi có những con linh cẩu trực hoang trực chờ làm thịt tất cả những con mồi nào ghé qua. Đôi mắt mình bị hút vào tấm màn sao đặc biệt làm tinh tế ấy, phải làm đến vài ba lớp màn chồng lên nhau mới tạo ra khung cảnh màn trời đêm đen có những ngôi sao to nhỏ khác nhau, lấp ló xa xăm huyền ảo, đẹp đến mộng mị. Rồi mắt mình cứ nhòa đi, chỉ còn nghe được đoạn hội thoại giữa hai cha con Mufasa và Simba, nó làm mình nhớ đến ngày mình còn nhỏ cũng hay nằm nói chuyện với bố như thế. Mình cũng đã từng giống như Simba, cũng muốn thể hiện mình là người lớn (dũng mãnh, can đảm), mình cũng từng làm cho bố buồn, nhưng bố lại luôn bao dung, che chở, dõi theo và ủng hộ hệt như Mufasa. Đoạn gần cuối cũng là một cảnh màn đêm đầy sao, khi Simba gặp lại Mufasa trong cơn ảo ảnh, mình lại ngon lành khóc lần nữa, là vì nó thật quá. Những người múa rối mặc lớp trang phục đen chìm vào nền, dùng đôi bàn tay uyển chuyển xoay vần mấy thanh tre mỏng treo đèn nhấp nháy, liền biến thành những con đom đóm đêm lập lòe như đến tiễn đưa linh hồn Mufasa ra đi mãi. Vừa lãng mạn, vừa cô đơn đầy kiêu hãnh.
Một khung cảnh khác khiến mình ngạc nhiên rồi đột ngột nín thở là đoạn Simba bị thách thức gầm lên 1 tiếng khiến đám linh dương hoảng sợ chạy loạn. Cảnh này nếu không có trí tưởng tượng tuyệt vời để xử lý một cách tinh tế thì sẽ chỉ là một đám linh dương chạy ầm ầm trên sân khấu nhưng sự thật thì nó vượt ra ngoài sự mong đợi của mình. 2 lớp linh dương phía trước là diễn viên múa rối thật, lớp sau cùng là đám linh dương chạy từ phía đồi xa thì họ xử lý bằng một tấm vải in những con linh dương nhỏ xíu như những nét xổ thẳng, rồi (có lẽ) dùng ròng rọc để chuyển động liên tục tấm vải đó, khiến cho khung cảnh tưởng chừng như chỉ có trong phim lại một nữa xuất hiện sống động, chân thực. Chưa hết ngạc nhiên thì cái chết đột ngột rơi từ trên vách núi xuống của Mufasa làm mình nghẹn lại.
Còn rất rất nhiều các hình ảnh biểu tượng, chi tiết nhỏ mà mình cảm thấy team sản xuất đã tái hiện vô cùng tinh tế, vô cùng triệt để, không để khán giả cảm thấy bất cứ cái gì bị thừa thãi, vô lý trên sân khấu cả. Họ chọn những khung hình biểu tượng rất đắt giá và xử lý từng lớp lang cho khung hình đó để khi đem lên sân khấu, khung cảnh đó trở nên chân thực, sống động, rất đáng để học hỏi.
(To be continue)
Xem thêm: Tomorrowland – 15 năm hành trình trở thành lễ hội âm nhạc lớn nhất thế giới.
Miha