Liệu những mâu thuẫn giữa Hoàng Thùy, Thanh Hằng và BTC cuộc thi Miss Universe Vietnam 2024 có thể xảy ra nếu có sự xuất hiện của một bản Hợp đồng Thỏa thuận bảo mật thông tin (Non-Disclosure Agreement – NDA)?
Những xích mích giữa Hoàng Thùy và Thanh Hằng trong thời gian qua đã thu hút sự chú ý mạnh mẽ của giới giải trí Vbiz và công chúng. Vấn đề bắt nguồn từ những bất cập trong khâu giao tiếp giữa ông Valentin Trần – Chủ tịch cuộc thi Miss Universe Vietnam và Á hậu Hoàng Thùy về việc cô không thể ngồi vào vị trí Giám khảo Miss Universe Vietnam 2024.
Đỉnh điểm sự việc là khi Hoàng Thùy thẳng thắn điểm mặt chỉ tên siêu mẫu Thanh Hằng chính là người gây cản trở để cô vuột mất vị trí quan trọng này, bằng một ảnh chụp màn hình tin nhắn có dòng chữ “Thanh Hang doesn’t want”.
Ngay sau đó, Thanh Hằng nộp đơn tố cáo Hoàng Thùy đã đăng tải thông tin sai sự thật về mình, gây ảnh hưởng xấu đến danh dự của cô và nhờ đến pháp luật can thiệp bảo vệ.
Nội dung
Sự cần thiết của hợp đồng NDA
Sau những bài đăng phàn nàn về việc mất chiếc ghế ban giám khảo Miss Universe Vietnam 2024 và tố cáo bị Thanh Hằng chèn ép, ông Valentin Trần đã đăng tải trên trang cá nhân công khai xin lỗi Hoàng Thùy, thừa nhận rằng bản thân thiếu sót trong việc mời cô làm thành viên ban giám khảo mà không thông qua ý kiến của ban tổ chức, nhà sản xuất và hội đồng giám khảo.
Đồng thời, ông cũng yêu cầu Hoàng Thùy dừng lại và hãy ngừng làm mọi chuyện trở nên xấu đi. Ông cho rằng rằng cô không nên công khai những trò chuyện cá nhân như vậy, đó là phép tắc hành xử tối thiểu trong kinh doanh và hợp tác.
Tuy nhiên, theo những bài đăng trên mạng xã hội của Hoàng Thùy, có thể thấy những trao đổi giữa á hậu và chủ tịch Miss Universe Vietnam được thực hiện chủ yếu qua tin nhắn thân quen như bạn bè, thay vì trao đổi qua email đi kèm một Hợp đồng Thỏa thuận bảo mật thông tin (NDA) một cách chuyên nghiệp.
Chính vì vậy, sự thiếu đi đi một bản hợp đồng NDA đã được hai bên ký kết khiến yêu cầu của ông Valentin Trần chỉ là quan điểm cá nhân. Chủ tịch Miss Universe Vietnam không thể ràng buộc Hoàng Thùy về mặt pháp lý để khiến cô dừng lại và ngăn sự việc tiếp tục đi xa ngoài tầm kiểm soát.
Hợp đồng Thỏa thuận NDA là gì?
NDA, viết tắt của Non-Disclosure Agreement (Thỏa thuận bảo mật thông tin), là một loại hợp đồng pháp lý giữa hai hoặc nhiều đối tác trong quá trình đàm phán các dự án quan trọng. Hợp đồng này nêu rõ những thông tin nhạy cảm mà họ không thể tiết lộ với các bên thứ ba, trong và sau quá trình đàm phán. Nếu một hoặc nhiều bên để lộ thông tin, họ sẽ bị xử phạt theo quy định trong Hợp đồng NDA, có thể bao gồm phạt tài chính, mất quyền tham gia dự án hiện tại và/hoặc trong tương lai.
Hợp đồng NDA mẫu phổ biến hiện nay được chia thành 3 loại hình thỏa thuận cơ bản, bao gồm:
- Thỏa thuận NDA song phương: Hợp đồng có sự tham gia của hai bên, trong đó mỗi bên ký kết thỏa thuận đều phải có trách nhiệm bảo mật thông tin.
- Thỏa thuận NDA đơn phương: Hợp đồng chỉ có một bên cung cấp thông tin cho bên còn lại, bất kỳ bên nào tiết lộ thông tin cho bên thứ 3 đều bị xem là vi phạm và phải chịu trách nhiệm bồi thường.
- Thỏa thuận NDA đa phương: Hợp đồng có sự tham gia của ít nhất 3 bên, trong đó luôn có một bên làm nhiệm vụ chia sẻ thông tin cho các bên còn lại đã tham gia ký kết thỏa thuận.
Các điều khoản ràng buộc pháp lý trong hợp đồng NDA
Tùy vào từng loại hình thỏa thuận NDA, nội dung thường được điều chỉnh thay đổi. Tuy nhiên, những phần nội dung quan trọng nhất trong một bản hợp đồng NDA vẫn bao gồm:
1. Thông tin của tất cả các bên tham gia: Hợp đồng NDA phải xác định rõ ràng các bên tham gia vào thỏa thuận bảo mật thông tin, bao gồm bên tiết lộ và bên nhận thông tin.
2. Thông tin cần bảo mật: Thỏa thuận phải xác định chính xác những thông tin bí mật cần bảo vệ, chẳng hạn như thông tin dự án, kịch bản sự kiện, thiết kế sân khấu, danh sách khách hàng, bí mật thương mại, chiến lược kinh doanh… trong lĩnh vực tổ chức sự kiện.
3. Lý do & điều khoản bảo mật thông tin: Hợp đồng phải nêu rõ mục đích chia sẻ dữ liệu bí mật, đảm bảo rằng thông tin chỉ được sử dụng cho mục đích đã định và không cho bất kỳ mục đích trái phép nào khác.
4. Thời hạn bảo mật thông tin: Thỏa thuận phải nêu rõ thời hạn bảo mật thông tin, có thể là ngắn hạn hoặc vô thời hạn, tùy vào bản chất của thông tin.
5. Những thông tin nằm ngoài phạm vi bảo mật: NDA cần xác định rõ ràng những loại trừ, chẳng hạn như thông tin đã được công chúng biết đến từ trước.
6. Nghĩa vụ của bên nhận thông tin: Hợp đồng phải nêu chi tiết nghĩa vụ bảo mật thông tin của bên nhận, bao gồm cách xử lý, lưu trữ và bảo vệ sự an toàn cho thông tin.
7. Điều kiện phạt: Trong trường hợp vi phạm, hợp đồng NDA sẽ nêu rõ hậu quả, có thể bao gồm hành động pháp lý, bồi thường thiệt hại và loại trừ khỏi các dự án tương lai.
Điều kiện phạt chính là hình thức tiên quyết để ngăn ngừa những rủi ro đáng tiếc như tranh chấp giữa Hoàng Thùy, Thanh Hằng và tổ chức Miss Universe Vietnam.
Hiện tại chưa rõ ai đúng ai sai trong ồn ào giữa Hoàng Thùy, Thanh Hằng và tổ chức Miss Universe Vietnam và sự việc sẽ tiếp tục diễn biến ra sao. Tuy nhiên, những hình ảnh chụp màn hình tin nhắn cuộc trò chuyện giữa Chủ tịch Miss Universe Vietnam và Hoàng Thùy được đăng tải công khai trên mạng xã hội đã cho thấy một bài học lớn về hình thức trao đổi hợp tác công việc.
Rõ ràng, nếu những trao đổi giữa phía Miss Universe Vietnam và Hoàng Thùy được áp dụng cùng Hợp đồng bảo mật thông tin (NDA), tất cả các mâu thuẫn trên có thể được phòng tránh hoặc không đi xa đến vậy.
Bài học này không chỉ dành riêng ban tổ chức, nhà sản xuất của Miss Universe Vietnam mà còn dành cho tất cả những nhà tổ chức, đơn vị hợp tác trong lĩnh vực giải trí và tổ chức sự kiện nói chung.
Backstage News