Theo CWT Meets & Events, sự tập trung vào việc tổ chức các sự kiện bền vững trên thế giới được ước tính sẽ chỉ tiếp tục gia tăng. Tầm quan trọng của sự kiện bền vững ngày càng nhận được quan tâm lớn từ cộng đồng ngành sự kiện và các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Vậy tại sao sự kiện bền vững lại được quan tâm đến vậy?
Nội dung
Sự kiện “thông thường” tác động tiêu cực tới môi trường
Không có nghi ngờ rằng các sự kiện có thể mang lại nhiều lợi ích cực kỳ tích cực. Chúng mang lại lợi ích quan trọng cho nền kinh tế địa phương và tăng cường tương tác xã hội. Tuy nhiên, từ quan điểm môi trường, các sự kiện lại tạo ra những tác hại không nhỏ.
Việc nhiều người đến một không gian nhỏ trong một khoảng thời gian ngắn gây ra nhiều tác động tiêu cực. Nó gây ra sự gia tăng sử dụng phương tiện giao thông, các sản phẩm dùng một lần, năng lượng, tiêu thụ thực phẩm và đồ uống.
#1 – Sự kiện tạo ra rất nhiều chất thải
Bất kỳ ai đã tham dự sự kiện đều có thể chứng thực số lượng lớn thực phẩm, tài liệu tiếp thị được in, chương trình nghị sự & tài liệu quảng cáo, vật phẩm tặng kèm, v.v.
Theo báo cáo của Meet Green:
- “Một người tham dự hội nghị có thể tạo ra tới 1,89kg chất thải mỗi ngày khi họ tham dự một sự kiện. Trong đó 85% chất thảiđược chuyển trực tiếp đến bãi rác.”
Tờ báo The Damani Journal cũng công bố:
- “Có hơn 1 nghìn tỷ đô la và 1,3 tỷ tấn thực phẩm từ các sự kiện bị lãng phí trên toàn cầu mỗi năm đến. Trong đó, 45% lãng phí thực phẩm là ở dạng chuẩn bị và 21% khác là do hư hỏng hoặc bị dư thừa.”
#2 – Các sự kiện cần rất nhiều năng lượng để vận hành
Các sự kiện dù ở bất kỳ quy mô nào cũng sẽ gây ra sự gia tăng sử dụng năng lượng. Đó là bởi vì những thứ như các thiết bị chiếu sáng, sưởi ấm và các thiết bị cắm sạc sẽ cần nhiều điện hơn bình thường.
Khi nói đến việc định lượng về lượng năng lượng cần thiết (cụ thể là về dầu), báo cáo của Meet Green cho thấy:
- “Một sự kiện kéo dài 03 ngày với 1000 người tham dự sẽ cần tới 530 tấn dầu để cung cấp nhiên liệu cho toàn bộ sự kiện, tương đương với khoảng 449 thùng dầu.”
Báo cáo cũng chỉ ra rằng:
- “Nếu tổ chức một sự kiện bên trong một tòa nhà, thì 44% mức tiêu thụ năng lượng của tòa nhà đó là do thiết bị sưởi ấm, thông gió và điều hòa không khí, 28% là do thiết bị chiếu sáng.”
#3 – Sự kiện tạo ra lượng khí thải C02 cao
Yêu cầu năng lượng cao dẫn đến sản lượng carbon cao. Điều này có nghĩa là hầu hết các sự kiện đều có lượng khí thải C02 rất cao.
Theo báo cáo từ Hội nghị The Paris Climate Talks:
- “Một sự kiện với sự tham gia của hơn 50.000 người đã thải ra hơn 300.000 tấn CO2.”
Tờ báo The Damani Journal cũng thống kê:
- “Việc đi lại và ăn ở của 5 triệu người cho Giải vô địch bóng đá thế giới 2018 ở Nga chiếm khoảng 85% lượng khí thải nhà kính mà giải đấu tạo ra. Điều này chuyển thành 1,6 triệu tấn CO2, hoặc tương đương với lượng khí thải từ mức tiêu thụ điện hàng năm của nửa triệu hộ gia đình.”
Nhìn chung, những yếu tố chính dẫn đến lượng phát thải CO2 cao tại các sự kiện là:
- Phương tiện di chuyển đến sự kiện (ô tô/tàu hỏa/máy bay);
- Các bữa ăn và đồ uống (tìm nguồn cung ứng, vận chuyển và chuẩn bị);
- Tiêu thụ năng lượng chung (năng lượng cần thiết để vận hành địa điểm, năng lượng được sử dụng bởi khách hàng trong các cơ sở lưu trú, v.v.);
- Quá trình vận chuyển hàng hóa (bất cứ thứ gì có thể cần được giao cho sự kiện).
Trong khi ngành sự kiện ngày càng phát triển mạnh
Quy mô ngành Sự kiện toàn cầu là 863,2 tỷ đô la vào năm 2021 và được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 13,7%, bằng cách tạo ra doanh thu 2.972,4 tỷ đô la vào năm 2031.
Theo Dự báo về các sự kiện và cuộc họp toàn cầu năm 2023:
- Hai phần ba số người tham gia khảo sát mong muốn tham gia vào các sự kiện trực tiếp. Tương ứng với đó, chi phí trung bình cho mỗi người tham dự dự kiến sẽ tăng 1,5% trên toàn cầu đối với các cuộc họp nhỏ hoặc đơn giản và lên đến 3% cho các hội nghị và triển lãm thương mại.
Ngoài ra, báo cáo của Event Industry News cho thấy chi tiêu cho sự kiện của các doanh nghiệp trong khu vực dự kiến sẽ tăng 83%.
Sẽ ra sao khi ngành tổ chức sự kiện ngày càng PHÁT TRIỂN MẠNH, số lượng sự kiện ngày càng GIA TĂNG nhưng KHÔNG CÓ BIỆN PHÁP làm giảm những tác động tiêu cực mà các sự kiện đó gây ra cho môi trường?
Đó là lý do tại sao xu hướng tổ chức sự kiện bền vững nói riêng và lối sống bền vững nói chung ngày càng được quan tâm và áp dụng.
Sự kiện bền vững mang lại nhiều giá trị quan trọng
#1 – Sự kiện bền vững quan trọng tới môi trường
Rõ ràng, một sự kiện bền vững mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho môi trường:
- Giảm lượng chất thải phát sinh và đảm bảo quản lý chất thải phù hợp;
- Giảm tiêu thụ nước và năng lượng
- Giảm thiểu ô nhiễm không khí, tiếng ồn và ánh sáng.
Ngoài ra, sự kiện bền vững cũng đóng góp không nhỏ trong việc giảm lượng khí thải CO2, nó sẽ góp phần vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
#2 – Quan trọng tới nhận thức con người và ngành sự kiện nói chung
Hầu hết mọi người đều lo ngại về khủng hoảng khí hậu. Tuy nhiên, nhiều người đã không hành động và cảm thấy đó không phải là trách nhiệm của riêng họ.
Tổ chức sự kiện bền vững là một cơ hội quan trọng để truyền bá thông điệp về nhận thức môi trường:
- Họ cho những người tham dự biết về cách tổ chức sự kiện bền vững;
- Nhà tổ chức đã thực hiện hành động gì để bảo vệ môi trường xanh;
- Những cách mà người tham gia cũng có thể dễ dàng làm điều đó.
Hơn nữa, những nhà tổ chức đi đầu và tiên phong đẩy mạnh xu hướng sự kiện này cũng sẽ mang đến ảnh hưởng tích cực đến toàn bộ ngành sự kiện nói chung.
- Họ có thể phổ cập thông tin này tới các nhà cung cấp, các nhà tổ chức khác;
- Đồng thời hướng dẫn về cách họ có thể thân thiện với môi trường tại sự kiện;
- Họ sẽ cho mọi người thấy rằng điều đó không chỉ có thể được thực hiện dễ dàng mà còn mang lại lợi ích kinh tế xứng đáng.
#3 – Sự kiện bền vững nâng cao thương hiệu doanh nghiệp và tổ chức
Sự quan tâm của công chúng tới vấn đề sống xanh và bảo vệ môi trường ngày càng được nâng cao. Do vậy. việc các doanh nghiệp tổ chức các sự kiện hướng tới mục tiêu này là một lợi thế.
Hiện nay, các cá nhân ngày càng đánh giá cao tính bền vững trong cuộc sống. Họ luôn hướng tới tìm kiếm các doanh nghiệp phù hợp với các giá trị của họ.
- “88% người tiêu dùng muốn thương hiệu giúp họ thân thiện hơn với môi trường”
(Futerra, Forbes)
Do vậy, tổ chức sự kiện bền vững góp phần nâng cao hình ảnh, sự uy tín và sự cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường ngành sự kiện nói chung.
Kết luận
Có nhiều lợi ích nhận được từ việc tổ chức một sự kiện bền vững. Vì tính bền vững là một vấn đề tích cực và phổ biến cần lưu ý, nó sẽ mang lại những tác động tích cực tới môi trường. Hơn nữa, nó sẽ thu hút những người tham gia quan tâm đến vấn đề này. Là một sự kiện có hiệu ứng tiếp thị, nó có tác động ảnh hưởng lớn đến ngành sự kiện nói chung và nâng cao hình ảnh của nhà tổ chức.
⌊Đọc thêm: Sự Kiện Bền vững và Sự Kiện Xanh: Giống hay Khác nhau?
Thanh Thảo – Backstage VN