Những ngày qua, nhiều tranh cãi nổ ra về hình ảnh một show thời trang truyền thống Việt Nam bị coi là phản cảm, cách điệu quá đà. Liệu đây là cách tân hay thiếu tự trọng thẩm mỹ?
Rõ ràng, những thiết kế trong bộ sưu tập New Traditional của NTK Tường Danh đã làm mất đi tính thuần phong mỹ tục vốn có của cổ phục Việt Nam. Vậy nhưng, đáng buồn là vẫn có một bộ phận khán giả bênh vực, cho rằng đó là “cách tân” hay “phong cách của NTK”. Thực tế, câu chuyện ngôi sao diện thời trang phản cảm trên thảm đỏ không còn là vấn đề mới, từ các show diễn đến các sự kiện. Nhiều người cho rằng đó là thời trang, là sự đổi mới hiện đại. Bên cạnh đó cũng có không ít những ý kiến trái chiều, cho rằng đó là lố bịch.
Nội dung
Phản cảm vin vào thể nghiệm, cách tân
“Cho hỏi lấy cớ gì để đòi tẩy chay những sự cách tân sáng tạo thời trang như kia? Các sản phẩm thời trang chính là phản ánh quan điểm của nhà thiết kế. Nếu NTK đã nhìn áo yếm và chư tăng thế kia thì đó cũng chỉ là một cái nhìn mới về truyền thống.”
Đây là một trong những dòng bênh vực về BST New Traditional trên mạng xã hội, khiến nhiều người lắc đầu ngao ngán. Đến giờ vẫn có không ít người bênh các thiết kế vin vào cách tân để cắt xẻ lố bịch, quá đà.
Trong thời điểm show diễn nhận phản hồi tiêu cực từ công chúng, NTK Tường Danh đã chia sẻ: “Thể nghiệm là cụm từ được sử dụng để nói về tính chất của BST New Traditional”. Trong thời trang, thể nghiệm là hình thức cải tiến, tái cấu trúc, hiện thực hóa các ý tưởng riêng biệt và độc đáo trong phong cách thiết kế.
Tuy nhiên, hình thức thể nghiệm của NTK Tường Danh có vẻ không như mong đợi. Loạt thiết kế của NTK này bị cho là “rác phẩm”, xúc phạm văn hóa và tôn giáo nhưng lợi dụng danh nghĩa “thể nghiệm”. Show diễn nhận về sự tẩy chay, lên án mạnh mẽ của cộng đồng.
Anh Tôn Thất Minh Khôi, người sáng lập Thiên Nam Lịch Đại Hậu Phi (trang chuyên nghiên cứu văn hóa, lễ nghi, trang phục chốn cung đình xưa), đại diện dự án “Việt phục Hoa Niên”, bức xúc: “Từ khi nào chiếc nón quai thao truyền thống lại bị gán ghép vào những bờ mông để trần kệch cỡm, dung tục đến thế này? Từ khi nào hình ảnh chư tăng khất thực vốn là hình ảnh thiêng liêng, lại bị bóp méo lố bịch kinh khủng trên sàn diễn thời trang?”
“Đừng bao giờ vin vào cớ “cách tân”, “sáng tạo” để cưỡng bức văn hóa truyền thống!”
Với dòng chảy thời trang ngày càng phát triển, nhiều nghệ sĩ cũng nhanh chóng cập nhật xu hướng mới, chứng tỏ sự “sành điệu” của bản thân. Đến nay, trang phục áo dài Việt Nam từng được thể nghiệm theo nhiều xu hướng thời trang thế giới. Bên cạnh nhiều thiết kế cách tân được đón nhận, một số kiểu dáng mới của áo dài vấp phải phản hồi tiêu cực. Hàng loạt các tên tuổi như Hà Anh, Ngọc Châu, Thủy Tiên, Mai Phương Thúy,… và nhiều người đẹp khác từng hứng chịu phản hồi tiêu cực vì diện áo dài “thiếu vải” gây phản cảm khi xuất hiện tại các sự kiện.
Ranh giới mong manh giữa ‘gợi cảm’ và ‘phản cảm’
Lằn ranh giữa ‘gợi cảm’ và ‘phản cảm’ giống như một sợi chỉ mỏng. Sợi chỉ này đến từ văn hoá của mỗi người và cách nhìn nhận của họ. Đôi khi 1-2 cm, 1-2 chiếc cúc chính là ranh giới. Diện một bộ váy xẻ tà quyến rũ, xẻ 1-2cm thì được khen là gợi cảm. Nhưng chỉ cần xẻ thêm 1-2cm nữa, ngay lập tức sẽ bị cho là phản cảm, quá đà.
Trao đổi với báo Dân trí, Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng (nguyên giám khảo nhiều cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia) đánh giá:
“Ranh giới giữa nhạy cảm và phản cảm rất mong manh. Vấn đề của các nghệ sĩ là xử lý thế nào về mặt trang phục. Vì nếu không có ánh đèn flash thì cũng có ánh sáng khác. Chúng ta cần nhấn mạnh vấn đề ở đây là trang phục quá mỏng, quá hở.
Cơ thể người phụ nữ vốn là tác phẩm hoàn hảo nhất của thượng đế. Cái đẹp cần khoe ra nhưng khoe thế nào để đẹp cũng là một câu chuyện. Trang phục mỏng quá, khoe hết thì lại là phản cảm.”
“Trong mỹ học, cái đẹp của trang phục nằm ở sự hài hòa, giữa độ mỏng – ngắn – hở. Không hài hòa tức là không đẹp. Hở đến đâu là quyến rũ? Trang phục xẻ đến bắp đùi, khoe đôi chân dài là gợi cảm, nhưng quá thêm chút nữa sẽ không đẹp”.
Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng
Bày tỏ quan điểm về một số thiết kế áo dài trở nên phản cảm trên thảm đỏ, NTK Thanh Thúy (gương mặt quen thuộc của Tuần lễ thời trang Việt Nam và các sự kiện văn hóa) cho biết:
“Áo dài Việt Nam là một trang phục đẹp, kín đáo dành cho phụ nữ mọi lứa tuổi. Chính bản thân form dáng một chiếc áo dài ôm truyền thống đã đủ quyến rũ rồi. Nếu người mặc có sự biến tấu đi quá giới hạn, không cẩn thận sẽ trở nên phản cảm “
Cái giá phải trả của thời trang phản cảm
Không chỉ còn là những chỉ trích, lên án hay đánh giá tiêu cực từ khán giả và công chúng. Đối với những cá nhân, tổ chức dù vô tình hay cố ý phạm phải việc ăn mặc phản cảm trước công chúng, họ đều nhận về những xử phạt vi phạm hành chính nặng nề.
Về show thời trang “diện áo yếm, lộ vòng 3” của NTK Tường Danh, bà Nguyễn Mỹ Hạnh, Phó Chánh Văn phòng, Sở Văn hóa và Thể thao TP. HCM cho biết: “Thanh tra Sở đang phối hợp với các cơ quan liên quan, lấy ý kiến các chuyên gia để xác minh sự việc và sẽ xử lý theo đúng quy định luật pháp hiện hành.”
Trước đó, vào đầu năm 2023, đêm nhạc của SpaceSpeakers cũng đã bị phạt hành chính 110 triệu đồng vì Live Concert – The Kosmik “sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc” (vi phạm khoản 7, điều 11, Nghị định số 38/2021).
Siêu mẫu Hà Anh – Thành viên BGK Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 cũng đã nhận phải chỉ trích nặng nề vì mặc áo dài xuyên thấu, để lộ miếng dán ngực. Ban tổ chức cuộc thi cũng đã bị phạt 70 triệu đồng và bị đình chỉ hoạt động tổ chức thi người đẹp, người mẫu đến 9 tháng.
Nhiều ý kiến cho rằng, để người nổi tiếng không còn ăn mặc phản cảm, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định, thì phải có chế tài xử phạt thật nặng kèm theo như cấm biểu diễn có thời hạn. Thậm chí cấm vĩnh viễn, thu hồi hoặc tước giấy phép nếu để xảy ra vi phạm nhiều lần.
Nghệ sĩ cần có tự trọng thẩm mỹ
Ở bất kì đâu, bất kỳ quốc gia nào, không ai có thể phủ nhận sức ảnh hưởng to lớn của nghệ sĩ tới cộng đồng, đặc biệt là người hâm mộ của họ. Từ lối sống, thời trang, thẩm mỹ đến nhận thức. Do vậy, không chỉ là trang phục khi đi biểu diễn, hình ảnh đăng lên mạng xã hội của nghệ sĩ cũng cần lưu ý. Họ sẽ không biết với mỗi hình ảnh đó của họ, sẽ có bao nhiêu lượt xem và “copy” hay âm thầm học theo.
“Văn hóa thời trang cũng quan trọng như văn hóa ứng xử. Tự trọng thẩm mỹ của nghệ sĩ trước công chúng phải tồn tại cả trên sàn diễn, trong cuộc sống và trên mạng xã hội.
Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng nhấn mạnh
“Y phục xứng kỳ đức” – nhìn vào trang phục sẽ biết đạo đức con người thế nào. Trang phục rất quan trọng đối với mỗi con người. Nhưng làm thế nào để diện trang phục “đúng”, đó là cơ tầng văn hóa. Nghệ sĩ có tự trọng, sẽ không ai ăn mặc phản cảm.
Biết rằng, sự sáng tạo và đổi mới là cần thiết đối với các nghệ sĩ và những người làm nghệ thuật. Nhưng, chúng nên có chừng mực, trong cả cuộc sống hàng ngày lẫn trên thảm đỏ các sự kiện. Nhất là hiện nay, khi cổ phục Việt đang được đón nhận nhiều hơn, sự “cách tân” càng nên cẩn trọng. Sáng tạo vô biên nhưng cũng cần sự văn minh đi kèm.
Backstage News
Nguồn: Tổng hợp