Nếu bạn được giao nhiệm vụ tại vị trí backstage cho một sự kiện hội nghị, một chương trình ca nhạc hay một vở diễn kịch và đặc biệt là support kỹ thuật cho nghệ sĩ/ diễn viên/ diễn giả…thì đừng bỏ qua bài viêt sau nhé. Dưới đây chúng mình sẽ giới thiệu về 4 loại micro thường xuyên được sử dụng trong các sự kiện khác nhau cũng như một số lưu ý để giúp các bạn làm việc hiệu quả hơn đấy!
Nội dung
1. MICRO CỔ NGỖNG (Gooseneck microphone hay Podium microphone)
Loại micro này hầu hết là micro đơn hướng (Cardiod/Super cardiod) – nhận âm thanh từ hướng phía trước. Điều này phù hợp với vị trí cố định của người phát biểu hay đọc diễn thuyết trong các buổi hội nghị, hội thảo… Đồng thời nó cũng giúp giảm thiểu việc gây ra phản hồi âm (tiếng rú, rít), từ đó ngăn chặn sự phiền toái và mất tập trung trong phòng họp, hội nghị, hội thảo. Ngoài ra hầu hết micro cổ ngỗng có thiết bị đầu mút chắn gió để chống lại tiếng ồn của hơi thở. Đa số các thiết bị này đều có đế để bàn/bục nhưng đôi khi nó không có để mà gắn trực tiếp lên bề mặt bàn/bục. Đa số các Micro cổ ngỗng thường dùng nguồn phantom của mixer, hoặc sử dụng pin (có một vài loại có thể sử dụng điện lưới như: OBT-8052A). Nên lựa chọn loại micro có đèn báo hiệu cấp nguồn và nút chuyển đổi on – off để có thể dễ dàng biết được tình trạng trong quá trình sử dụng.
2. MICRO CẦM TAY (Handheld microphone)
Loại mic này thường được các ca sĩ, MC… sử dụng để trình diễn trên sân khấu. Micro cầm tay được chia làm 2 loại:
– Micro có dây hay gọi là micro hữu tuyến (hình 3): đường truyền qua dây jack truyền dẫn trực tiếp đến mixer nên việc di chuyển bị hạn chế. Tuy nhiên, ưu điểm là không bị mất tín hiệu giữa chừng.
– Micro không dây hay micro vô tuyến (hình 4): đường truyền qua đầu thu tín hiệu truyền đến mixer nên thuận tiện cho việc di chuyển. Nhược điểm của micro không dây là sử dụng pin nên cần có pin dự trữ, dễ mất tín hiệu khi có vấn đề về sóng.
Hình 4
*** Lưu ý:
– Một số nghệ sĩ có thói quen thay vì cầm thân micro lại cầm ngay đầu mic (rapper) (tần số bị bóp méo) hoặc đuôi micro để hát (chỗ phát sóng gây mất tín hiệu), có thể đây là phong cách khiến nghệ sĩ trở nên “chất” hơn trong mắt khán giả nhưng khi trình diễn live thì việc cầm micro như thế sẽ gây dễ bị “hú” bất thường bởi vì nó sẽ làm tăng phản hồi âm và hơn nữa nó sẽ làm cho giọng hát đi vào micro bị um và biến dạng rất nhiều. Khi cầm thì cần tránh hướng đầu hoặc đuôi micro vào các loa, các nguồn tạp âm, người đang nói hay điện thoại.
– Nếu sử dụng micro cầm tay để thu âm tiếng nhạc cụ thì cần phải lưu ý rằng: âm thanh của nhạc cụ không giống như tiếng nói của con người, âm thanh của nhạc cụ thường phát xuất từ khu vực lớn hơn hay từ nhiều điểm cùng một lúc. Vì vậy việc đặt vị trí micro là yếu tố then chốt trong việc xác định chất lượng đầu ra của âm thanh nhạc cụ. Ví dụ, bố trí một microphone gần lỗ phát âm thanh của guitar thùng tạo ra sự cộng hưởng cân xứng. Nếu di chuyển micro theo chiều dài của cần đàn guitar sẽ tiếp tục làm nổi bật tiếng dây đàn, và làm chìm đi tiếng cộng hưởng của thùng đàn. Tùy người biểu diễn muốn lấy tiếng như thế nào thì chúng ta sẽ có cách lắp đặt khác nhau. Hoặc việc bố trí micro cho một nghệ sĩ guitar đang ngồi ghế thường đơn giản hơn so với một nghệ sĩ đứng biểu diễn.
– Dựa vào nội dung các phần trong chương trình, cần tính toán số lượng mic và pin dự trữ để tránh chương trình bị ngắt quãng do hết pin (nên thay pin mới trc chương trình pin cũ dùng để tập). Nên tháo pin ra khỏi tay micro sau mỗi lần sử dụng để tránh pin bị chảy nước.
Nhằm đảm bảo tín hiệu âm thanh ổn định, nên sử dụng đúng loại pin mà nhà sản xuất đã chỉ định. Một giải pháp có vẻ lý tưởng là sử dụng pin sạc, nhưng cần lưu ý rằng, sau một thời gian dài sử dụng, lượng pin khả dụng sẽ giảm dần ngay cả khi chúng được sạc đầy 100%.
3. MICRO CÀI VE ÁO (Lapel microphone/lavalier microphone)
Là một loại micro nhỏ thường được gắn trực tiếp vào cổ áo, cà vạt hoặc trang phục biểu diễn của diễn viên để không bị hạn chế diễn xuất bởi việc phải cầm micro. Ngoài ra đối với các nghệ sĩ phải thường xuyên di chuyển, hoặc phải thực hiện nhiều động tác nhảy múa thì còn có loại micro cài đầu được gọi là Head-worn Micro (hình 6). Hầu hết các chương trình âm nhạc hiện nay ở Việt Nam, có rất ít ca sĩ sử dụng loại micro này trong khi đây lại là loại Micro vô cùng phổ biến ở Hàn Quốc – nơi mà nghệ sĩ phải vừa hát vừa nhảy. Các loại micro nhỏ phổ biến hiện nay là dòng micro không dây, bao gồm: bộ thu tín hiệu, bộ phát tín hiệu và mic cài để người dùng thuận tiện trong việc di chuyển.
Để sử dụng các bộ micro này cần lưu ý những điều sau. Trên bộ phát tín hiệu có:
– Đèn tín hiệu AF: là tín hiệu khi bạn nói vào micro ở bộ phát thì đèn sẽ sáng cùng lúc bạn nói, nó giúp bạn kiểm tra được thiết bị đã hoạt động hay chưa.
– Đèn tín hiệu RF: đèn báo hiệu kết nối sóng giữa bộ phát và bộ thu. Khi 2 bộ này bật nguồn lên thì thiết bị sẽ báo hiện thị “đèn led” hoặc ” cột sóng led”, lúc này 2 thiết bị đã kết nối và sẵn sàng sử dụng.
– Chức năng Sync: dùng để liên kết bộ thu và phát. Khi nhấn hoặc chọn chế độ này thì nó sẽ tự động quét đồng bộ tần số giữa bộ thu và bộ phát cho khớp nhau, và mỗi hãng sẽ có cách thao tác khác nhau.
– Để bộ micro cài áo hoạt động được thì phải gắn micro cài áo vào cổng đầu bộ phát. Sau đó cài mic vào vị trí thích hợp trên ve áo, luồn dây kết nối với bộ phát và cài bộ phát ra phía sau phần hông, hoặc lưng. lưu ý trước khi gắn mic cài áo vào bộ phát bạn phải khóa âm thanh bằng cách chuyển sang chế độ “Mute” hoặc vặn volume hết xuống để tránh hư hỏng thiết bị. Không cài bộ phát sóng vào bên trong nhiều lớp quần áo, râu anten cần phát sóng.
4. HEADSET
là một loại micro thiết kế tích hợp giữa headphone và microphone. Ở dạng đơn giản nhất sẽ có phần tai nghe gồm 2 loa (hoặc 1 loa) gắn với nhau qua một quai nối vòng lên đầu và đặt ngay trên vành tai, vỏ ngoài màng loa thường được bọc bằng các chất liệu như da, cao su. Điều này mang đến trải nghiệm nghe riêng tư vì âm thanh truyền trực tiếp tới tai cũng như giúp người nghe được tập trung hơn bởi các âm thanh bên ngoài đã được chặn lại.
Tuy nhiên Headset được sản xuất cho mục đích nghe gọi hoặc nói chuyện (cho các tổng đài viên), đặc biệt hiệu cho cho việc nói vì mic gần ngay khóe miệng. Thông thường cần micro có thể xoay 180° để dễ dàng đeo ở bên trái hay phải hoặc có thể gấp vào bên trong quai đeo gọn gàng khi không sử dụng. Micro mềm dẻo giúp điều chỉnh vị trí thuận tiện để bắt giọng nói tốt hơn và giảm tạp âm nền.
Headset thường xuất hiện trong các giải đấu game, giúp cho các game thủ tập trung tuyệt đối cũng như liên lạc trao đổi chiến thuật với nhau. Ngoài ra loại micro này cũng được các bình luận viên trong các trận đấu thể thao, hay các director/manager trong các sự kiện lớn sử dụng (loại không dây – intercom headset wireless). Bởi nó giải quyết được các vấn đề mang tính đặc thù của sự kiện (có nhiều tiếng ồn) và tính đặc thù của công việc (cần trao đổi, liên lạc, bình luận).
————————-
Xin chân thành cảm ơn Mr. Thuận Trần đã hỗ trợ Backstage biên tập bài viết này!
TRANG MẠNG XÃ HỘI NGÀNH TỔ CHỨC SỰ KIỆN TẠI VIỆT NAM Địa chỉ văn phòng: 43A Vạn Phúc, Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội Email: hello@backstage.vn Hotline: (+84)8 1800 6389 Bản quyền thuộc về Công ty CP Truyền thông & Sự kiện Backstage, giấy phép ĐKKD số 0108104540 do Sở KH&ĐT Hà Nội cấp ngày 26/12/2017. Giấy phép MXH số 62/GP-BTTTT ký ngày 18/03/2024.