"Sự kiện bền vững" và "Sự kiện xanh" là hai thuật ngữ thường được dùng cùng nhau để nói về những sự kiện mang lại tác động tích cực cho môi trường. Vậy thực tế hai loại hình sự kiện này giống hay khác nhau?
Trên thế giới, sự kiện bền vững (sustainable event) là một loại hình sự kiện đã xuất hiện từ hơn 2 thập kỷ qua. Tuy nhiên tại Việt Nam, đây là một xu hướng sự kiện còn khá mới mẻ. Sự kiện bền vững và sự kiện xanh thường được sử dụng thay thế nhau khi nói về những sự kiện giúp “xanh hóa” môi trường.
Nhưng thực tế, đây là hai loại hình sự kiện KHÔNG giống nhau.
Nội dung
Sự Kiện Bền Vững (Sustainable Event)
Một sự kiện được coi là bền vững khi sự kiện đó đảm bảo các hoạt động và tác động tích cực về bảo vệ môi trường tự nhiên, thúc đẩy một xã hội khỏe mạnh, đủ đầy và hỗ trợ cho một nền kinh tế thịnh vượng.
(Theo Event Industry Council)
Quản lý sự kiện bền vững (Sustainable Event Management) là sự kết hợp giữa quản lý tính bền vững của sự kiện với quá trình lập kế hoạch dự án của sự kiện đó (Katzel, 2007).
Từ nhận thức, thiết kế đến mọi quyết định của nhà tổ chức đều đảm bảo tính bền vững được tích hợp vào việc quản lý, vận hành và sản xuất. Đồng thời đảm bảo mọi tác động tiêu cực về mặt xã hội, kinh tế và môi trường đều được quản lý và giảm thiểu tối đa.
Sự Kiện Xanh (Eco Event)
Sự kiện Xanh là một sự kiện được thiết kế, tổ chức và triển khai theo cách giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và để lại di sản tích cực cho cộng đồng địa phương.
(Theo Sustainable United Nations Unit)
Sự kiện xanh được tổ chức với mục đích hoặc ứng dụng các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ sự kiện tới môi trường.
Đó có thể là các hoạt động được thiết kế để tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và giảm thiểu lượng chất thải. Hoặc các sự kiện sử dụng các nguyên liệu xanh, nguyên liệu thân thiện với môi trường.
So Sánh Sự Kiện Bền Vững và Sự Kiện Xanh?
Từ hai định nghĩa trên, có thể thấy sự kiện bền vững và sự kiện xanh đều hướng đến nhận thức và trách nhiệm đến môi trường.
Tuy nhiên khi đánh giá về mục tiêu, phạm vi ứng dụng và mức độ thực hiện thì rõ ràng sự kiện bền vững mang hàm nghĩa bao quát và rộng hơn sự kiện xanh.
Về mục tiêu
Sự kiện xanh chỉ quan tâm đến vấn đề môi trường, tập trung vào việc giảm thiểu tác động của sự kiện đối với môi trường. Sự kiện này sử dụng các nguyên liệu “xanh” hoặc tạo ra các hoạt động mang lại lợi ích tích cực cho môi trường.
Trong khi đó, sự kiện bền vững không chỉ quan tâm về môi trường. Sự kiện này nhấn mạnh mục tiêu về phát triển có trách nhiệm, dài hạn. Đồng thời đem lại những đóng góp tích cực cho ba nhóm yếu tố bao gồm sức khỏe môi trường, lợi ích kinh tế và công bằng xã hội.
Về mức độ thực hiện
Sự kiện xanh thường tập trung vào các giải pháp liên quan đến địa điểm, thiết kế trang trí, truyền thông, giao thông vận tải, thực phẩm và chất thải để làm giảm tác động tiêu cực đến môi trường.
Trong khi đó, sự kiện bền vững đòi hỏi sự đột phá và sáng tạo của nhà tổ chức trong mọi giải pháp để đảm bảo các mục tiêu bền vững. Sự kiện được tổ chức đáp ứng được nhu cầu hiện tại, đồng thời không gây ra ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của tương lai.
Về phạm vị ứng dụng
Quy mô tổ chức và thời gian ứng dụng các giải pháp của sự kiện xanh thường chỉ nằm trong khuôn khổ của sự kiện đó, hướng đến hiện tại và tương lai gần.
Trong khi đó, sự kiện bền vững mang đến các giải pháp có thể ứng dụng chủ yếu dài lâu ở tương lai. Tính bền vững được tối ưu hóa trong quá trình tổ chức sự kiện từ trước-trong-sau sự kiện. Đặc biệt, sự kiện hướng đến mục tiêu được thực hiện ở toàn bộ ngành sự kiện nói chung.
KẾT LUẬN
Sự kiện bền vững và Sự kiện xanh là hai loại hình sự kiện khác nhau, nhưng cùng hướng đến một mục tiêu chung là mang lại những giá trị tích cực cho môi trường và xã hội. Sự kiện bền vững chắc chắn là xanh nhưng sự kiện xanh thì chưa chắc đã bền vững.
Đọc thêm: Sự kiện bền vững hiện nay quan trọng hơn bao giờ hết!
Thanh Thảo – Backstage VN